Open navigation

Công văn 187/KH-UBND ngày 19/01/2022 Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố Hồ Chí Minh

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 01 năm 2022

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG ĐANG LÀM VIỆC TRONG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;

Căn cứ Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch Hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

- Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định hướng dẫn thi hành (Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP), phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp của địa phương, gắn kết việc đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp, nhằm đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của lực lượng lao động.

2. Nhiệm vụ

- Gắn đào tạo phát triển nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố, đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố.

- Xác định yêu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và nhu cầu học nghề của người lao động, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội Thành phố và hội nhập quốc tế.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

1. Phạm vi, đối tượng

- Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, được doanh nghiệp cử tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoạt dưới 03 tháng.

- Về độ tuổi: Không quá 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ (tính đến thời điểm sử dụng các chính sách liên quan).

2. Chính sách hỗ trợ

- Người lao động thuộc đối tượng tại khoản 1 Mục II kế hoạch này khi tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới ba tháng được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá hai triệu đồng/người/khóa học, mỗi người chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ này một lần (theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 49/2019/TT-BTC).

- Trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức hỗ trợ và các chi phí phát sinh khác khi học viên tham gia khóa đào tạo, phần chi phí chênh lệch sẽ do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận đóng góp và sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

- Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

- Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đối với lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố thuộc phạm vi và đối tượng theo quy định tại khoản 1 Mục II Kế hoạch này.

- Ngành nghề được hỗ trợ đào tạo: Do doanh nghiệp lựa chọn, xác định trên cơ sở ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng theo Quyết định số 3560/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Danh mục nghề đào tạo cho người lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025.

- Cơ sở đào tạo: Tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc văn bản chấp thuận chủ trương của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Hoạt động rà soát, cập nhật, bổ sung, đánh giá, xác định nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Định kỳ hàng năm thực hiện:

- Rà soát, cập nhật bổ sung danh mục nghề đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động

- Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, dự kiến số lượng lao động cần đào tạo, ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo và các nội dung khác có liên quan.

- Rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở tham gia đào tạo cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn về nghề đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo để xác định các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề.

3. Hoạt động phát triển chương trình, giáo trình theo yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động

- Xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tài liệu hướng dẫn,... để đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng theo yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động.

4. Hoạt động giám sát, đánh giá tình hình thực hiện

- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kết quả, quá trình đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Từ nguồn ngân sách Thành phố bố trí tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố hàng năm.

2. Nguồn kinh phí khác:

- Từ nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Việc quản lý kinh phí, nội dung chi và mức chi cho các hoạt động của Kế hoạch này được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Hàng năm, căn cứ nhu cầu thực tế và nội dung đề xuất của các đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; phối hợp với Sở Tài chính dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp để đáp ứng nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp và tổng hợp vào Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp hàng năm trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, phê duyệt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan rà soát số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn hàng năm.

5. Sở Tài chính

- Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước, thẩm định dự toán kinh phí do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập theo kế hoạch và yêu cầu nhiệm vụ được giao, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

6. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức

- Hàng năm, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện khảo soát, cập nhật nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động.

- Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, dự kiến số lượng lao động cần đào tạo, ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo và các nội dung khác liên quan.

7. Đề nghị doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố

- Thông tin, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và tại Kế hoạch này.

- Hàng năm, đề xuất kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Lựa chọn ngành, nghề đào tạo, cơ sở đào tạo nghề nghiệp và cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo theo nhu cầu. Chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, đề xuất việc cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề theo quy định.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

- Đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức căn cứ Kế hoạch này chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; định kỳ hàng năm, trước ngày 20 tháng 12, các đơn vị được phân công nhiệm vụ tại Kế hoạch này báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này vào báo cáo tổng thể hoạt động giáo dục nghề nghiệp hàng năm gửi Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Tổng cục GDNN;
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- UBMTTQVN TP và các đoàn thể TP;
- Các Sở, ngành Thành phố;
- UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức;
- VPUB: CVP, PVP/VX;
- Phòng VX. TH;
 - Lưu: VT, (VX/Th2).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




 Dương Anh Đức

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.