Open navigation

Quyết định 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 Phê duyệt Chương trình Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1268/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH “ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII;

Căn cứ Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”;

Theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030” (sau đây gọi là Chương trình) với những nội dung sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc trong công nhân lao động; tuyên truyền, vận động để công nhân lao động tại doanh nghiệp hình thành thói quen tự học, tích cực học tập suốt đời; hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động tại các doanh nghiệp học tập nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, tiếp cận hệ thống giáo dục mở, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về chính trị, pháp luật: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 90% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công nhân lao động gắn với những nội dung lý luận về chức năng, nhiệm vụ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

b) Về kỹ năng nghề nghiệp: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề.

c) Về kỹ năng sống: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập các nội dung giáo dục kỹ năng sống.

d) Về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 40%, đến năm 2030 đạt 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được phổ biến về công nghệ thông tin, công nghệ số.

đ) Về mô hình học tập: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 30%, đến năm 2030 đạt 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Công dân học tập” do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập

a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và công nhân lao động về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác.

b) Tổ chức biên soạn tài liệu về học tập suốt đời cho công nhân lao động; tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, vận động công nhân lao động, người sử dụng lao động tham gia các hoạt động học tập suốt đời cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở.

c) Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm; tuyên truyền, phổ biến, vận động công nhân lao động phấn đấu đạt danh hiệu “Công dân học tập”, có kỹ năng số để có thể tự tìm kiếm, sử dụng, chia sẻ thông tin trên môi trường số, internet.

d) Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương công nhân lao động và con công nhân lao động hiếu học; nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong tổ chức hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình học tập suốt đời trong công nhân lao động.

2. Triển khai các biện pháp hỗ trợ công nhân lao động được học tập thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời

a) Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ công nhân lao động được học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

b) Tham gia góp ý xây dựng các chương trình đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mới cho công nhân, người lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

c) Vận động các doanh nghiệp ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho việc khuyến khích học tập, nâng cao tay nghề; tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ công nhân lao động được tham gia học tập suốt đời.

d) Nghiên cứu, xây dựng để ban hành hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ của tổ chức Công đoàn cho hoạt động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng của công nhân lao động.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động

a) Cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học: Đa dạng hóa các hình thức học tập, phương thức học tập; đẩy mạnh đào tạo từ xa theo quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo để giúp công nhân lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật; xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Nghiên cứu thị trường lao động, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để đa dạng, linh hoạt trong đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề cho công nhân lao động; gắn kết đào tạo nghề theo địa chỉ, đa dạng các hình thức đào tạo, khuyến khích phương thức tự học để giúp công nhân lao động học tập, nâng cao trình độ tay nghề.

c) Các thiết chế văn hoá, thể thao: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đổi mới, sáng tạo các mô hình hoạt động và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ học tập suốt đời, hỗ trợ công nhân lao động đến tham gia sinh hoạt và học tập.

4. Tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động, các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy học tập suốt đời trong công nhân lao động

a) Đẩy mạnh các cuộc vận động học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, ý thức pháp luật, kỹ năng sống trong công nhân lao động; xây dựng, duy trì thói quen đọc sách và tự học, ý thức học tập suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân với thông điệp “Học tập suốt đời - cơ hội có việc làm bền vững”.

b) Phát động thi đua học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp gắn với thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo trong công nhân lao động; tiếp tục triển khai phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, các cuộc thi thợ giỏi, “Bàn tay vàng”.

c) Hỗ trợ công nhân lao động có điều kiện thuận lợi tham gia học tập như: Bổ sung sách, báo, tờ gấp, poster, các ấn phẩm truyền thông trên các nền tảng và môi trường công nghệ mới.

d) Làm tốt công tác khuyến khích, thương lượng với người sử dụng lao động để đưa nội dung nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân lao động vào thỏa ước lao động tập thể, các quy chế, quy định của doanh nghiệp, đơn vị.

đ) Tiếp tục huy động sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm thúc đẩy công nhân lao động học tập, lao động sáng tạo.

5. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời cho công nhân lao động

a) Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong việc tổ chức cho công nhân lao động học tập kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, những nội dung lý luận cơ bản về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam…

b) Thực hiện tốt công tác phối hợp với người sử dụng lao động trong việc tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

c) Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức Công đoàn các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, các hoạt động liên quan đến Chương trình.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Chương trình gồm: Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ theo khả năng cân đối và phân cấp ngân sách quy định tại Luật Ngân sách nhà nước; kinh phí từ tài chính công đoàn trên cơ sở cân đối các nguồn thu - chi của công đoàn các cấp (không bao gồm ngân sách nhà nước) và các nguồn huy động hợp pháp khác, trong đó:

a) Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các nội dung chi: i) Chi tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu, tập huấn triển khai các nội dung của Chương trình; ii) Chi điều tra, khảo sát về tình hình, nhu cầu học tập của công nhân lao động để có các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả; iii) Chi công tác tuyên truyền: tổ chức các hoạt động tuyên truyền (sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình trên phương tiện thông tin đại chúng, phát hành các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông, các tài liệu phục vụ cho hoạt động tuyên truyền) về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp; iv) Chi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp; v) Chi thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.

b) Nguồn tài chính công đoàn thực hiện các nội dung chi: i) Chi tổ chức thực hiện đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động tạo điều kiện cho công nhân lao động học tập; ii) Chi tuyên truyền, biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ công đoàn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống cho công nhân lao động; iii) Phát động, tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình.

c) Nguồn kinh phí khác thực hiện các nội dung chi: i) Chi cho công tác đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động khi mới vào doanh nghiệp, đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác thuộc doanh nghiệp; ii) Khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện nâng cao tay nghề cho công nhân lao động.

2. Căn cứ các nhiệm vụ được giao, hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời lập dự toán gửi cơ quan tài chính cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện Chương trình.

3. Việc lập, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình.

b) Chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện Chương trình, gắn với triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của ngành, địa phương, đơn vị.

c) Định kỳ hằng năm tổ chức kiểm tra, đôn đốc; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tăng cường các chương trình, xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở hỗ trợ công nhân lao động vừa làm, vừa học.

b) Rà soát các quy định theo thẩm quyền, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định về học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt đối với công nhân lao động tham gia học tập.

c) Chủ trì, hướng dẫn, tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời hàng năm; phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam triển khai, thực hiện tiêu chí danh hiệu “Công dân học tập”.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ công nhân lao động học nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

b) Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ban, ngành nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động học nghề dưới nhiều hình thức khác nhau.

c) Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thợ hằng năm tại doanh nghiệp.

d) Chủ trì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho công nhân lao động của người sử dụng lao động, trong đó có nội dung người sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm tạo điều kiện hỗ trợ công nhân lao động được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chương trình.

b) Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông về chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ trì xây dựng các mô hình hoạt động, chia sẻ, hợp tác nguồn thông tin, dữ liệu và các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ học tập trên nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, nguồn nhân lực tại các thiết chế văn hóa, thể thao, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của công nhân lao động.

b) Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa, thể thao cho cán bộ công đoàn; phổ biến, hướng dẫn xây dựng văn hóa ứng xử trong công nhân lao động.

6. Bộ Tài chính

a) Bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ban, ngành liên quan hướng dẫn đối với các hoạt động của Chương trình; phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình.

7. Hội Khuyến học Việt Nam

a) Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện tiêu chí “Công dân học tập” trong công nhân lao động tại doanh nghiệp.

b) Phối hợp tuyên truyền, vận động để công nhân lao động phấn đấu đạt danh hiệu “Công dân học tập”.

8. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

a) Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ban, ngành liên quan tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động thực hiện xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí, thời gian, cơ sở vật chất cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo lại nghề cho công nhân lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

b) Chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vận động người sử dụng lao động ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ công nhân lao động học tập.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hằng năm và từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với tổ chức Công đoàn Việt Nam triển khai, thực hiện Chương trình.

b) Bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động của Chương trình tại địa phương.

c) Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tổ chức các lớp học nâng cao trình độ văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho công nhân lao động. Tăng cường gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động.

d) Phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, KTTH, TH, TKBT, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX (2b).Sơn

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




 Vũ Đức Đam

 

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.