Open navigation

Công văn 04/CT-BCT Tăng cường công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong khai thác than


BỘ CÔNG THƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số:  04 / CT - BCT

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2016


CHỈ THỊ


VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC AN TOÀN, PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ, PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TRONG KHAI THÁC THAN


Trong năm 2015 và quý I năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc đã chỉ đạo và thực hiện tương đối tốt công tác an toàn nên số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), đặc biệt là TNLĐ chết người đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 4 năm 2016 một số mỏ than của TKV đã xảy ra liên tiếp các sự cố, TNLĐ nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Nguyên nhân của các vụ sự cố, TNLĐ nghiêm trọng phần nhiều là do chủ quan; vi phạm các quy định về an toàn; ý thức và năng lực của người lao động, người quản lý chưa cao; chất lượng công tác kiểm tra, giám sát không bảo đảm.


Để đảm bảo an toàn trong sản xuất, làm tốt hơn nữa công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2016, Bộ Công Thương yêu cầu TKV, Tổng công ty Đông Bắc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung sau đây:


  1. Về công tác an toàn


    1. Tổ chức kiểm tra, rà soát các công trường, khai trường, khu vực sản xuất về việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy trình đảm bảo quy định về an toàn. Kiên quyết dừng sản xuất để chấn chỉnh, củng cố và khắc phục các vị trí có nguy cơ không bảo đảm an toàn, vi phạm các quy định về an toàn; việc sản xuất chỉ được thực hiện khi đã khắc phục xong, đủ điều kiện an toàn.


    2. Tổ chức tập huấn nâng cao ý thức, năng lực cho người lao động và người quản lý; tổ chức đánh giá rủi ro cho hoạt động sản xuất và hướng dẫn người lao động biết để tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại vị trí làm việc được phân công.


    3. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý từ an toàn vệ sinh viên, tổ trưởng sản xuất đến thủ trưởng đơn vị.


    4. Rà soát các quy trình, quy định về an toàn để chỉnh sửa, bổ sung bảo đảm đúng quy định, phù hợp với công nghệ, khu vực sản xuất.


    5. Tổ chức phân tích, làm rõ các nguyên nhân gây ra các sự cố, TNLĐ, đặc biệt là các sự cố, TNLĐ nghiêm trọng; phổ biến, rút kinh nghiệm các sự cố, TNLĐ nghiêm trọng trong các đơn vị để không xảy ra sự cố, tai nạn lặp lại.

    6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn của các cấp quản lý tại các vị trí sản xuất, khai trương, công trường để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm quy định về an toàn.


    7. Thực hiện chế độ khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt các quy định về an toàn gắn với hiệu quả sản xuất và xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể vi phạm các quy định về an toàn.


  2. Về công tác phòng chống cháy nổ


    1. Kiểm tra thiết kế, thi công lắp đặt mạng thông gió, đo khí và vị trí lắp đặt cảm biến khí mỏ phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn khai thác than hầm lò (QCVN 01: 2011 / BCT) . Thực hiện việc kiểm định, thí nghiệm, hiệu chuẩn các cảm biến khí để đảm bảo các cảm biến khí làm việc chính xác.


    2. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đo khí, kiểm soát không khí mỏ trong các ca sản xuất, tại vị trí người làm việc trong hầm lò bảo đảm hàm lượng khí mỏ phải đạt các yêu cầu an toàn theo quy định.


    3. Áp dụng các biện pháp, giải pháp, nguyên tắc để nâng cao khả năng phát hiện, xử lý, đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống cháy nổ.

  3. Về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

    1. Rà soát và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là hệ thống bơm thoát nước, mương thoát nước bãi thải và mặt bằng sản xuất, cấp cứu người bị nạn.


    2. Kiểm tra, rà soát các bãi thải để bảo đảm việc đổ thải đúng theo thiết kế được phê duyệt; hệ thống đê chân bãi thải, thoát nước bãi thải đúng quy chuẩn; xây dựng phương án ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.


    3. Tổ chức diễn tập phương án ứng phó chống ngập lụt mỏ, sạt lở bãi thải ảnh hưởng đến các khu dân cư trong vùng.


  4. Các công việc trên hoàn thành trước ngày 20 tháng 5 năm 2016.


  5. . Thông tin báo cáo


    Đối với sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng đơn vị phải báo cáo ngay bằng điện thoại (Số điện thoại: 0912185215), sau đó bằng văn bản, về cơ quan thường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công Thương (Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại: 04.22218320; fax: 04 22218321), đồng thời khai báo theo quy định.


    Định kỳ hàng quý, TKV và Tổng công ty Đông Bắc báo cáo tình hình sự cố và TNLĐ; định kỳ sáu tháng báo cáo việc thực hiện Chỉ thị về Bộ Công Thương.

  6. Tổ chức thực hiện

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì, phối hợp với Tổng cục Năng lượng tăng cường kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này của TKV, Tổng công ty Đông Bắc; định kỳ hàng quý báo cáo Lãnh đạo Bộ.



Nơi nhận:

  • Bộ trưởng;

  • Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng;

  • TCNL;

  • TKV; Tổng công ty Đông Bắc;

  • Lưu: VT; ATMT.

KT. BỘ TRƯỞNG

 THỨ TRƯỞNG


Cao Quốc Hưng

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.