Open navigation

Quyết định 1607/QĐ-TCT ngày 14/10/2022 Nội quy tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế

BỘ TÀI CHÍNH 
TỔNG CỤC THUẾ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1607/QĐ-TCT

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH NỘI QUY TIẾP CÔNG DÂN TẠI TRỤ SỞ CƠ QUAN TỔNG CỤC THUẾ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân;

Căn cứ Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân;

Căn cứ Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính;

Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 1127/QĐ-BTC ngày 14/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế.

Điều 2. Cục Thuế và Chi cục Thuế căn cứ Nội quy tiếp công dân ban hành kèm theo Quyết định này xây dựng và ban hành Nội quy tiếp công dân của đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tổ chức hoạt động của đơn vị mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 06/QĐ-TCT ngày 05/01/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế. Thủ trưởng các Vụ, đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc cơ quan Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Bộ Tài chính (để b/c);
- Thanh tra Bộ Tài chính;
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Đại diện VP.TCT tại TP.HCM;
- Website Tổng cục Thuế;
- Các Cục Thuế và Chi cục Thuế;
 - Lưu VT, KTNB (2b). 

TỔNG CỤC TRƯỞNG




 Cao Anh Tuấn


NỘI QUY

TIẾP CÔNG DÂN TẠI TRỤ SỞ CƠ QUAN TỔNG CỤC THUẾ
(Kèm theo Quyết định số: 1607/QĐ-TCT ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Tổng cục Thuế)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Mọi công dân đến địa điểm tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế và công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Các đơn vị tại trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế có trách nhiệm thực hiện tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Tổng cục Thuế.

2. Thời gian tiếp công dân thường xuyên

2.1. Trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh các ngày làm việc hành chính trong tuần. Giờ tiếp cụ thể là:

- Sáng: Từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút.

- Chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút.

2.2. Các ngày Thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ: nghỉ theo quy định.

3. Địa điểm tiếp công dân

Địa điểm tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế: Phòng Tiếp công dân, số 123 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tiếp công dân định kỳ và đột xuất

4.1. Tổng cục trưởng tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 hàng tháng tại địa điểm tiếp công dân của Tổng cục Thuế. Nếu ngày tiếp công dân định kỳ của Tổng cục trưởng được phân công trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì thực hiện vào ngày làm việc liền kề tiếp theo.

4.2. Trường hợp Tổng cục trưởng đã có lịch hẹn tiếp công dân nhưng không thể thực hiện tiếp công dân vì lý do khách quan thì lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác đồng thời có văn bản thông báo hoặc thông báo trực tiếp cho công dân biết việc thay đổi lịch, ngày giờ hẹn tiếp công dân lần sau.

4.3. Ngoài việc tiếp công dân theo định kỳ, Tổng cục trưởng thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau đây:

a) Vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;

b) Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

5. Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế theo quy định của pháp luật.

6. Trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế tiếp công dân

Trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế có trách nhiệm tiếp công dân theo sự ủy quyền của Lãnh đạo Tổng cục Thuế hoặc phối hợp tiếp công dân khi có đề nghị của Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng đối với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý được giao.

II- ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐẾN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH

1. Khi đến địa điểm tiếp công dân của Tổng cục Thuế, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền sau:

1.1. Trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

1.2. Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình.

1.3. Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân.

1.4. Nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

1.5. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng Việt thì có quyền đưa phiên dịch đi cùng và tự trả thù lao, chi phí khác cho người phiên dịch.

1.6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Khi đến địa điểm tiếp công dân của Tổng cục Thuế, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau:

2.1. Nêu rõ họ tên, địa chỉ, xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, giấy ủy quyền (nếu có) theo quy định.

Không được mang vũ khí, hung khí, chất gây cháy nổ, khẩu hiệu hoặc băng rôn và những vật cồng kềnh vào trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế.

2.2. Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân. Không gây rối an ninh, trật tự, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự người tiếp công dân, cản trở người tiếp công dân làm nhiệm vụ.

2.3. Công dân đến được tiếp theo thứ tự; Trình bày trung thực sự việc, nói rõ yêu cầu, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

2.4. Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân.

2.5. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung (từ 05 người trở lên) thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Người đại diện phải là người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2.6. Không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân.

2.7. Giữ gìn vệ sinh, trật tự, không được tự ý di chuyển hoặc làm hư hỏng tài sản của Phòng Tiếp công dân.

2.8. Hết giờ tiếp công dân, mọi công dân phải ra khỏi trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế, không được lưu lại dưới bất kỳ hình thức nào.

III. ĐỐI VỚI NGƯỜI TIẾP CÔNG DÂN KHI THỰC HIỆN TIẾP CÔNG DÂN

1. Người tiếp công dân của cơ quan Tổng cục Thuế có quyền:

1.1. Yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ họ tên, địa chỉ, đơn vị công tác, hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có).

Yêu cầu luật sư, người trợ giúp pháp lý xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và quyết định phân công trợ giúp pháp lý, giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật hoặc giấy ủy quyền khiếu nại trong trường hợp người khiếu nại nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền khiếu nại.

1.2. Yêu cầu công dân có đơn hoặc trình bày rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lý vụ việc.

1.3. Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Người tiếp công dân của cơ quan Tổng cục Thuế có trách nhiệm:

2.1. Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải mang, mặc trang phục theo quy định về quản lý, sử dụng trang phục và thẻ của ngành thuế. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện, phương tiện làm việc (sổ tiếp công dân, giấy tờ, máy ghi âm,...) để phục vụ cho việc tiếp công dân.

2.2. Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày. Không được cản trở, gây phiền hà cho công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2.3. Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân.

2.4. Kịp thời báo cáo cho thủ trưởng đơn vị mình giải quyết những vướng mắc khi tiếp công dân.

2.5. Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và những thông tin cá nhân khác của người tố cáo khi người tố cáo có yêu cầu.

IV. CÁC TRƯỜNG HỢP TỪ CHỐI TIẾP VÀ LẬP BIÊN BẢN YÊU CẦU XỬ LÝ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

1. Công chức làm công tác tiếp công dân tại Trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân và phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo Lãnh đạo Cục Kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong các trường hợp sau:

1.1. Công dân trong tình trạng không làm chủ được hành vi của mình do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác dẫn tới mất hoặc hạn chế khả năng điều khiển hành vi của mình.

1.2. Công dân khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.

2. Công chức làm công tác tiếp công dân được lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau:

2.1. Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

2.2. Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật./.

TỔNG CỤC THUẾ

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.