Open navigation

Quyết định 160/QĐ-VSD ngày 15/11/2022 Quy chế hướng dẫn hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký

TRUNG TÂM
 LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN

VIỆT NAM
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/QĐ-VSD

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐỐI VỚI CHỨNG KHOÁN ĐÃ ĐĂNG KÝ TẬP TRUNG TẠI TRUNG TÂM LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

TỔNG GIÁM ĐỐC
TRUNG TÂM LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

Căn cứ Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;

Căn cứ Quyết định số 171/2008/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 2396/QĐ-BTC ngày 21 tháng 11 năm 2017 của B trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐQT ngày 27 tháng 05 năm 2022 của Hội đồng Quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông qua việc ban hành Quy chế hướng dẫn hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam;

Căn cứ Công văn số 7494/UBCK-PTTT ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chấp thuận ban hành Quy chế hướng dẫn hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam;

Theo đề nghị của Trưởng phòng Lưu ký Chứng khoán và Quản lý thành viên.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hướng dẫn hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 110/QĐ-VSD ngày 23 tháng 08 năm 2021 của Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về việc ban hành Quy chế hướng dẫn hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Điều 3. Giám đốc Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, Trưởng phòng Lưu ký Chứng khoán và Quản lý thành viên, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị, Trưởng các phòng thuộc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBCKNN (để b/c);
- Các SGDCK;
- HĐQT;
- Ban TGĐ;
- CN VSD;
 - Lưu: VT, LK (22b)
.

TỔNG GIÁM ĐỐC




 Dương Văn Thanh

 



QUY CHẾ

HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐỐI VỚI CHỨNG KHOÁN ĐÃ ĐĂNG KÝ TẬP TRUNG TẠI TRUNG TÂM LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-VSD ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này hướng dẫn các nội dung liên quan tới hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (sau đây viết tắt là VSD) bao gồm:

1. Đăng ký biện pháp bảo đảm;

2. Đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót thông tin đã đăng ký biện pháp bảo đảm;

3. Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm;

4. Cung cấp thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức sở hữu chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD.

2. Thành viên lưu ký (sau đây viết tắt là TVLK), Tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại VSD (sau đây viết tắt là TCMTKTT).

3. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Tại Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử mà người có thẩm quyền của VSD hoặc TVLK, TCMTKTT sử dụng để xác thực thông tin dữ liệu mà mình gửi đi.

2. Chứng từ điện tử là thông tin về hoạt động nghiệp vụ tại VSD được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thông qua cổng giao tiếp điện tử hoặc cổng giao tiếp trực tuyến hoặc thông qua mạng toàn cầu bằng giao diện trên trang thông tin điện tử của VSD và đã được xác thực bằng chữ ký số của người có thẩm quyền của VSD hoặc TVLK, TCMTKTT. Chứng từ điện tử trong Quy chế này bao gồm các loại sau:

a. Xác nhận điện tử và giao dịch điện tử là các xác nhận, giao dịch được tạo ra và thực hiện trên hệ thống của VSD thông qua cổng giao tiếp điện tử của VSD;

b. Điện nghiệp vụ là tệp tin dữ liệu chứa các thông tin về hoạt động nghiệp vụ có cấu trúc theo chuẩn ISO15022 được trao đổi qua cổng giao tiếp trực tuyến của VSD. 

3. Cổng giao tiếp điện tử là môi trường phần mềm ứng dụng trong đó cho phép các TVLK, TCMTKTT và VSD trao đổi các thông tin về hoạt động nghiệp vụ dưới dạng xác nhận điện tử, giao dịch điện tử một cách gián tiếp thông qua các máy trạm đặt tại trụ sở chính hoặc chi nhánh của TVLK, TCMTKTT đã được cài đặt phần mềm của VSD.

4. Cổng giao tiếp trực tuyến là môi trường phần mềm ứng dụng trong đó cho phép các TVLK, TCMTKTT và VSD trao đổi các thông tin hoạt động nghiệp vụ dưới dạng điện nghiệp vụ trực tiếp giữa hệ thống nghiệp vụ của TVLK, TCMTKTT và hệ thống của VSD.

Điều 4. Quy định chung về nộp, xử lý hồ sơ

1. Cá nhân, tổ chức có yêu cầu đăng ký, thay đổi, sửa chữa biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD gửi hồ sơ kèm theo hồ sơ phong tỏa, giải tỏa chứng khoán cho VSD thông qua TVLK. Trường hợp tổ chức là TVLK, TCMTKTT có yêu cầu thì gửi hồ sơ nêu trên trực tiếp cho VSD. TVLK, TCMTKTT gửi hồ sơ phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo quy định tại khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 7 Quy chế này đồng thời gửi chứng từ điện tử phong tỏa, giải tỏa chứng khoán qua cổng giao tiếp điện tử/cổng giao tiếp trực tuyến của VSD.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức đã được VSD xác nhận phong tỏa chứng khoán làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại tổ chức tín dụng và chưa thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm trước thời điểm Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây viết tắt là Nghị định 155/2020/NĐ-CP) có hiệu lực, nay có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm tại VSD thì phải gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy chế này và không cần gửi hồ sơ phong tỏa chứng khoán. 

3. Việc gửi hồ sơ, trả kết quả giải quyết hồ sơ đăng ký, thay đổi, sửa chữa biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện bằng hình thức nộp, trả trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến. Đối với trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 170 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, việc gửi hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

4. VSD xử lý hồ sơ đăng ký, thay đổi, sửa chữa biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm đồng thời với xử lý hồ sơ phong tỏa, giải tỏa chứng khoán được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm. 

5. Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký, thay đổi, sửa chữa biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm của VSD là ngay trong ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ (bao gồm cả hồ sơ phong tỏa, giải tỏa chứng khoán); nếu nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ gửi sau 15 giờ cùng ngày, VSD thực hiện giải quyết trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, VSD thực hiện không quá 03 ngày làm việc.

6. Thời gian giải quyết hồ sơ cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm của VSD là ngay trong ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; nếu nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ gửi sau 15 giờ cùng ngày, VSD thực hiện giải quyết trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, VSD thực hiện không quá 03 ngày làm việc.

7. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giải quyết hồ sơ của VSD, TVLK có trách nhiệm thông báo lại kết quả cho khách hàng liên quan.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

2. Hồ sơ phong tỏa chứng khoán được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm gồm:

a. Yêu cầu chuyển khoản phong tỏa chứng khoán của TVLK/ TCMTKTT (Mẫu 01/ của Quy chế này) (02 bản);

b. Giấy đề nghị phong tỏa chứng khoán của bên bảo đảm (Mẫu 02/ của Quy chế này) (01 bản). 

3. VSD cấp văn bản xác nhận về việc đăng ký biện pháp bảo đảm theo Mẫu số 62 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, đồng thời ghi nhận thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm vào Sổ đăng ký biện pháp bảo đảm tại VSD và gửi trả kết quả (bao gồm cả xác nhận phong tỏa chứng khoán) cho TVLK, TCMTKTT.

Điều 6. Đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót biện pháp bảo đảm

1. Hồ sơ đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 170 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, trong đó bảng kê chứng khoán đề nghị thay đổi, sửa chữa sai sót (nếu có) (Mẫu số 55 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP) phải ghi rõ số lượng chứng khoán trước khi thay đổi và đề nghị thay đổi theo từng mã chứng khoán tại cột “Ghi chú”.

2. Trường hợp thay đổi, sửa chữa sai sót biện pháp bảo đảm dẫn tới thay đổi chứng khoán được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm đã đăng ký, hồ sơ phong tỏa, giải tỏa chứng khoán gồm:

a. Yêu cầu chuyển khoản phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của TVLK/ TCMTKTT (Mẫu 03/ của Quy chế này) (02 bản);

b. Giấy đề nghị phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của bên bảo đảm (Mẫu 04/BĐ của Quy chế này) (01 bản). 

3. VSD cấp văn bản xác nhận về việc đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót biện pháp bảo đảm theo Mẫu số 62 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, đồng thời cập nhật thông tin đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót biện pháp bảo đảm vào Sổ đăng ký biện pháp bảo đảm tại VSD và gửi trả kết quả (bao gồm cả xác nhận phong tỏa, giải tỏa chứng khoán) cho TVLK, TCMTKTT. 

Điều 7. Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Hồ sơ yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 170 Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự gửi hồ sơ cho VSD, trong đó bảng kê chứng khoán quy định tại điểm b khoản 4 Điều 170 Nghị định 155/2020/NĐ-CP không cần xác nhận của TVLK.

2. Hồ sơ giải tỏa chứng khoán được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm gồm: Yêu cầu chuyển khoản giải tỏa chứng khoán của TVLK/ TCMTKTT (Mẫu 05/ của Quy chế này) (02 bản). Trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự không cần gửi hồ sơ giải tỏa chứng khoán.

3. VSD cấp văn bản xác nhận về việc xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo Mẫu số 62 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, đồng thời cập nhật thông tin xóa đăng ký biện pháp bảo đảm vào Sổ đăng ký biện pháp bảo đảm tại VSD và gửi trả kết quả (bao gồm cả xác nhận giải tỏa chứng khoán) cho TVLK, TCMTKTT. 

Điều 8. Xử lý trong trường hợp chứng khoán bị hủy đăng ký tập trung tại VSD

1. Trường hợp chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm bị hủy đăng ký tập trung theo quy định pháp luật, VSD thông báo cho TVLK/ TCMTKTT để thông báo cho các bên làm thủ tục xóa đăng ký biện pháp bảo đảm trước ngày hiệu lực hủy đăng ký chứng khoán. Trường hợp các bên không làm thủ tục xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, VSD tự động thực hiện xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, giải tỏa chứng khoán đã phong tỏa và thông báo cho TVLK/ TCMTKTT để thông báo cho các bên liên quan vào ngày hiệu lực hủy đăng ký chứng khoán.

2. Trường hợp các bên tham gia đăng ký biện pháp bảo đảm muốn duy trì biện pháp bảo đảm đã đăng ký, các bên có thể gửi hồ sơ thay đổi biện pháp bảo đảm cho VSD theo quy định tại Điều 6 Quy chế này; Việc thay đổi đăng ký biện pháp bảo đảm phải hoàn tất trước ngày hiệu lực hủy đăng ký chứng khoán.

Điều 9. Xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm

1. VSD xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm tại VSD theo quy định tại Điều 172 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

2. Trường hợp xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến chuyển quyền sở hữu chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm tại VSD, VSD thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Quy chế hoạt động đăng ký và chuyển quyền sở hữu chứng khoán của VSD.

Điều 10. Cung cấp thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Việc cung cấp thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm tại VSD thực hiện theo quy định tại Điều 171 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

2. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có nhu cầu cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm gửi văn bản yêu cầu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho VSD. VSD trả kết quả xác nhận cho tổ chức yêu cầu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

3. Cá nhân, tổ chức có nhu cầu cung cấp thông tin chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm gửi Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin theo Mẫu số 63 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP cho VSD thông qua TVLK. Nội dung yêu cầu cung cấp thông tin phải ghi rõ thông tin số văn bản xác nhận việc đăng ký biện pháp bảo đảm của VSD; tên đầy đủ, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ tương đương và ngày cấp của bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm và mã chứng khoán.

4. TVLK thông báo cho VSD trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân, tổ chức.

5. Trường hợp thông tin trên Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin khớp với thông tin VSD quản lý, VSD cấp văn bản cung cấp thông tin chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm tại VSD (Mẫu 06/BĐ) và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân liên quan thông qua TVLK. Trường hợp thông tin không trùng khớp, VSD thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân liên quan thông qua TVLK.

6. VSD từ chối cung cấp thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 5 Điều 169 Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Điều 61 Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (sau đây viết tắt là Nghị định 102/2017/NĐ-CP).

Điều 11. Từ chối đăng ký biện pháp bảo đảm

VSD từ chối đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 5 Điều 169 Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Điều 15 Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

Chương III

ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM

Điều 12. Đăng ký tham gia hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến

1. TVLK, TCMTKTT của VSD được quyền đăng ký tham gia hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến của VSD và được VSD cấp quyền truy cập hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến. Hồ sơ đăng ký tham gia hệ thống bao gồm:

a) Bản đăng ký tham gia hệ thống đăng ký bảo đảm trực tuyến của VSD (Mẫu số 07/BĐ);

b) Danh sách cán bộ tham gia hệ thống đăng ký bảo đảm trực tuyến của VSD (Mẫu số 08/BĐ).

2. Trong vòng ba (03) ngày làm việc sau ngày nhận được hồ sơ đăng ký tham gia hệ thống bảo đảm trực tuyến của TVLK, TCMTKTT VSD gửi văn bản cho TVLK, TCMTKTT thông báo chấp thuận hoặc chưa chấp thuận. Trường hợp chưa chấp thuận, VSD sẽ nêu rõ lý do.

Điều 13. Thủ tục đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm

1. Căn cứ vào hồ sơ yêu cầu đăng ký, thay đổi, sửa chữa biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm TVLK, TCMTKTT sử dụng tài khoản đã được cấp truy cập vào hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến của VSD để thay mặt bên có yêu cầu kê khai các nội dung thuộc diện phải kê khai trong hồ sơ vào hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến đồng thời gửi bản chụp hồ sơ theo định dạng PDF/JPG cho VSD qua hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến.

2. TVLK, TCMTKTT gửi chứng từ điện tử phong tỏa, giải tỏa chứng khoán (nếu có) cho VSD qua cổng giao tiếp điện tử/cổng giao tiếp trực tuyến của VSD.

3. Sau khi TVLK, TCMTKTT hoàn tất nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và thông tin kê khai trên hệ thống khớp đúng với thông tin hồ sơ gửi kèm, VSD ghi nhận thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm vào Sổ đăng ký biện pháp bảo đảm tại VSD và gửi TVLK, TCMTKTT chứng từ điện tử kết quả nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm trên giao diện của hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm; chứng từ điện tử phong tỏa, giải tỏa chứng khoán (nếu có) qua cổng giao tiếp điện tử/cổng giao tiếp trực tuyến của VSD và văn bản xác nhận kết quả đăng ký biện pháp bảo đảm để TVLK trả bên yêu cầu. 

4. Thời gian VSD gửi chứng từ điện tử kết quả đăng ký, thay đổi, sửa chữa biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm, phong tỏa, giải tỏa chứng khoán (nếu có) và văn bản xác nhận kết quả đăng ký, thay đổi, sửa chữa biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 4 Quy chế này. Trường hợp có sai lệch thông tin đã kê khai trên hệ thống với thông tin hồ sơ gửi kèm, VSD sẽ từ chối xác nhận trên hệ thống và nêu rõ lý do.

5. TVLK, TCMTKTT hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc kê khai thông tin đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của khách hàng và hồ sơ gửi cho VSD là hồ sơ hợp lệ theo yêu cầu của khách hàng.

Điều 14. Trường hợp đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý

1. Việc đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

2. Trường hợp đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý, VSD thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

Điều 15. Tra cứu thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm

1. TVLK, TCMTKTT sử dụng tài khoản đã được cấp truy cập vào hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm trực tuyến của VSD để tra cứu thông tin nội dung hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm theo các tiêu chí: số đăng ký biện pháp bảo đảm; số tài khoản lưu ký; số hợp đồng bảo đảm.

2. Cá nhân, tổ chức liên quan có nhu cầu tra cứu thông tin trực tuyến về biện pháp bảo đảm mà không yêu cầu cấp văn bản chứng nhận nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm có xác nhận của VSD có thể tra cứu thông tin nội dung hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm trên trang thông tin điện tử theo địa chỉ https://tracuugdbd.vsd.vn theo các tiêu chí: số đăng ký biện pháp bảo đảm; số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ tương đương của bên bảo đảm. 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Điều khoản thi hành

1. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các bên liên quan liên hệ với VSD để được hướng dẫn, giải quyết.

2. Việc ban hành Quy chế này do Tổng Giám đốc VSD quyết định sau khi được Hội đồng Quản trị VSD thông qua và có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước./.

 

 

[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.