Open navigation

Quyết định 826/QĐ-BTTTT ngày 21/05/2024 Phê duyệt Chương trình thúc đẩy hỗ trợ người dân doanh nghiệp hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy an toàn

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 826/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY, HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP, HỘ KINH DOANH HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN TIN CẬY, AN TOÀN VỚI CÁC DỊCH VỤ SỐ SỬ DỤNG TÊN MIỀN QUỐC GIA “.VN” Ở CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRÊN CẢ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2024 - 2025”

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030";

Căn cứ Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050”;

Căn cứ Quyết định số 1359/QĐ-BTTTT ngày 01/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chiến lược phát triển VNNIC giai đoạn 2021- 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn” ở các tỉnh, thành phố trên cả nước giai đoạn 2024-2025”, (gọi tắt là Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Internet Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (Nhà đăng ký tên miền “.vn”) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Nhà đăng ký tên miền “.vn” (để t/h);
- HĐQL VNNIC;
- Lưu: VT. VNNIC(138).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Huy Dũng



CHƯƠNG TRÌNH

THÚC ĐẨY, HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP, HỘ KINH DOANH HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN TIN CẬY, AN TOÀN VỚI CÁC DỊCH VỤ SỐ SỬ DỤNG TÊN MIỀN QUỐC GIA “.VN” Ở CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRÊN CẢ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2024-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 826/QĐ-BTTTT ngày 21/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

1. BỐI CẢNH

1.1 Cơ Sở triển khai Chương trình

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia[1], Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025[2] xác định các quan điểm, nhiệm vụ phát triển: (1) Phát triển mỗi người dân thành một doanh nhân số, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng. (2) Dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia “vn".(3) Triển khai Chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO)[3] phản ánh môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các quốc gia được tính toán trên nhiều nhóm chỉ số, trong đó có nhóm chỉ số Sáng tạo trực tuyến, lấy tên miền quốc gia “.vn” là một trong thành tố cấu thành chỉ tiêu đánh giá của Nhóm chỉ số sáng tạo trực tuyến (cụ thể; tên miền ccTLD trên 1.000 dân số có độ tuổi từ 15-69 tuổi). Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần trong bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, trong đó có Nhóm chỉ số Sáng tạo trực tuyến

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ) xác định định hướng phát triển: Tên miền ".vn ” là thương hiệu quốc gia, đạt tối thiểu 1 triệu tên miền, chiếm tối thiểu 60% tên miền sử dụng ở Việt Nam; Việt Nam đứng thứ nhất ASEAN, thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu Châu Á, nhóm 20-30 nước dẫn đầu thế giới về tên miền.

Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022) xác định “Số lượng tên miền .vn” là một trong các chỉ số đánh giá phát triển Kinh tế số, DTI cấp tỉnh.

Chương trình phối hợp hoạt động số 35/CTr-BTTTT-TWĐTN ngày 01/4/2022 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2026 đề cập đến các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, bao gồm nội dung tuyên truyền, ưu tiên sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn ” cho các hoạt động của thanh niên Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao nhiệm vụ trọng tâm cho Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC): Phát triển, phổ cập sử dụng tên miền quốc gia ".vn ”, phấn đấu đạt mục tiêu 1 triệu tên miền, đứng top 20-30 thế giới vào năm 2025 (Quyết định số 1359/QĐ-BTTTT ngày 01/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt Chiến lược phát triển VNNIC giai đoạn 2021-2025).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện các giải pháp đồng bộ: (1) Chính sách: Mở rộng không gian tên miền mới (id.vn, io.vn, ai.vn); ưu đãi giảm, miễn phí/lệ phí đăng ký, sử dụng tên miền; (2) Truyền thông rộng rãi, Ứng dụng công nghệ để phát triển tên miền quốc gia “.vn”, đưa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức lên môi trường Internet với giá trị “Nhận diện-Tin cậy-An toàn”.

Ngày 01/6/2023, Thông tư 20/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu phí, lệ phí tài nguyên Internet chính thức có hiệu lực, trong đó nổi bật chính sách ưu đãi đặc biệt miễn phí, lệ phí 2 năm đăng ký sử dụng tên miền “id.vn” và “biz.vn” hướng đến hai đối tượng ưu tiên là (1) giới trẻ tuổi từ 18-23 và (2) doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 1 năm, hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh.

1.2. Sự cần thiết của việc phổ cập tên miền quốc gia “.vn”, hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” và các dịch vụ số “Make in Việt Nam”.

Tên miền quốc gia thế hiện chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Tên miền quốc gia “.vn” không chỉ là địa chỉ trực tuyến của cá nhân, tổ chức, hay doanh nghiệp, mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu trực tuyến và mở rộng thị trường, là một kênh quảng bá hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều nền tảng online xuất hiện, thoái trào, nhiều doanh nghiệp chưa định hình được kênh tiếp cận chính để xây dựng thương hiệu, kinh doanh trực tuyến bền vững, hiệu quả.

Việc sử dụng tên miền “.vn” góp phần khẳng định bản sắc văn hóa và tăng cường niềm tin từ người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian số, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và truy cập thông tin một cách nhanh chóng và an toàn.

Trên thế giới, ở các nước phát triển, số lượng tên miền, tỷ lệ doanh nghiệp SME có website rất cao, tiêu biểu là khu vực Châu Âu (70%-90%)

Khu vực Châu Á: India (2022): Doanh nghiệp nhỏ có website (31,14%), doanh nghiệp vừa có website (53,19%); tương tự ở Hàn Quốc (2022): Doanh nghiệp nhỏ (68%), Doanh nghiệp vừa (79,26%); Indonesia (2022): Doanh nghiệp nhỏ (30,67%), Doanh nghiệp vừa (54,97%).

Hiện nay, ở Việt Nam, số lượng tên miền quốc gia “.vn” đạt khoảng 610.000 tên miền, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký sử dụng tên miền “.vn” khoảng 25% (trong tổng số khoảng hơn 900.000 doanh nghiệp cuối 2023.) Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp có website chỉ đạt 44% (bao gồm cả tên miền quốc tế và tên miền “.vn”).

Trong kỷ nguyên số hiện nay, việc phổ cập tên miền quốc gia “.vn” cùng với các dịch vụ số “Make in Việt Nam” (website/CV online, email ...) góp phần trong việc thúc đẩy phát triển của kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phổ cập tên miền “.vn”, VNNIC đang triển khai chiến lược nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức, và doanh nghiệp đăng ký và sử dụng tên miền “.vn”. Bằng cách này, tên miền quốc gia “.vn” và các dịch vụ số (website/CV online, email ..) không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế số mà còn góp phần vào việc tạo dựng một xã hội số đa dạng, phong phú và an toàn cho mọi người dân.

Để phổ cập tên miền quốc gia “.vn”, đưa chính sách vào thực tiễn, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách thiết thực, cần thiết triển khai Chương trình tổng thể, có quy mô toàn quốc nhằm thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện hiện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn" ở các tỉnh, thành phố trên cả nước

2. TÊN CHƯƠNG TRÌNH VÀ ĐƠN VỊ THAM GIA

2.1  Tên chương trình: “Thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn" ở các tỉnh, thành phố trên cả nước" (gọi tắt là Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”)

2.2  Đơn vị chủ trì Chương trình: Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ Thông tin và Truyền thông.

2.3  Đơn vị phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân (UBND), Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung ương Đoàn TNCS HCM; Vụ Kinh tế số - Xã hội số; Cục Thông tin cơ sở; Cục Chuyển đổi số quốc gia; Báo Vietnamnet; các Đơn vị chức năng của các Bộ, ngành có liên quan.

3. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

3.1  Chương trình cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

- Đối tượng: Doanh nghiệp thành lập trong vòng 01 năm tính đến trước thời điểm đăng ký sử dụng tên miền, hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh.

- Sản phẩm: Tên miền "biz.vn", dịch vụ số kèm theo: Website, email ... gắn với tên miền "biz.vn"

- Chính sách ưu đãi: miễn phí 2 năm sử dụng tên miền “biz.vn” và các dịch vụ số (website, email) cho:

+ Doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 01 năm.

+ Hộ kinh doanh cá thể có giấy đăng ký kinh doanh.

3.2  Chương trình cho người dân (giới trẻ)

- Đối tượng: công dân Việt Nam có độ tuổi từ đủ 18-23[4].

- Sản phẩm: Tên miền “id.vn”; dịch vụ kèm theo: website, email, CV online/blog

- Chính sách ưu đãi: miễn phí 2 năm sử dụng tên miền “id.vn” và các dịch vụ số (website, email, CV online/blog) cho công dân Việt Nam có độ tuổi từ 18-23.

4. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

4.1. Mục tiêu tổng quát

- Nâng cao nhận thức về hiện diện trực tuyến trên môi trường Internet: Tăng cường khả năng hiện diện trực tuyến của người dân, doanh nghiệp, và hộ kinh doanh trên toàn quốc thông qua việc sử dụng tên miền quốc gia “.vn” và các dịch vụ số gắn liền tên miền (website, email...), nhằm thúc đẩy sự nhận diện thương hiệu trên môi trường Internet và mở rộng thị trường.

- Thúc đẩy kinh tế số, xã hội số: Hỗ trợ phát triển kinh tế số, xã hội số bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho các người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng giải pháp công nghệ số và dịch vụ trực tuyến trong các hoạt động thương mại điện tử, y tế, văn hóa, giáo dục...

- Thông tin trên mạng tin cậy, an toàn với các dịch vụ số (website, email,...) gắn với tên miền quốc gia ".vn" được xác thực danh tính chủ thể đăng ký rõ ràng, minh bạch.

- Đối với người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể

+ Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sinh viên và người trẻ tuổi thiết lập thương hiệu số, hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia ".vn" trên Internet.

+ Hiện diện chính thức và phát triển hoạt động kinh doanh trên Internet.

+ Có kỹ năng số về sử dụng các phương tiện Internet để phục vụ phát triển bản thân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

+ Tăng cơ hội phát triển.

- Đối với địa phương

+ Nâng cao số lượng tên miền quốc gia ".vn" tại địa phương, một trong các chỉ tiêu đầu vào tính chỉ số Kinh tế số của tỉnh trong bộ chỉ số CĐS của địa phương.

+ Nâng cao việc cung cấp dịch vụ trực tuyến tại địa phương.

+ Phát triển kinh tế số, xã hội số bền vững, từ gốc.

+ Tin cậy: Thông tin trên mạng tin cậy với việc sử dụng tên miền quốc gia ".vn" được xác thực chủ thể sử dụng rõ ràng.

- Đối với quốc gia.

+ Mở rộng, tăng cường hiện diện chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

+ Tăng tỷ lệ sử dụng tên miền quốc gia ".vn"; vn/1000 dân, thứ hạng quốc gia trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).

+ Sử dụng rộng rãi, phổ biến tên miền “.vn” góp phần phát triển nội dung và dịch vụ trực tuyến trong nước, thúc đẩy dữ liệu người dùng của Việt Nam được được lưu trữ và quản lý tại Việt Nam.

+ Tin cậy: với việc sử dụng tên miền quốc gia ".vn" được xác thực chủ thể sử dụng rõ ràng, góp phần đảm bảo các thông tin đăng tải trên mạng có tính tin cậy, lành mạnh. Thông tin trên Internet lành mạnh góp phần giữ gìn trật tự và kỷ cương xã hội.

+ An toàn Internet Việt Nam.

4.2. Mục tiêu cụ thể

Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” có các mục tiêu cụ thể như sau:

- Truyền thông lan tỏa tới 100% doanh nghiệp SME mới thành lập trong vòng 1 năm, hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh trên toàn quốc.

- Truyền thông lan tỏa tới 100% các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, thanh niên có độ tuổi từ đủ 18-23.

- Đăng ký sử dụng đạt tối thiểu tối thiểu 400.000 tên miền id.vn, biz.vn (trong đó: id.vn đạt 350.000, biz.vn đạt 50.000) cùng các dịch vụ số (website, email ..) trong giai đoạn 2024 - 2025;

- Đăng ký sử dụng đạt tối thiểu 1 triệu tên miền “.vn” năm 2025, vị trí top 20-30 thế giới (tăng 10-20 bậc so với hiện nay), đạt 9-10 tên miền “.vn”/1000 dân[5]

5. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

5.1 Nhiệm vụ

5.1.1 Thống nhất, đồng bộ chương trình: Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” cần được cụ thể hóa trong các hoạt động chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi số tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

5.1.2 Truyền thông nâng cao nhận thức:

+ Triển khai chiến dịch truyền thông mạnh mẽ trên toàn quốc qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhấn mạnh chính sách ưu đãi đặc biệt trong Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”.

+ Tổ chức các hội thảo, hội nghị và workshop, webinar nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân cách thức đăng ký, sử dụng tên miền “biz.vn”, “id.vn” và các dịch vụ số (website/CV online, email ...) để hiện hiện trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường Internet.

5.1.3 Tổ chức phối hợp chặt chẽ các đơn vị tham gia chương trình:

+ Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (UBND) chỉ đạo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) các tỉnh, thành phố, các nhà đăng ký tên miền và các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ TTTT, các đối tác liên quan phối hợp triển khai đồng bộ để đảm bảo sự lan tỏa rộng rãi của chương trình.

+ Đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức giáo dục để tuyên truyền và giáo dục cho sinh viên về ứng dụng tên miền “id.vn” và các dịch vụ số (website, email, CV/blog) để trải nghiệm phục vụ nghiên cứu, học tập, nâng cao kỹ năng số; xây dựng CV online, thương hiệu cá nhân để tăng kết nối cộng đồng, cơ hội việc làm từ môi trường số an toàn, tin cậy.

5.1.4 Tổ chức cung cấp dịch vụ thuận tiện cho cộng đồng

+ Cung cấp dịch vụ trực tuyến toàn trình trong đăng ký sử dụng tên miền miễn phí “biz.vn”, “id.vn” cho các đối tượng ưu tiên gồm doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 01 năm, hộ kinh doanh, giới trẻ 18-23 tuổi.

+ Phát triển và triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ miễn phí (website, email, CV online/blog) cho các đối tượng ưu tiên trong đăng ký sử dụng tên miền “biz.vn”, “id.vn”

+ Chăm sóc, hỗ trợ cộng đồng trong quá trình trải nghiệm, đăng ký sử dụng dịch vụ từ chương trình.

5.1.5  Tổ chức giám sát, báo cáo, đánh giá hiệu quả chương trình

+ VNNIC chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, giám sát, tổng hợp báo cáo kết quả trước Bộ TTTT.

+ Sở TTTT chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, giám sát, tổng hợp báo cáo kết quả chương trình trong tỉnh, thành phố trước UBND tỉnh.

+ Các Sở, ban ngành, hiệp hội, tổ công nghệ số cộng đồng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, giám sát, tổng hợp báo cáo kết quả chương trình trong lĩnh vực quản lý trước Sở TTTT.

5.2  Giải pháp

5.2.1  Ban hành, thống nhất nội dung chương trình từ Bộ Thông tin và Truyền thông đến các tỉnh, thành phố

+ Bộ TTTT ban hành Quyết định triển khai Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”, gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức triển khai thực hiện.

+ UBND các tỉnh ban hành các chỉ đạo (Nghị quyết/Quyết định) triển khai chương trình hoặc bổ sung, lồng ghép trong các chương trình chuyển đổi số, đề án, dự án hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương chuyển đổi số; giao Sở TTTT làm đầu mối triển khai và phối hợp với các Sở, ban, ngành, hiệp hội ngành nghề, đại học, cao đẳng trong phạm vi tỉnh, thành phố được giao quản lý.

+ Sở TTTT xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết Chương trình tại địa bàn của tỉnh, thành phố được giao quản lý; tổ chức giám sát, báo cáo kết quả cho UBND.

5.2.2  Tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông, lan tỏa rộng rãi chương trình

+ Bộ TTTT triển khai một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ trên toàn quốc qua các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, truyền thanh, báo chí, mạng xã hội...) nhấn mạnh chính sách ưu đãi đặc biệt, lợi ích mỗi người dân, doanh nghiệp tham gia Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”.

+ UBND, Sở TTTT các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động truyền thông cho chương trình trên các kênh truyền thông chủ động tại tỉnh, thành phố, qua hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.

+ Sở TTTT tổ chức các hội thảo, hội nghị, và workshop nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân cách thức đăng ký, sử dụng tên miền “biz.vn”, “id.vn” và các dịch vụ số (website, email) để hiện hiện trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường Internet.

5.2.3  Tổ chức mạng lưới các đơn vị tham gia thực hiện chương trình trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị

+ VNNIC chuẩn bị nội dung hướng dẫn triển khai chương trình, tài liệu truyền thông cho chương trình, tổ chức hướng dẫn các đơn vị tham gia chương trình triển khai tại tỉnh, thành phố.

+ UBND, Sở TTTT các tỉnh thành phố huy động nguồn lực địa phương từ các Sở, ban, ngành, hiệp hội, tổ công nghệ số cộng đồng, các trường đại học, cao đẳng trong địa bàn tỉnh, thành phố để cùng phối hợp triển khai chương trình.

+ Đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức giáo dục để tuyên truyền và giáo dục cho sinh viên về ứng dụng tên miền “id.vn” và các dịch vụ số (website, email, CV online/blog) để trải nghiệm phục vụ nghiên cứu, học tập, nâng cao kỹ năng số; xây dựng CV online, thương hiệu cá nhân để tăng kết nối cộng đồng, cơ hội việc làm từ môi trường số an toàn, tin cậy.

5.2.4  Xây dựng nền tảng cấp dịch vụ trực tuyến toàn trình

+ VNNIC phối hợp với các Nhà đăng ký tên miền “vn” xây dựng và phát triển nền tảng website để cung cấp thông tin, hướng dẫn, và hỗ trợ, cung cấp dịch vụ trực tuyến toàn trình cho người dân và doanh nghiệp về việc đăng ký và sử dụng tên miền “id.vn” “biz.vn” và các dịch vụ số (website, email...)

+ Kết nối với hệ thống các Nhà đăng ký cho phép đăng ký và quản lý tên miền "id.vn” “biz.vn" một cách dễ dàng và thuận tiện; Nhà đăng ký xây dựng, cung cấp gói dịch vụ.

5.2.5  Giám sát, đánh giá

+ VNNIC, các Sở TTTT thiết lập một hệ thống đánh giá và giám sát để theo dõi tiến độ triển khai và hiệu quả của chương trình, đồng thời thu thập phản hồi từ người dân và doanh nghiệp để cải thiện chương trình.

VNNIC, các Nhà đăng ký tên miền tổ chức định kỳ các cuộc khảo sát và phản hồi để hiểu rõ nhu cầu và vấn đề gặp phải bởi các đối tượng ưu tiên, từ đó điều chỉnh và cải tiến chương trình.

6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

6.1. Trung tâm Internet Việt Nam

- Chủ trì tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung của Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”; Là đầu mối hướng dẫn, giải đáp triển khai các nội dung của Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”.

- Chủ trì hoạt động hỗ trợ, tư vấn, tập huấn, đào tạo cho các Sở, ban, ngành ở các Tỉnh, thành phố về chương trình.

- Chủ trì tổ chức các sự kiện và hoạt động truyền thông về Chương trình và kết quả thực hiện Chương trình.

- Xây dựng dữ liệu thống kê, giám sát dashboard về kết quả đăng ký, sử dụng dịch vụ của các địa phương; Xây dựng và phát triển tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”.

- Phối hợp đồng bộ với hệ thống các doanh nghiệp ICT- Nhà đăng ký tên miền “.vn” cung cấp dịch vụ an toàn, tin cậy trong quá trình triển khai chương trình.

- Thực hiện đánh giá, tổng hợp và báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện Chương trình hàng năm.

- Bố trí nguồn kinh phí hoạt động của Chương trình từ nguồn chi thường xuyên được phê duyệt hàng năm và các nguồn hợp pháp khác.

6.2. Vụ Kinh tế số - Xã hội số

- Tham mưu, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” trong các chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Phối hợp triển khai thúc đẩy việc sử dụng tên miền “.vn” trong các hoạt động thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

- Sử dụng chỉ số tên miền “.vn” được đăng ký sử dụng tên miền tại địa phương trong tính toán các chỉ số phục vụ thúc đẩy kinh tế số tại địa phương định kỳ hàng quý.

6.3. Cục Thông tin Cơ sở

- Thực hiện truyền thông Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” tới các địa phương trên cả nước thông qua hệ thống thông tin cơ sở.

6.4. Cục Chuyển đổi số quốc gia

Phối hợp hỗ trợ, kết nối hệ thống quản lý đăng ký tên miền quốc gia “.vn” với các CSDL quốc gia, CSDL ngành (ví dụ: CSDL quốc gia về doanh nghiệp, CSDL ngành thuế ...) qua hệ thống NDXP để xác thực thông tin các chủ thể đăng ký tên miền. Phối hợp triển khai thúc đẩy việc sử dụng tên miền vn” trong các hoạt động chuyển đổi số quốc gia.

6.5. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

- Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, trên cơ sở chương trình hành động đã được ký kết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Trung ương Đoàn tại văn bản số 35/CTr-BTTTT-TWĐTN ngày 01 tháng 4 năm 2022, xây dựng, triển khai các hoạt động gắn liền với Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” cho đoàn viên, thanh niên trên cả nước.

- Phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) trong các chương trình đào tạo, tập huấn, truyền thông về Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” trong phạm vi đối tượng do Trung ương Đoàn quản lý.

6.6. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia ".vn” (kế hoạch độc lập hoặc Kế hoạch ứng dụng CNTT, kế hoạch chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp SME) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiện diện online, tin cậy, an toàn với tên miền quốc gia “.vn” với các dịch vụ số (website, email)

- Giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối triển khai chương trình; chỉ đạo các Sở, ban ngành tại địa phương phối hợp đồng bộ triển khai Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”

6.7. Các Sở Thông tin và Truyền thông

- Báo cáo, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” (kế hoạch độc lập hoặc lồng ghép phù hợp với Kế hoạch ứng dụng CNTT, kế hoạch chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp SME ...) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiện diện online, tin cậy, an toàn với tên miền quốc gia “.vn” với các dịch vụ số (website/CV online, email...).

- Phối hợp Trung tâm Internet Việt Nam trong các chương trình đào tạo, tập huấn, truyền thông về Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” tại địa phương

- Thực hiện các báo cáo định kỳ và đột xuất theo hướng dẫn, đề nghị của Trung tâm Internet Việt Nam.

6.8. Các Nhà đăng ký tên miền “.vn”

- Sẵn sàng nền tảng và cung cấp dịch vụ miễn phí gồm tên miền id.vn, biz.vn và dịch vụ số (website, email ...) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên trong phạm vi chương trình.

- Đồng hành cùng VNNIC trong các hoạt động hội nghị, hội thảo, tập huấn tiếp cận địa phương, trường đại học để cung cấp dịch vụ cho cộng đồng.

- Chủ động rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng sử dụng dịch vụ, hoạt động chăm sóc khách hàng.

 

HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH

“THÚC ĐẨY, HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP, HỘ KINH DOANH HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN TIN CẬY, AN TOÀN VỚI CÁC DỊCH VỤ SỐ SỬ DỤNG TÊN MIỀN QUỐC GIA.VN”

(GỌI TẮT LÀ CHƯƠNG TRÌNH HIỆN DIỆN TRỰC TUYẾN VỚI TÊN MIỀN QUỐC GIA “.VN”)

I. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố

1. Chỉ đạo, ban hành văn bản triển khai Chương trình

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND) chỉ đạo, ban hành Quyết định về việc triển khai Chương trình, lồng ghép phù hợp với chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số: xác định mục tiêu, nguồn lực, kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị-xã hội có liên quan trực tiếp tham gia gồm Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các Tổ chức chính trị - xã hội gồm: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân ...

- UBND giao Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) chủ trì, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai chương trình, làm đầu mối chính, phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ... trong địa bàn tỉnh, thành phố.

2. Huy động các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tham gia chương trình

2.1. Sở TTTT:

- Chủ trì, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai chương trình, làm đầu mối chính, phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội ngành, nghề, tổ công nghệ số cộng đồng ... trong địa bàn tỉnh, thành phố tham gia chương trình

- Theo dõi, giám sát, báo cáo kết quả triển khai kịp thời cho UBND tỉnh, thành phố.

- Phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong quá trình triển khai chương trình tại tỉnh, thành phố.

2.2. Các Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phổ biến và triển khai chương trình đến tất cả đối tượng gồm doanh nghiệp mới thành lập, hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh thông qua các hoạt động truyền thông, tổ chức tập huấn, hội thảo...

- Xác nhận/chia sẻ CSDL doanh nghiệp mới thành lập, hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh để xác thực đối tượng được hưởng ưu đãi miễn phí.

- Theo dõi, giám sát, định kỳ báo cáo kết quả triển khai kịp thời cho Sở TTTT.

2.3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phổ biến và triển khai chương trình đến khối sinh viên các trường đại học, cao đẳng; giao các trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề triển khai chương trình thông qua các hoạt động của trường kết nối với sinh viên.

- Theo dõi, giám sát, định kỳ báo cáo kết quả triển khai kịp thời cho Sở TTTT.

2.4. Các Tổ chức chính trị - xã hội (Tỉnh đoàn, hội nông dân), các hiệp hội ngành, nghề, tổ công nghệ số cộng đồng.

- Phổ biến và triển khai chương trình đến các đoàn viên, thanh niên, các thành viên đang sinh hoạt trong hội Nông dân, các hội ngành, nghề trong tỉnh, thành phố

- Đoàn thanh niên: các đoàn viên thanh niên trong độ tuổi từ đủ 18-23 trực tiếp đăng ký, xây dựng website cá nhân sử dụng tên miền id.vn; cùng với tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký, sử dụng, khai thác hiệu quả website sử dụng tên miền quốc gia “.vn”.

- Theo dõi, giám sát, định kỳ báo cáo kết quả triển khai kịp thời cho Sở TTTT.

3. Tổ chức hội thảo, tập huấn

- Triển khai hội thảo, tập huấn cho người dân và doanh nghiệp về lợi ích và cách thức đăng ký sử dụng tên miền quốc gia “.vn”, với sự tham gia của các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội ngành, nghề địa phương. Khung chương trình, tài liệu tập huấn phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) để triển khai đồng bộ.

4. Hoạt động truyền thông

- Qua các kênh truyền thông địa phương (báo chí, truyền hình, truyền thanh) triển khai các hoạt động truyền thông sâu, rộng đến các đối tượng hưởng ưu đãi của chương trình (gồm thông cáo báo chí, phóng sự, mô hình điển hình, nội dung truyền thông trong suốt thời gian triển khai)

- Mỗi Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội tại tỉnh, thành phố cần thực hiện truyền thông về chương trình ưu đãi đến các đối tượng do đơn vị mình quản lý (phạm vi nội bộ và trên các phương tiện truyền thông)

- Hoạt động truyền thông cần tham khảo tư liệu truyền thông của chương trình tại địa chỉ https://hiendienonline.tenmien.vn

5. Theo dõi, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch

- Sở TTTT thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá hiệu quả triển khai chương trình từ mỗi Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội ngành, nghề trong tỉnh, thành phố, từ đó kịp thời đề xuất với UBND điều chỉnh kế hoạch triển khai cho phù hợp, hiệu quả.

- Tổng hợp đánh giá chỉ số DTI, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh, thành phố.

II. Các Sở Thông tin và Truyền thông

1. Lập Kế hoạch triển khai chương trình chi tiết

- Xây dựng kế hoạch chi tiết: Bao gồm mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình, nguồn lực, và các chỉ số đánh giá hiệu quả.

- Xác định rõ ràng các hoạt động, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp tham gia triển khai chương trình.

2. Phối hợp với các đơn vị liên quan

- Tạo lập mạng lưới phối hợp triển khai: Bao gồm các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Tổ Công nghệ số cộng đồng, đoàn thanh niên.

- Ký kết các chương trình phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và hội ngành, nghề để huy động nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình.

3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ tư vấn đăng ký sử dụng.

- Thực hiện các chiến dịch tuyên truyền: Qua các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, sự kiện cộng đồng để nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sử dụng tên miền quốc gia “.vn”. Đưa thông tin chính thức lên website của Tỉnh, các Sở, ban, ngành.

- Tổ chức tập huấn, hội thảo dành cho người dân, doanh nghiệp về cách đăng ký và sử dụng tên miền “biz.vn”, “id.vn” qua môi trường trực tuyến tại địa chỉ https://hiendienonline.tenmien.vn. cũng như về an toàn, bảo mật thông tin trực tuyến.

4. Hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn

- Thiết lập điểm hỗ trợ trực tiếp tại Sở TTTT và các điểm hỗ trợ tại cộng đồng để giúp người dân và doanh nghiệp trong quá trình đăng ký và sử dụng tên miền.

5. Theo dõi, đánh giá và cáo cáo

- Theo dõi tiến độ triển khai các hoạt động trong chương trình, đánh giá hiệu quả và đề xuất điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết.

- Định kỳ báo cáo UBND tỉnh, thành phố kết quả triển khai chương trình theo kế hoạch triển khai tại tỉnh, thành phố; định kỳ báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (đầu mối VNNIC) về tiến độ, kết quả triển khai và những vấn đề phát sinh, đề xuất giải pháp.

6. Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu danh bạ website ở tỉnh.

- Phát triển cơ sở dữ liệu danh bạ website về người dân, doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng tên miền “biz.vn”, “id.vn” để từ đó có thể theo dõi, hỗ trợ và phát triển, sử dụng các dịch vụ số phù hợp, hiệu quả.

7. Thông tin và đầu mối liên hệ:

7.1  Thông tin tư liệu:

- Website chính thức của chương trình: https://hiendienonline.tenmien.vn

- Các tài liệu hỗ trợ truyền thông: https://tenmien.vn/tai-lieu-truyen-thong

- Các khóa đào tạo webinar online: https://academy.vnnic.vn/chuyen-muc/tai-nguyen-internet

7.2 Đầu mối liên hệ: Trung tâm Internet Việt Nam.

Phụ trách toàn bộ chương trình và Khu vực miền Bắc.

Ông Thái Hữu Lý

Trưởng Phòng Phát triển dịch vụ

Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông

Điện thoại: 093.456.8879

Email: huuly@vnnic.vn

Khu vực miền Trung

Ông Hoàng Xuân Hiếu

Trưởng Chi nhánh Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông tại TP. Đà Nẵng

Điện thoại: 090.357.8999

Email: hxhieu@vnnic.vn

Khu vực miền Nam

Ông Đỗ Quang Trung

Trưởng Chi nhánh Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông tại TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 091.846.4189 

Email: quangtrung@vnnic.vn



PHỤ LỤC 1.

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI GIAI ĐOẠN 2024-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số ........../QĐ-BTTTT ngày ...../...../2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

STT

Tên nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Thời gian

I

Thống nhất, đồng bộ chương trình

 

 

1

Bộ TTTT ban hành Quyết định triển khai Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”, gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ TTTT

Tháng 5/2024

2

UBND các tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo (Nghị quyết/Quyết định) triển khai chương trình hoặc bổ sung, lồng ghép trong các chương trình chuyển đổi số, đề án, dự án hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương chuyển đổi số;

UBND các tỉnh, thành phố

Tháng 5/2024

3

UBND các tỉnh, thành phố giao Sở TTTT làm đầu mối triển khai chương trình và phối hợp với các Sở, ban, ngành, hiệp hội ngành nghề, đại học, cao đẳng trong phạm vi tỉnh, thành phố được giao quản lý.

UBND các tỉnh, thành phố

Tháng 5/2024

4

Sở TTTT xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” tại địa bàn của tỉnh, thành phố được giao quản lý.

Các Sở TTTT

Tháng 5/2024

II

Truyền thông nâng cao nhận thức

 

 

1

Vụ Kinh tế số và Xã hội số xây dựng các chương trình, kế hoạch về phát triển Kinh tế số - Xã hội số có lồng ghép, bổ sung Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn”

Vụ KTS & XHS

Tháng 5/2024- 12/2025 (theo kế hoạch)

2

Cục Thông tin cơ sở truyền thông Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” tới các địa phương trên cả nước thông qua hệ thống thông tin cơ sở.

Cục Thông tin cơ sở

Tháng 5/2024- 12/2025 (theo từng giai đoạn)

3

VNNIC xây dựng, sản xuất tư liệu truyền thông; thực hiện truyền thông Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” rộng rãi trên các kênh truyền thông (website, mạng xã hội, sân bay, xe bus, pano cao tốc...)

VNNIC

Tháng 5/2024- 12/2025 (theo từng giai đoạn)

4

Báo Vietnamnet triển khai chiến dịch truyền thông cho Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” trên toàn quốc qua kênh báo điện tử Vietnamnet.vn

Báo Vietnamnet

Tháng 5/2024- 12/2025 (theo từng giai đoạn)

5

Cục Chuyển đổi số quốc gia phối hợp hỗ trợ, kết nối hệ thống quản lý đăng ký tên miền quốc gia “.vn” với các CSDL quốc gia, CSDL ngành.

Cục CĐS quốc gia

Tháng 5/2024

6

UBND, Sở TTTT các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động truyền thông cho Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” trên các kênh truyền thông chủ động tại tỉnh, thành phố: qua hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng

Sở TTTT

Tháng 5/2024- 12/2025 (theo từng giai đoạn)

7

Sở TTTT tổ chức các hội thảo, hội nghị, và workshop nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân cách thức đăng ký, sử dụng tên miền “biz.vn”, “id.vn” và các dịch vụ số (website, email) để hiện hiện trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường Internet

Sở TTTT

Tháng 5/2024- 12/2025 (theo kế hoạch)

8

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động truyền thông cho Chương trình Hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” trên các kênh truyền thông chủ động của đơn vị để thông tin lan tỏa đến các đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh.

Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Tháng 5/2024- 12/2025 (theo từng giai đoạn)

III

Tổ chức cung cấp dịch vụ thuận tiện cho cộng đồng

 

 

1

VNNIC xây dựng Cổng Thông tin trực tuyến để giới thiệu chương trình, cung cấp tư liệu truyền thông về chương trình

VNNIC

Tháng 4-5/2024

2

Nhà đăng ký tên miền “.vn” hoàn thiện website cung cấp miễn phí tên miền “biz.vn”, “id.vn” và dịch vụ trực tuyến toàn trình cho các đối tượng ưu tiên gồm doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 01 năm, hộ kinh doanh, giới trẻ 18-23 tuổi

Nhà đăng ký tên miền “.vn”

Tháng 4-5/2024

3

Xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ miễn phí (website, email, CV, blog) cho các đối tượng ưu tiên trong đăng ký sử dụng tên miền “biz.vn” “id.vn”

Nhà đăng ký tên miền “.vn”

Tháng 4-5/2024

4

Chăm sóc, hỗ trợ cộng đồng trong quá trình trải nghiệm, đăng ký sử dụng dịch vụ từ chương trình.

Nhà đăng ký tên miền “.vn”

Tháng 5/2024- 12/2025 (thường xuyên)

IV

Tổ chức giám sát, báo cáo, đánh giá hiệu quả chương trình

 

 

1

VNNIC tổ chức triển khai, giám sát thực hiện chương trình trên toàn quốc; tổng hợp định kỳ mỗi quý báo cáo kết quả trước Bộ TTTT.

VNNIC

Tháng 7/2024- 12/2025 (định kỳ mỗi quý)

2

Sở TTTT tổ chức triển khai, giám sát thực hiện chương trình tại tỉnh, thành phố; tổng hợp định kỳ mỗi quý báo cáo kết quả trước trước UBND tỉnh, thành phố.

Sở TTTT

Tháng 7/2024- 12/2025
 (định kỳ mỗi quý)

 



[1] Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020

[2] Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022

[3] https://www.wibo.int/global_innovation_index/en. Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia..

[4] Từ đủ 18 tuổi đến 23 tuổi.

[5] Hiện tại, với số lượng tên miền “.vn” đạt 610.000 tên miền, dân số khoảng 100.000 người, Việt Nam đạt tỷ lệ 6.1 tên miền/1000 dân

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.