VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 303/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ KẾ HOẠCH SẢN XUẤT, KINH DOANH 05 NĂM 2016-2020 CỦA TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM
Ngày 20 tháng 6 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về Kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm 2016-2020 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Sau khi nghe Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn) báo cáo về Kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm 2016-2020 của Tập đoàn; phát biểu của lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư và đại diện cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIAI ĐOẠN 2011-2015
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, thống nhất với báo cáo đánh giá thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2011 - 2015 của Tập đoàn. Trong điều kiện, Tập đoàn có nhiều khó khăn, do đặc thù sản phẩm đều dành cho xuất khẩu và phụ thuộc vào giá cả thế giới, sản phẩm cao su liên tục giảm giá từ 2011, đến cuối năm 2015 chỉ còn bằng 30% giá của năm 2011, mặt khác các loại vật tư, nhiên liệu đầu vào biến động tăng liên tục ảnh hưởng đến suất đầu tư trồng, chăm sóc cao su, tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên Tập đoàn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, thể hiện qua một số chỉ tiêu đã đạt được: về kinh doanh Tập đoàn đã khai thác 1,35 triệu tấn mủ, tiêu thụ 1,67 triệu tấn. Tổng doanh thu 5 năm đạt 138 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 31 ngàn tỷ đồng và nộp ngân sách 8.490 tỷ đồng. Về đầu tư đã trồng mới và tái canh 177.296 ha, chăm sóc hơn 907.000 lượt ha cao su. Ngành chế biến gỗ có tăng trưởng ấn tượng, gỗ phôi cao su đạt trên 1,3 triệu m3, gỗ tinh chế và ghép tâm gần 120 ngàn m3, riêng MDF tăng từ 75.000 m3 năm 2011 lên 455.000 m3 vào năm 2015, tổng doanh thu trên 18.500 tỷ đồng và lợi nhuận trên 2.250 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/vốn nhà nước đạt 20% /năm, vốn chủ sở hữu tăng 30%. Tập đoàn đã bảo đảm hiệu quả và bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, góp phần xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Cao su trở thành Tập đoàn mạnh, đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.
II. KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020:
Cơ bản đồng ý với Báo cáo của Tập đoàn về Kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm 2016 - 2020: trong bối cảnh đang thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 5 tháng 01 năm 2013 và thực hiện việc cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn với 20 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) và 4 đơn vị sự nghiệp theo văn bản số 2296/TTg-ĐMDN ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp của Tập đoàn, theo đó tiến độ dự kiến hoàn thành là quý II năm 2017 và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trong quý III năm 2017. Do vậy, kế hoạch 2016-2020 được xây dựng theo mô hình công ty TNHH MTV trong năm 2016 và từ 2017 đến 2020 hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Nhất trí với quan điểm chiến lược kinh doanh của Tập đoàn, trong đó, cần duy trì và phát triển vị thế là một Tập đoàn kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn; đa dạng các sản phẩm nông công nghiệp để nâng cao hiệu quả; đẩy mạnh và tăng cường hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn thông qua cổ phần hóa để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiệu quả doanh nghiệp và tạo nguồn vốn để phát triển Tập đoàn; chủ động hội nhập Quốc tế, tích cực tham gia các tổ chức, hiệp hội ngành nghề để nâng cao thương hiệu và mở rộng thị trường; thực hiện tốt vai trò trong chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam, bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của người lao động, nhất là đồng bào dân tộc. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất của Tập đoàn.
Về mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020, đồng ý với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 18%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.000 tỷ đồng vào năm 2020, Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt bình quân 20%. Lợi nhuận toàn Tập đoàn trên vốn điều lệ bình quân 17%/năm; duy trì tổng diện tích cao su đến 2020 khoảng 400.000 ha, trong đó trong nước khoảng 285.000 ha, nước ngoài 115.000 ha. Sản lượng cao su gia tăng bình quân 15%/năm, đến 2020 khoảng 414.000 tấn. Tăng cường công tác thu mua mủ cao su tiểu điền, tăng sản lượng từ 60.000 tấn hiện nay lên 105.000 tấn vào năm 2020; sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 520.000 tấn năm 2020.
Về giải pháp để thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020, cần tăng cường các giải pháp kỹ thuật, trong đó chú trọng đến trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su; phát huy những lợi thế, tiếp tục đổi mới cơ chế, đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ mới với mục tiêu tăng năng suất lao động; dự báo tốt thị trường để linh hoạt điều chỉnh các chủng loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và có giá trị gia tăng cao để tăng doanh thu và hiệu quả; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và phù hợp với quy định nguồn vốn tự có của Tập đoàn và nguồn vốn tích lũy hàng năm. Mở rộng quan hệ với các định chế tài chính trong và ngoài nước để huy động nguồn cho các dự án thông qua nhiều hình thức như vay hợp vốn, phát hành trái phiếu…; thực hiện tốt công tác đào tạo cho lao động trực tiếp, tăng cường đội ngũ quản lý kỹ thuật cấp công ty và nông trường để xây dựng chương trình nâng cấp vườn cây trong thời gian sớm nhất.
III. VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ KIẾN NGHỊ:
1. Về trồng cao su tại Lào và Campuchia: Tập đoàn tiếp tục đôn đốc các đơn vị thành viên rà soát lại các dự án, hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, đặc biệt là vấn đề quyền sử dụng đất đối với các dự án trồng cao su tại nước sở tại. Đồng thời, tích cực triển khai trồng phủ xanh các diện tích đất dự án cao su đã được chính quyền nước sở tại cam kết và cấp phép để hạn chế tối đa tình trạng người dân sở tại lấn chiếm đất của dự án.
Đối với cơ chế trồng cây cao su và huy động vốn cho cho các vùng có đặc thù khác nhau, nhất là vùng khó khăn, khu vực biên giới và các dự án ở nước ngoài: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế chính sách cho mỗi vùng phù hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ.
2. Để nâng cao chất lượng, đảm bảo thương hiệu, sức cạnh tranh sản phẩm cao su của Tập đoàn trên thị trường (tránh hiện tượng mủ cao su kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, trong đó có cao su tiểu điền): giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định; đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm cao su.
3. Về cho phép từ năm 2016 doanh thu từ hoạt động thanh lý gỗ cao su được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (như từ hoạt động trồng và chế biến cao su) và được hạch toán vào hoạt động sản xuất kinh doanh: giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ.
4. Về việc đề nghị đối với các dự án trồng cao su ở miền núi phía Bắc được thế chấp bằng các hợp đồng liên kết với dân (thay vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và cơ chế hỗ trợ vốn tín dụng cho các dự án đầu tư ra nước ngoài: giao các Bộ, cơ quan: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ.
5. Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tập đoàn khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 275/TB-VPCP ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.
Trên cơ sở Văn bản thẩm định số 1769/BKHĐT-KTNN ngày 08 tháng 3 năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm 2016-2020 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và chỉ đạo nêu trên, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, cơ quan liên quan và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |