Open navigation

Công văn 178/BC-CP ngày 23/04/2024 Kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 110_2023_QH15 về Kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV

CHÍNH PHỦ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/BC-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2024

 BÁO CÁO

VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN VIỆC GIẢM 2% THUẾ SUẤT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 110/2023/QH15 NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 2023 CỦA QUỐC HỘI VỀ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Kính gửi: Quốc hội.

Tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết nghị như sau: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ xin báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT như sau:

I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIẢM THUẾ GTGT THEO CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

1. Tình hình thực hiện

Dịch Covid-19 xảy ra đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, cùng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ đã làm cho nền kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng và dự kiến đối với những giải pháp đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng[1].

Việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Đối với giải pháp về thuế GTGT, trong giai đoạn 2020-2023, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tại các Nghị quyết sau:

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT quy định tại điểm a, khoản 1.1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022, Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 và Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 quy định cụ thể việc giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT. Chính phủ (Bộ Tài chính) đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan ban hành công văn, công điện gửi cơ quan thuế, cơ quan hải quan địa phương để triển khai thực hiện, kịp thời thông quan hàng hóa, xuất hóa đơn GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, cũng như thông tin đến các cơ quan báo chí để cộng đồng doanh nghiệp, người dân được biết. Cụ thể, đối với việc giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 (Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024) để triển khai thực hiện. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã có công điện số 12/CĐ-TCT ngày 28/12/2023 chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15. Tổng cục Hải quan có công văn số 6735/TCHQ-TXNK ngày 29/12/2023 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện việc giảm thuế GTGT theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP và hướng dẫn khai báo trên hệ thống VNACCS/VCIS.

Chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 không áp dụng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% mà có loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được nêu tên cụ thể tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tại các Nghị định của Chính phủ đã quy định chi tiết danh mục các hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo các Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn phát sinh một số vướng mắc về việc xác định: một số hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT; một số hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT; việc áp dụng giảm thuế GTGT chưa được thống nhất tại khâu nhập khẩu và sản xuất, tiêu dùng như sản phẩm hóa chất, kim loại và sản phẩm kim loại đúc sẵn, sản phẩm thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin,... do tính chất đa dạng, đa chức năng của các hàng hóa hiện nay; nhiều trường hợp hàng hóa đồng nhất về tên gọi, chức năng nhưng khác biệt về thành phần, cấu tạo, cơ chế hoạt động nên phải áp dụng chính sách thuế khác nhau nhưng không đủ cơ sở xác định tại khâu kiểm tra hồ sơ hải quan, dẫn tới cơ quan hải quan và người khai hải quan gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng chính sách thuế.

Danh mục hàng hóa bị loại trừ không được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT 2% ban hành kèm theo các Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, Nghị định số 94/2023/NĐ-CP được quy định theo Danh mục và nội dung Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, hàng hóa thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin không phải theo tính chất, mục đích sử dụng của hàng hóa thuộc đối tượng không được giảm thuế GTGT nên đã dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan thực thi (Hải quan, Thuế) và doanh nghiệp, dẫn đến có sự không thống nhất trong thực hiện.

2. Kết quả thực hiện

Năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.

Năm 2023, việc giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 trong 6 tháng cuối năm 2023 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2023 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước.

Năm 2024, việc giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 trong 3 tháng đầu năm 2024 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng (số thuế GTGT tại khâu nhập khẩu giảm khoảng 4,049 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 1,349 nghìn tỷ đồng/tháng, tại khâu nội địa, số thuế GTGT giảm khoảng 7,439 nghìn tỷ đồng tương đương khoảng 2,48 nghìn tỷ đồng/tháng).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung quý I/2024 ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (trong đó, tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; tháng 2/2024 ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; tháng 3/2024 ước đạt 509,3 nghìn tỷ đồng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước).

Theo thông tin về diễn biến kinh tế - xã hội thời gian qua tại Báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nhiều điểm tích cực:

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023[2]. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%[3], đóng góp 52,23%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính chung quý I năm 2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%[4]. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng thu NSNN ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ kết quả đạt được nêu trên, có thể đánh giá rằng, chính sách giảm thuế GTGT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế GTGT là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Trên đây là Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo Bộ Chính trị);
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Bộ Tài chính;
 - Lưu: VT, KTTH.

TM. CHÍNH PHỦ
TUQ. THỦ TƯỚNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




 Hồ Đức Phớc

 

 

 


[1] Giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng. Giảm phí, lệ phí khoảng 100 tỷ đồng.

[2] Tốc độ tăng GDP quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2023 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%.

[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2023 lần lượt là: 3,03%; 4,51%; 4,38%; 6,86%.

[4] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quí I/2023 đạt 154,2 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 79,6 tỷ USD, giảm 11,6%; nhập khẩu đạt 74,6 tỷ USD, giảm 15,4%.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.