Open navigation

Quyết định 2264/QĐ-BTP Ban hành Quy chế hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển


BỘ TƯ PHÁP

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 2264 / QĐ - BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2015


QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁP ĐIỂN

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 22 / 2013 / NĐ - CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 64 / 2007 / NĐ - CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 43 / 2011 / NĐ - CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 26 / 2009 / TT - BTTTT ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện đối với các trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 4146 / QĐ - BTP ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế hoạt động của Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.



Nơi nhận:

  • Như Điều 3;

  • Bộ trưởng (để b/c);

  • Các Thứ trưởng (để biết);

  • Cổng thông tin điện tử pháp điển;

  • Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;

  • Lưu: VT, Cục KTrVB.

    KT. BỘ TRƯỞNG 

    THỨ TRƯỞNG


    Đinh Trung Tụng

    QUY CHẾ

    HOẠT ĐỘNG CỦA CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁP ĐIỂN

    (Ban hành kèm theo Quyết định số: 2264 / QĐ - BTP ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

    Chương I

    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

    Điều 1. Cổng thông tin điện tử pháp điển

    Cổng thông tin điện tử pháp điển là điểm truy cập duy nhất về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên môi trường mạng (địa chỉ truy cập trên Internet: phapdien.moj.gov.vn), liên kết, tích hợp Bộ pháp điển điện tử và các thông tin khác nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thông tin, giới thiệu về Bộ pháp điển, công tác xây dựng Bộ pháp điển.

    Cổng thông tin điện tử pháp điển phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, cung cấp thông tin trên các trang / cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

    Cổng thông tin điện tử pháp điển là Cổng thông tin điện tử thành phần của Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

    Điều 2. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

    1. Quy chế này quy định việc quản lý và duy trì hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển và Bộ pháp điển điện tử.

    2. Quy chế này áp dụng đối với tất cả các cá nhân, đơn vị, tổ chức tham gia quản lý, duy trì hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển, tham gia cung cấp thông tin, xử lý sai sót và duy trì Bộ pháp điển điện tử trên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Chương II

QUẢN LÝ CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁP ĐIỂN

Điều 3. Quản lý Cổng thông tin điện tử pháp điển

  1. Cục Công nghệ thông tin thống nhất quản lý cơ sở hạ tầng, bảo đảm về kỹ thuật để vận hành và duy trì hoạt động thường xuyên của Cổng thông tin điện tử pháp điển.

  2. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thống nhất việc quản lý, biên tập, cập nhật, cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và cập nhật, quản lý Bộ pháp điển điện tử.

  3. Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử pháp điển (sau đây gọi tắt là Ban Biên tập) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập để thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng tổ chức thu thập, biên tập, cập nhật và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

  4. Thường trực Ban Biên tập giúp Ban Biên tập tổ chức thu thập, biên tập, cập nhật và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 4. Bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử pháp điển

  1. Cục Công nghệ thông tin chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo sự hoạt động an toàn của Cổng thông tin điện tử pháp điển, định kỳ thực hiện việc sao lưu dữ

    liệu (tối thiểu 02 lần / tuần) để bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục lại hoạt động của hệ thống khi có xảy ra sự cố; xây dựng giải pháp hiệu quả chống lại các tấn công gây mất an toàn thông tin của Cổng thông tin điện tử pháp điển và Bộ pháp điển điện tử; xây dựng phương án dự phòng khắc phục sự cố bảo đảm hệ thống Cổng thông tin điện tử pháp điển và Bộ pháp điển điện tử hoạt động liên tục, an toàn ở mức tối đa.

  2. Các cá nhân, đơn vị được cấp tên tài khoản, mật khẩu truy cập Cổng thông tin điện tử pháp điển, Bộ pháp điển điện tử có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tên tài khoản, mật khẩu đó theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định của Bộ Tư pháp.

Điều 5. Bảo trì, bảo dưỡng, duy trì hoạt động, nâng cấp, chỉnh sửa Cổng thông tin điện tử pháp điển

  1. Cổng thông tin điện tử pháp điển phải được thường xuyên kiểm tra, nâng cấp, phát triển, giám sát hoạt động để bảo đảm hoạt động liên tục 24 giờ trong tất cả các ngày.

  2. Hằng năm, Cục Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật rà soát và đề xuất phương án nâng cấp, chỉnh sửa Cổng thông tin điện tử pháp điển cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Điều 6. Quản lý, duy trì các hoạt động trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và cập nhật, duy trì Bộ pháp điển điện tử

  1. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ về các vấn đề liên quan đến Cổng thông tin điện tử pháp điển, cụ thể:

    1. Chủ trì xây dựng và quản lý các hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển theo quy định pháp luật hiện hành;

    2. Có phương án hoạt động rõ ràng;

    3. Chịu trách nhiệm quản lý, cập nhật, duy trì Bộ pháp điển điện tử;

    4. Bố trí đủ nhân sự bảo đảm quản lý và duy trì hoạt động thường xuyên của Cổng thông tin điện tử pháp điển.

  2. Ban Biên tập chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ về các vấn đề liên quan đến tổ chức thu thập, biên tập và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử pháp điển; chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung của Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Chương III

CẬP NHẬT THÔNG TIN TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÁP ĐIỂN

Điều 7. Nguyên tắc thông tin

  1. Yêu cầu đối với thông tin:

    1. Bảo đảm đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Tư pháp;

    2. Trung thực, chính xác, khách quan, kịp thời, phục vụ tích cực cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác thông tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác pháp điển;

    3. Phù hợp với mục đích, yêu cầu của Cổng thông tin điện tử pháp điển theo quy định của Quy chế này và Quy chế hoạt động của Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, tuân thủ các quy

      định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, báo chí, sở hữu trí tuệ và quản lý thông tin trên Internet;

    4. Việc đăng tải, trích dẫn, sử dụng lại thông tin trên Cổng thông tin điện tử pháp điển phải ghi rõ thông tin về tác giả, nguồn của thông tin theo quy định.

  2. Các tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin có trách nhiệm bảo đảm tính chính xác, trung thực của thông tin do mình cung cấp để đưa lên Cổng thông tin điện tử pháp điển, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định hiện hành về quyền tác giả. Đối với thông tin được trích dẫn, sưu tầm từ các nguồn khác thì phải ghi rõ tên tác giả, nguồn cung cấp và ngày mà thông tin trích dẫn đã được đăng tải.

Điều 8. Phạm vi và nội dung thông tin

  1. Thông tin chủ yếu:

    1. Bộ pháp điển điện tử: Đăng tải nội dung Bộ pháp điển điện tử;

    2. Thông tin giới thiệu về công tác xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương trong việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, kinh nghiệm thực hiện pháp điển của một số nước trên thế giới;

    3. Tin tức, sự kiện: các tin, bài về hoạt động, tình hình triển khai thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tại các Bộ, ngành;

    4. Hệ thống văn bản về công tác pháp điển hệ thống QPPL;

      đ) Nghiên cứu - Trao đổi: Đăng tải các bài viết mang tính chất nghiên cứu lý luận, có liên hệ thực tế và đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần hoàn thiện thể chế và các phương thức triển khai thực hiện pháp điển, xây dựng Bộ pháp điển nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Bộ pháp điển;

    5. Hướng dẫn nghiệp vụ: Đăng tải những nội dung về hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ thuật thực hiện pháp điển;

    1. Các dự thảo lấy ý kiến trong công tác pháp điển; đăng tải các dự thảo về công tác pháp

      điển;


    2. Hỏi và giải đáp vướng mắc: Đăng tải các câu hỏi, thắc mắc của cá nhân, tổ chức, cơ

      quan nhà nước về triển khai thực hiện và về nghiệp vụ, kỹ thuật thực hiện pháp điển; thực hiện giải đáp.

    3. Liên kết Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật;

    k) Thông tin khác trong lĩnh vực pháp điển hệ thống QPPL: Thông tin về cộng tác viên trong công tác pháp điển; Thông tin về tình hình thực hiện pháp điển đối với từng đề mục trong các chủ đề của Bộ pháp điển; Thông tin về đơn vị, cá nhân đầu mối thực hiện pháp điển tại các Bộ, ngành.

  2. Thông tin tiếng nước ngoài

Thông tin quy định tại các điểm b, c Khoản 1 Điều này và tuỳ theo khả năng, điều kiện cho phép, các thông tin khác có thể được chọn lọc để cung cấp trên phiên bản tiếng Anh của Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 9. Cung cấp thông tin

  1. Cách thức cung cấp thông tin:

    1. Thông tin gửi để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển được thực hiện bằng hình thức thư điện tử hoặc các phương tiện phù hợp khác (đĩa CD, fax, văn bản giấy...) về địa chỉ Ban biên tập Cổng thông tin điện tử pháp điển (Email: banbientapphapdien@moj.gov.vn; Địa chỉ: Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 04.62739660; Số fax: 04.62739655);

    2. Các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phải có đầy đủ thông tin về đơn vị, cơ quan, tổ chức, họ tên người gửi, chức danh (nếu có), địa chỉ thư điện tử, số điện thoại hoặc địa chỉ liên lạc.

  2. Định dạng thông tin:

    1. Thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử được định dạng theo các chuẩn thông dụng quy định tại Thông tư số 22 / 2013 / TT - BTTTT ngày 23/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, cụ thể:

      • Văn bản: *.doc, *.txt, *.rtf, *.pdf, *.odt;

      • Bảng tính: *.csv, *.xls, *.ods;

      • Trình diễn: *.htm, *.pdf, *.ppt, *.odp;

      • Ảnh đồ hoạ: *.jpg, *.gif, *.tiff, *.png;

      • Phim ảnh, âm thanh: *.mpg *.mp3, *.aac, *.asf, *.wma, *.wmv, *.ra, *.ram, *.rm,

        *.rmm, *.avi, *.mov, *.qt;

      • Nén dữ liệu: *.zip.

    2. Các thông tin dạng văn bản, bảng tính, trình diễn sử dụng phông chữ Unicode theo chuẩn TCVN 6909:2001.

  3. Thời gian cung cấp thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển:

  1. Đối với tin tức, sự kiện: không quá 24 giờ đối với tin trong nước, không quá 36 giờ đối với tin nước ngoài kể từ khi diễn ra hoạt động, sự kiện;

  2. Đối với văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý nhà nước do Bộ Tư pháp ban hành: không quá 02 ngày làm việc kể từ khi ban hành;

  3. Đối với thông tin về công trình nghiên cứu, đề tài khoa học: không quá 20 ngày làm việc kể từ khi công trình, đề tài được phê duyệt và sau khi công trình, đề tài được nghiệm thu;

  4. Đối với thông tin, báo cáo, thống kê: không quá 10 ngày làm việc kể từ khi thông tin thống kê được người, cấp có thẩm quyền quyết định công bố;

đ) Trường hợp Ban Biên tập nhận được thông tin quá thời hạn theo quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản này thì Ban Biên tập có quyền xem xét, quyết định việc không đăng tải thông tin đó trên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 10. Tiếp nhận và xử lý thông tin

  1. Thông tin gửi để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển sẽ được chuyển đến các thành viên Ban Biên tập để biên tập, phê duyệt trước khi được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử pháp điển theo quy định.

  2. Thông tin phản hồi gửi đến Bộ Tư pháp qua Cổng thông tin điện tử pháp điển được gửi đến các cơ quan, đơn vị có liên quan hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ trong trường hợp cần thiết.

    Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông tin phản hồi, Ban Biên tập gửi thông báo đã tiếp nhận thông tin phản hồi đến bạn đọc.

  3. Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm tiếp nhận thông tin phản hồi, tổ chức thu thập thông tin và cung cấp kết quả hoặc thông báo quá trình xử lý thông tin cho Ban Biên tập trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin.

  4. Câu hỏi gửi đến Mục Hỏi và giải đáp vướng mắc của Cổng thông tin điện tử pháp điển, Ban Biên tập tập hợp và định kỳ chuyển cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc xin ý kiến chỉ đạo, phân công của Lãnh đạo Bộ trong trường hợp cần thiết. Tuỳ theo số lượng và tính chất câu hỏi, Ban Biên tập sẽ xác định cụ thể thời hạn trả lời khi gửi câu hỏi.

  5. Việc trao đổi thông tin giữa Ban Biên tập với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được thực hiện bằng hình thức thư điện tử. Trong trường hợp cần thiết (trường hợp thông tin phản hồi / hỏi - giải đáp vướng mắc là vấn đề phức tạp hoặc liên quan đến lĩnh vực phụ trách của từ 02 đơn vị trở lên), việc lấy ý kiến của các đơn vị có thể được thực hiện theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.

    Trường hợp trả lời theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, đơn vị chủ trì có trách nhiệm gửi thông tin trả lời bằng thư điện tử về Ban Biên tập.

  6. Ban Biên tập có trách nhiệm trả lời bạn đọc bằng cách gửi thư điện tử hoặc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (Mục Hỏi và giải đáp vướng mắc).

  7. Các loại thông tin sau đây sẽ bị từ chối đăng tải:

  1. Thông tin có nội dung không phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

  2. Thông tin có nội dung thuộc bí mật nhà nước; thông tin đã được cấp có thẩm quyền quyết định chưa phổ biến công khai hoặc chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp;

  3. Thông tin không đúng sự thật;

  4. Thông tin không bảo đảm chất lượng;

đ) Các thông tin khác theo quy định của pháp luật không được đăng lên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 11. Biên tập, phê duyệt thông tin

  1. Thông tin trước khi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển phải được đánh giá chất lượng, trong trường hợp cần thiết phải được xác thực, bổ sung hoặc làm rõ nội dung bởi đơn vị, cá nhân cung cấp hoặc đơn vị quản lý lĩnh vực chuyên môn.

    Ban Biên tập chịu trách nhiệm biên tập thông tin và phê duyệt thông tin trước khi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển. Các trường hợp cần phê duyệt thông tin trước khi đăng tải do Ban Biên tập xác định để thống nhất thực hiện.

  2. Các văn bản về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực pháp điển sẽ được đăng nguyên văn.

Điều 12. Cập nhật và lưu giữ thông tin

  1. Việc cập nhật thông tin mới được thực hiện thường xuyên hàng ngày, khuyến khích cập nhật thông tin đều đặn trong các ngày nghỉ; cập nhật kịp thời các thông tin đã đăng tải nhưng có thay đổi hoặc phát sinh theo chỉ đạo của Ban Biên tập.

  2. Thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 13. Rà soát thông tin

Việc rà soát thông tin đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển được thực hiện khi thông tin có sự thay đổi hoặc theo yêu cầu của Ban Biên tập. Trong trường hợp cần thiết, Ban Biên tập có quyền yêu cầu các đơn vị khác thuộc Bộ và các bộ, ngành liên quan phối hợp rà soát thông tin trên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 14. Chế độ nhuận bút, thù lao

Chế độ nhuận bút đối với tác giả, chủ sở hữu thông tin được đăng trên Cổng thông tin điện tử pháp điển; chế độ thù lao đối với người thực hiện các công việc liên quan đến thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển được áp dụng, vận dụng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm, thông tin được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

Chương IV

CẬP NHẬT, DUY TRÌ BỘ PHÁP ĐIỂN ĐIỆN TỬ

Điều 15. Cập nhật, duy trì Bộ pháp điển điện tử

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện cập nhật, duy trì Bộ pháp điển điện tử theo quy định của pháp luật về pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 16. Bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, an ninh, an toàn trong việc duy trì Bộ pháp điển điện tử

Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, an ninh, an toàn trong việc duy trì Bộ pháp điển điện tử.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ

Điều 17. Trách nhiệm của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thực hiện các quy định tại Khoản 2 Điều 3, Khoản 2 Điều 5, Khoản 1 Điều 6 Quy chế này và có trách nhiệm:

  1. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch trang bị, nâng cấp Cổng thông tin điện tử pháp điển để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển.

  2. Hằng năm, lập dự toán và bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định để cập nhật tin bài, Bộ pháp điển điện tử lên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 18. Trách nhiệm của Cục Công nghệ thông tin

Cục Công nghệ thông tin thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều 3, Khoản 1 Điều 4 và Điều 5 Quy chế này và có trách nhiệm:

  1. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch trang bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng và kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển, Bộ pháp điển điện tử và đồng thời từng bước đồng bộ với kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và phát triển Chính phủ điện tử.

  2. Hằng năm, lập dự toán và bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định để duy trì hoạt động và phát triển Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 19. Trách nhiệm của đơn vị thuộc Bộ

  1. Trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin:

    1. Tổ chức thu thập thông tin và gửi thông tin trả lời phản hồi của bạn đọc hoặc thông tin về quá trình xử lý thông tin phản hồi trong thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 10 Quy chế này hoặc theo yêu cầu của Ban Biên tập;

    2. Phối hợp trả lời câu hỏi, yêu cầu giải đáp pháp luật của bạn đọc gửi đến Mục Hỏi và giải đáp vướng mắc trong phạm vi lĩnh vực quản lý của đơn vị theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Quy chế này;

    3. Chủ động hoặc theo yêu cầu của Ban Biên tập rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các thông tin khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

  2. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về những nội dung thông tin, dữ liệu do đầu mối của đơn vị cung cấp cho Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 20. Trách nhiệm của đầu mối cung cấp thông tin

  1. Chủ động thu thập, cung cấp thông tin thuộc trách nhiệm của đơn vị, trong trường hợp cần thiết chủ động báo cáo Thủ trưởng đơn vị về việc cung cấp thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển theo quy định của Quy chế này.

  2. Tổng hợp, kịp thời báo cáo Thủ trưởng đơn vị các phản hồi của bạn đọc; phối hợp với phòng, ban của đơn vị được giao thực hiện trả lời phản hồi, hỏi đáp pháp luật của bạn đọc; phối hợp với Ban Biên tập trong việc trả lời ý kiến phản hồi, hỏi đáp của bạn đọc.

  3. Phối hợp với Ban Biên tập trong việc kiểm tra, xác thực thông tin liên quan đến tin, bài trong phạm vi lĩnh vực quản lý của đơn vị.

  4. Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị về việc cung cấp thông tin của đơn vị cho Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Điều 21. Trách nhiệm của Vụ Kế hoạch - Tài chính và Văn phòng Bộ Tư pháp

Trong chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất theo đề xuất của Cục Công nghệ thông tin và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để Cổng thông tin điện tử pháp điển được bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp thường xuyên và duy trì hoạt động được thông suốt, an toàn.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Khen thưởng và xử lý vi phạm

  1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin và duy trì hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển và Bộ pháp điển điện tử sẽ được xem xét khen thưởng hằng năm theo quy định.

  2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về thông tin trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và Bộ pháp điển điện tử, cản trở việc cung cấp thông tin theo quy định, hoặc làm ảnh hưởng tới sự hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển và Bộ pháp điển điện tử, thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Tổ chức thực hiện

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ trì, phối hợp với Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện Quy chế này và hằng năm tổng kết, đánh giá, báo cáo Bộ trưởng./.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.