Open navigation

Công văn 2538/BCT-ĐB ngày 11/05/2022 Nguyên tắc Ratchet trong cam kết dịch vụ và đầu tư của Hiệp định CPTPP

BỘ CÔNG THƯƠNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2538/BCT-ĐB

V/v lưu ý nguyên tắc Ratchet trong cam kết dịch vụ và đầu tư của Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực đối với Việt Nam

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các Bộ, ngành;
 - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nguyên tắc Ratchet, còn được gọi là nguyên tắc “không đi lùi”, là một nguyên tắc quan trọng áp dụng cho việc mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư. Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 1(c) Điều 9.12 Chương 9 (Đầu tư) và Khoản 1(c) Điều 10.7 Chương 10 (Thương mại dịch vụ xuyên biên giới). Nguyên tắc này áp dụng đối với tất cả các biện pháp được nêu tại Phụ lục I về Danh mục các biện pháp không tương thích với nghĩa vụ chính của chương Đầu tư và chương Thương mại dịch vụ xuyên biên giới (còn gọi là Danh mục NCM).

Nguyên tắc Ratchet được hiểu là các nước có quyền đơn phương sửa đổi[1] các nội dung đã được bảo lưu trong Danh mục NCM theo hướng thuận lợi hơn nhưng khi đã sửa đổi rồi thì không được quyền rút lại nội dung đã được sửa đổi đó. Các nước CPTPP đồng ý dành linh hoạt cho Việt Nam chỉ thực hiện nguyên tắc này sau 3 năm kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực với Việt Nam.

Như vậy, với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực chính thức với Việt Nam vào ngày 14 tháng 01 năm 2019, kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2022 nguyên tắc Ratchet sẽ chính thức được áp dụng đối với Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Điều này đòi hỏi Bộ, ngành và địa phương cần lưu ý trong việc ban hành, sửa đổi hay thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hay cấp phép đối với các hoạt động đầu tư, cung ứng dịch vụ, đặc biệt đối các nội dung có liên quan đến các nước CPTPP để bảo đảm phù hợp với định hướng quản lý và phát triển lĩnh vực dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, tránh xảy ra tranh chấp với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc nhà đầu tư nước ngoài.

Do tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Công Thương trân trọng thông báo tới quý Cơ quan để tham khảo, lưu ý trong việc xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hoặc cấp phép trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư đối với các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ đến từ các nước thành viên Hiệp định CPTPP.

Mọi thông tin chi tiết quý Cơ quan vui lòng liên hệ Phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương theo số điện thoại: 024.2220.5420 / 024.2220.5415, địa chỉ email: wto_mtpd@moit.gov.vn.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
 - Lưu: VT, ĐB (ngocld).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Trần Quốc Khánh

 

 


[1] Sửa đổi ở đây bao gồm sửa đổi về mặt luật pháp (de jure) hoặc trên thực tế (de facto). Ví dụ, nếu điều chỉnh một văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thuận lợi hơn cam kết thì là sửa đổi thuận lợi hơn về luật pháp còn nếu cấp một giấy phép hay thực hiện một biện pháp thuận lợi hơn cam kết thì là sửa đổi trên thực tế. Việc áp dụng nguyên tắc Ratchet chỉ dành cho các nước CPTPP.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.