Open navigation

Quyết định 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/01/2023 Quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn người lao động bị giảm thời gian làm việc chấm dứt hợp đồng

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6696/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2023

 QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN, NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ GIẢM THỜI GIAN LÀM VIỆC, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG DO DOANH NGHIỆP BỊ CẮT, GIẢM ĐƠN HÀNG

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015;

Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

Căn cứ Nghị định 191/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính Công đoàn;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng;

Xét đề nghị của Ban Quan hệ Lao động, Ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng,

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

2. Các ban, Văn phòng Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ LĐTB&XH;
- BHXH Việt Nam;
- Các đ/c Ủy viên ĐCT TLĐ;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP;
 - Các CĐ ngành trung ương và tương đương,

CĐ TCT trực thuộc TLĐ;
- Báo Lao động; Cổng TTĐT TLĐ;
 - Lưu: VT, QHLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

 

Phan Văn Anh



QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN, NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ GIẢM THỜI GIAN LÀM VIỆC, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG DO DOANH NGHIỆP BỊ CẮT, GIẢM ĐƠN HÀNG

(Kèm theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16 tháng 01 năm 2023)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn (đoàn viên), người lao động bị giảm thời gian làm việc, bị ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động, phải nghỉ việc không hưởng lương, bị chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

- Đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30 tháng 9 năm 2022.

- Các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30 tháng 9 năm 2022 bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023.

- Công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Văn phòng, Văn phòng Ủy ban kiểm tra, các ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Với mỗi trường hợp, người lao động được chi trả hỗ trợ một lần bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

2. Trường hợp đoàn viên, người lao động đủ điều kiện hưng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau theo Quy định này thì chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.

3. Trường hợp đoàn viên, người lao động đã được hưởng chính sách hỗ trợ ở mức thấp, sau đó chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn theo Quy định này thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 2 mức hỗ trợ.

4. Trường hợp đoàn viên, người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Quy định này nhưng đã được hưởng hỗ trợ tương tự từ các cấp công đoàn trước ngày Quy định này có hiệu lực với mức thấp hơn theo Quy định này thì được hưởng tiếp phần chênh lệnh giữa 02 chính sách hỗ trợ.

5. Tổng số tiền mà đoàn viên, người lao động hưng hỗ trợ theo Quy định này tối đa bằng mức hỗ trợ của chính sách cao nhất.

6. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có các hành vi lợi dụng việc hỗ trợ theo Quy định này để trục lợi. Nếu có hành vi vi phạm, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải bồi thường và xem xét xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Kinh phí hỗ trợ

Kinh phí thực hiện hỗ trợ đoàn viên, người lao động được chi từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên cơ sở như sau:

1. Giao công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện chi từ nguồn kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hiện có; trường hợp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không cân đối được nguồn thì Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện cấp bù cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

2. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có số dư quỹ hoạt động thường xuyên tại cấp 2 và cấp 3 đến thời điểm chi hỗ trợ dưới 15 tỷ đồng, báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét hỗ trợ.

Chương II

HỖ TRỢ ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ GIẢM THỜI GIAN LÀM VIỆC, NGỪNG VIỆC

Điều 5. Đối tượng hỗ trợ

Đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có đóng kinh phi công đoàn trước ngày 30 tháng 9 năm 2022 bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Điều 6. Điều kiện hỗ trợ

Đoàn viên, người lao động quy định tại Điều 5 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

1. Bị giảm thời gian làm việc hàng ngày hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động tù 14 ngày trở lên.

2. Thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

3. Thời gian bị giảm giờ làm việc, ngừng việc từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023.

Điều 7. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả

1. Mức hỗ trợ

a) Người lao động là đoàn viên; người lao động không là đoàn viên nhưng là nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em): 1.000.000 đồng/người.

b) Người lao động không là đoàn viên: 700.000 đồng/người.

2. Phương thức chi trả: Trả 01 lần, bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị

1. Danh sách đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng có xác nhận của công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này).

2. Bản sao các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp lại thời gian làm việc, sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

3. Trường hợp người lao động không là đoàn viên nhưng là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì bổ sung thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 9. Trình tự, thủ tục thực hiện

1. Trước ngày 15 hằng tháng, công đoàn cơ sở rà soát, đề nghị người sử dụng lao động phối hợp tổng hợp danh sách đoàn viên, người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, gửi hồ sơ đề nghị tới công đoàn cấp trên trực tiếp. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023.

Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành địa phương và tương đương, công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (sau đây gọi tắt là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở) đề nghị, phối hợp với người sử dụng Lao động lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ và thu thập hồ sơ theo Điều 8 Quy định này.

2. Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thẩm định, trình Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công đoàn cấp tỉnh).

Trường hợp công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn cấp tỉnh thì Công đoàn cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định.

3. Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Công đoàn cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này); chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chuyển kinh phí hỗ trợ hoặc trực tiếp chuyển kinh phí hỗ trợ về tài khoản của công đoàn cơ sở hoặc chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với doanh nghiệp (nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở) để chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. Trường hợp không phê duyệt, Công đoàn cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cấp tỉnh phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động.

5. Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở gửi danh sách ký nhận hỗ trợ của đoàn viên, người lao động (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này) hoặc chứng từ chứng minh đã chuyển khoản tiền hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động (trường hợp đoàn viên, người lao động không trực tiếp nhận tiền mặt) và gửi công đoàn cấp trên trực tiếp.

Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở lập danh sách ký nhận hỗ trợ của người lao động hoặc chứng từ chứng minh đã chuyển khoản tiền hỗ trợ cho người lao động (trường hợp người lao động không trực tiếp nhận tiền mặt) và lưu chứng từ theo quy định.

Chương III

HỖ TRỢ ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠM HOÃN THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG, NGHỈ VIỆC KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG

Điều 10. Đối tượng hỗ trợ

Đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30 tháng 9 năm 2022 phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Điều 11. Điều kiện hỗ trợ

Đoàn viên, người lao động quy định tại Điều 10 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

1. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng (trừ trường hợp đoàn viên, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do cá nhân).

2. Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023.

3. Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023.

Điều 12. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả

1. Mức hỗ trợ

a) Người lao động là đoàn viên; người lao động không là đoàn viên nhưng là nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em): 2.000.000 đồng/người.

b) Người lao động không là đoàn viên: 1.400.000 đồng/người.

2. Phương thức chi trả: Trả 01 lần, bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Điều 13. Hồ sơ đề nghị

1. Danh sách đoàn viên, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này).

2. Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương của đoàn viên, người lao động.

3. Bản sao các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp việc làm, sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng dẫn đến phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương với đoàn viên, người lao động.

4. Trường hợp người lao động không là đoàn viên nhưng là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì bổ sung thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 14. Trình tự, thủ tục thực hiện

1. Trước ngày 15 hằng tháng, công đoàn cơ sở rà soát, đề nghị người sử dụng lao động phối hợp tổng hợp danh sách đoàn viên, người lao động đủ điều kiện hưng hỗ trợ, gửi hồ sơ đề nghị tới công đoàn cấp trên trực tiếp. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023.

Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị, phối hợp với người sử dụng lao động tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ và thu thập hồ sơ theo Điều 13 Quy định này.

2. Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thẩm định, trình Công đoàn cấp tỉnh.

Trường hợp công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn cấp tỉnh thì Công đoàn cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định.

3. Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Công đoàn cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này); chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chuyển kinh phí hỗ trợ hoặc trực tiếp chuyển kinh phí hỗ trợ về tài khoản của công đoàn cơ sở hoặc chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với doanh nghiệp (nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở) để chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. Trường hợp không phê duyệt, Công đoàn cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cấp tỉnh phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động.

5. Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở gửi danh sách ký nhận hỗ trợ của đoàn viên, người lao động (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này) hoặc chứng từ chứng minh đã chuyển khoản tiền hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động (trường hợp đoàn viên, người lao động không trực tiếp nhận tiền mặt) và gửi công đoàn cấp trên trực tiếp.

Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở lập danh sách ký nhận hỗ trợ của người lao động hoặc chứng từ chứng minh đã chuyển khoản tiền hỗ trợ cho người lao động (trường hợp người lao động không trực tiếp nhận tiền mặt) và lưu chứng từ theo quy định.

Chương IV

HỖ TRỢ ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG NHƯNG KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP

Điều 15. Đối tượng hỗ trợ

Đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30 tháng 9 năm 2022 bị chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều 16. Điều kiện hỗ trợ

Đoàn viên, người lao động quy định tại Điều 15 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; bị xử lý kỷ luật sa thải; thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

2. Không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều 17. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả

1. Mức hỗ trợ

a) Người lao động là đoàn viên; người lao động không là đoàn viên nhưng là nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em): 3.000.000 đồng/người.

b) Người lao động không là đoàn viên: 2.100.000 đồng/người.

2. Phương thức chi trả: Trả 01 lần, bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Điều 18. Hồ sơ đề nghị

1. Đề nghị hỗ trợ của đoàn viên, người lao động (theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này).

2. Bản sao một trong các giấy tờ sau:

a) Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

b) Quyết định thôi việc.

c) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Bản sao Sổ bảo hiểm xã hội hoặc xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp.

4. Bản sao các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp việc làm, sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động dẫn đến chấm dứt hợp đồng lao động với đoàn viên, người lao động (nếu có).

5. Trường hợp người lao động không là đoàn viên nhưng là nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì bổ sung thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 19. Trình tự, thủ tục thực hiện

1. Đoàn viên, người lao động có nhu cầu hưởng hỗ trợ gửi hồ sơ đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc Công đoàn cấp tỉnh nơi đoàn viên, người lao động cư trú (thường trú hoặc tạm trú) hoặc nơi đoàn viên, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Công đoàn nơi tiếp nhận hồ sơ của đoàn viên, người lao động kiểm tra, hướng dẫn đoàn viên, người lao động nộp hồ sơ theo Điều 18 Quy định này; lập biên bản nhận hồ sơ của đoàn viên, người lao động (theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này)

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2023.

2. Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của đoàn viên, người lao động, công đoàn tiếp nhận hồ sơ gửi hồ sơ tới Công đoàn cấp tỉnh nơi đoàn viên, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của đoàn viên, người lao động, Công đoàn cấp tỉnh nơi đoàn viên, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thu thập các văn bản, tài liệu cần thiết liên quan đến đoàn viên, người lao động (nếu có thể), thẩm định (hoặc chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện) và ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này); chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động chuyển kinh phí hỗ trợ hoặc trực tiếp chuyển kinh phí hỗ trợ tới đoàn viên, người lao động trong 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt. Trường hợp không phê duyệt, Công đoàn cấp tỉnh nơi đoàn viên, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do với đoàn viên, người lao động.

4. Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, công đoàn chi hỗ trợ lập danh sách ký nhận hỗ trợ của đoàn viên, người lao động (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này) hoặc tập hợp chứng từ chứng minh đã chuyển tiền hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động (trường hợp đoàn viên, người lao động không trực tiếp nhận tiền mặt) và lưu theo quy định.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Tổ chức thực hiện

1. Các ban, Văn phòng, Văn phòng Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu hướng dẫn, hỗ trợ các cấp công đoàn tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

2. Giao Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đầu mối tham mưu, theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp, cập nhật báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ đoàn viên, người lao động theo Quy định này.

3. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này; thực hiện giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện của các cấp công đoàn; thực hiện hậu kiểm theo quy định hoặc trong trường hợp cần thiết; ngày 25 hàng tháng gửi báo cáo kết quả thực hiện về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (qua Ban Quan hệ Lao động) để tổng hợp (theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này).

4. Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Quy định này; tiến hành giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị.

 Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ LĐTB&XH;
- BHXH Việt Nam;
- Các đ/c Ủy viên ĐCT TLĐ;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP;
 - Các CĐ ngành trung ương và tương đương,

CĐ TCT trực thuộc TLĐ;
- Báo Lao động; Cổng TTĐT TLĐ;
 - Lưu: VT, QHLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

 

Phan Văn Anh

 

[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.