Open navigation

Công văn 54/BHXH-CSXH ngày 09/01/2009 Hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản

BẢO HIỂM XÃ HỘI
 VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/BHXH-CSXH

V/v Hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản. 

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2009

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng
- Bảo hiểm xã hội Bộ Công an
 - Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ 

Trong quá trình thực hiện nội dung hướng dẫn tại điểm đ khoản 1.7 mục 1 công văn số 3606/BHXH-CSXH ngày 22/10/2008 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về mức hưởng chế độ thai sản trong một số trường hợp khi sinh con, nhận nuôi con nuôi, còn có ý kiến khác nhau. Để thống nhất thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn cụ thể thêm như sau:

1. Trường hợp sinh con được nghỉ việc hưởng trợ cấp 4 tháng hoặc 5 tháng hoặc 6 tháng thì trợ cấp thai sản được hưởng tính tháng kể từ ngày sinh con.

Ví dụ 1: Bà A sinh con ngày 08/7/2008, được nghỉ hưởng chế độ thai sản 4 tháng: Mức trợ cấp được hưởng bằng 4 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ tính trợ cấp thai sản kể từ ngày 08/7/2008 đến hết ngày 07/11/2008.

2. Trường hợp nhận nuôi con nuôi: Tính hưởng trợ cấp kể từ khi nhận con nuôi đến khi con đủ 4 tháng tuổi, những ngày lẻ không đủ tháng do chênh lệch giữa ngày sinh của con và ngày người lao động bắt đầu nghỉ việc nuôi con thì thực hiện như quy định tại điểm a khoản 5 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH. Thời gian tròn tháng còn lại được hưởng trợ cấp theo tháng bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ tính trợ cấp thai sản. 

Ví dụ 2: Ông B nhận nuôi con ngày 18/10/2008, cháu bé sinh ngày 24/8/2008 (đến trước ngày nhận nuôi, con được 1 tháng 24 ngày tuổi), ông B được hưởng chế độ thai sản đến hết ngày 23/12/2008 là 6 ngày và 2 tháng. Mức trợ cấp của ông B được thực hiện như sau:

- Từ ngày 18/10/2008 đến 23/10/2008: Mức trợ cấp được hưởng là 6 ngày và thực hiện như quy định tại điểm a khoản 5 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH;

- Từ ngày 24/10/2008 đến 23/12/2008: Mức trợ cấp được hưởng là 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng tính trợ cấp thai sản.

3. Trường hợp khi sinh con mà thời gian hưởng trợ cấp quy định theo ngày (khi sinh mà con chết, thời gian hưởng trợ cấp tăng thêm đối với trường hợp sinh đôi trở lên) thì thực hiện như quy định tại điểm a khoản 5 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH.

4. Trường hợp khi sinh con mà thời gian hưởng trợ cấp có những ngày lẻ (do con chết sau khi sinh, do mẹ chết sau khi sinh trong trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia BHXH hoặc chỉ có cha tham gia BHXH, do sau khi sinh người mẹ cho con) thì: Trợ cấp thai sản của những ngày lẻ thực hiện như quy định tại điểm a khoản 5 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH; thời gian tròn tháng được hưởng trợ cấp theo tháng bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ tính trợ cấp thai sản.

Ví dụ 3: Bà C sinh con ngày 11/7/2008, được nghỉ hưởng chế độ thai sản 4 tháng kể từ ngày 11/7/2008. Ngày 20/10/2008, con bà C bị chết (đến ngày con chết, bà đã hưởng trợ cấp thai sản là 3 tháng 9 ngày), theo quy định bà C còn được hưởng trợ cấp là 22 ngày.

Mức hưởng trợ cấp thai sản của bà C được tính gồm: 3 tháng tính theo tháng bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ tính trợ cấp thai sản và 31 ngày (9 ngày lẻ trước khi con chết và 22 ngày nghỉ sau khi con chết) được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 5 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH.

5. Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà trong thời gian hưởng trợ cấp thai sản có điều chỉnh lương tối thiểu chung thì thời gian hưởng thuộc quy định mức lương tối thiểu chung nào sẽ tính theo mức lương tối thiểu chung ấy.

Ví dụ 4: Bà D thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, sinh con ngày 12/02/2009, được nghỉ hưởng chế độ thai sản 5 tháng từ 12/02/2009 đến hết 11/7/2009. Giả định mức lương tối thiểu chung từ 01/5/2009 là 600.000 đồng. Mức trợ cấp được hưởng như sau:

- Từ 12/02/2009 đến 30/4/2009: Mức trợ cấp được hưởng là 02 tháng 19 ngày được tính theo mức lương tối thiểu chung là 540.000 đồng. Trong đó 2 tháng hưởng theo tháng bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ tính trợ cấp thai sản, 19 ngày (từ 12/4 đến 30/4) thực hiện theo quy định điểm a khoản 5 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH.

- Từ 01/5/2009 đến 11/7/2009: Mức trợ cấp được hưởng là 11 ngày và 2 tháng, được tính theo mức lương tối thiểu chung là 600.000 đồng. Trong đó 11 ngày (từ 01/5/ đến 11/5) thực hiện theo quy định điểm a khoản 5 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH, 2 tháng còn lại (từ 12/5 đến 11/7) hưởng theo tháng bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ tính trợ cấp thai sản.

Đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ căn cứ hướng dẫn tại văn bản này để thống nhất thực hiện kể từ ngày 01/01/2009. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TGĐ, các Phó TGĐ;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH VN;
 - Lưu :VT, CSXH.

TL. TỔNG GIÁM ĐỐC
TRƯỞNG BAN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BHXH



 Nguyễn Anh Minh

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.