Open navigation

Công văn 52362/CT-TTHT Chính sách thuế thu nhập cá nhân

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
 ----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 52362/CT-TTHT
V/v trả lời chính sách thuế

Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2016

 

Kính gửi: Công ty TNHH Toyota Tsusho Việt Nam
(Đ/c: Tầng 7 tòa nhà Mặt trời sông Hồng, 23 Phan Chu Trinh, Phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội - MST: 0103171663)

Trả lời công văn số 001/TNCN-CT ngày 13/6/2016 của Công ty TNHH Toyota Tsusho Việt Nam (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ:

+ Tại Điều 1 Người nộp thuế

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.

Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.

b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:...

4. Người nộp thuế theo hướng dẫn tại các khoản 1 và 2, Điều này bao gồm:

a) Cá nhân có quốc tịch Viêt Nam kể cả cá nhân được cử đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài có thu nhập chịu thuế.”

+ Tại Khoản 2 Điều 2 Các khoản thu nhập chịu thuế

“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động; bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền...”

+ Tại Điều 7 Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công:

“Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:

1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:

a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.

b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.

c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.”

+ Tại Điều 9 Các khoản giảm trừ

“…

1. Giảm trừ gia cảnh

b) Mức giảm trừ gia cảnh

b.1) Đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.

b.2) Đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

2. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

3. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

…”

+ Tại Tiết e.1 Điểm e Khoản 2 Điều 26 Khai thuế, quyết toán thuế

“e.1) Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.”

+ Tại Khoản 7 Điều 30 Trách nhiệm thi hành:

“7. Trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết Điều ước quốc tế có quy định về thuế thu nhập cá nhân khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đó.”

- Căn cứ Khoản 1 Điều 22 Hiệp định giữa chính phủ Nhật Bản và chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập:

“1/ Tại Việt Nam, việc đánh thuế hai lần sẽ được xóa bỏ như sau:

Khi một đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được thu nhập, lợi tức hay các khoản lợi tức từ chuyển nhượng tài sản mà những khoản này, theo luật của Nhật Bản và phù hợp với Hiệp định này, có thể bị đánh thuế tại Nhật Bản, Việt Nam sẽ cho phép đối tượng đó được khấu trừ vào thuế Việt Nam tính trên thu nhập, lợi tức hay các khoản lợi tức từ chuyển nhượng tài sản một khoản tiền tương đương với số tiền thuế đã nộp tại Nhật Bản. Tuy nhiên, số tiền thuế được khấu trừ sẽ không vượt quá phần thuế Việt Nam được tính trên thu nhập, lợi tức hay các khoản lợi tức từ chuyển nhượng tài sản theo các luật và qui định thuế của Việt Nam.”

- Căn cứ Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính

“Điều 14. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 7

“a) Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận (không bao gồm thu nhập được miễn thuế) cộng (+) các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có) trừ (-) các khoản giảm trừ. Trường hợp người sử dụng lao động áp dụng chính sách “tiền thuế giả định”, “tiền nhà giả định” thì thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế không bao gồm “tiền thuế giả định “, “tiền nhà giả định”. Trường hợp trong các khoản trả thay có tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập (chưa bao gồm tiền thuê nhà thực tế phát sinh, “tiền nhà giả định “ (nếu có)).

Công thức xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi:

Thu nhập làm căn cứ quy đổi

=

Thu nhập thực nhận

+

Các khoản trả thay

-

Các khoản giảm trừ

Trong đó:

- Thu nhập thực nhận là tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng.

- Các khoản trả thay là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

- Các khoản giảm trừ bao gồm: giảm trừ gia cảnh; giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Điều 15 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.”

Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

1, Trường hợp Công ty cử nhân viên sang làm việc và học tập tại công ty mẹ (ở Nhật Bản) là đối tượng cư trú tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, nhân viên có hai nguồn thu nhập tại Việt Nam và Nhật Bản thì thực hiện nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính. Đối với thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế Công ty áp dụng theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.

2, Trường hợp thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế theo quy định tại Tiết e.1 Điểm e Khoản 2 Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị Công ty TNHH Toyota Tsusho Việt Nam liên hệ với Phòng Kiểm tra thuế số 1 để được hướng dẫn cụ thể.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Toyota Tsusho Việt Nam được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Kiểm tra thuế số 1;
- Phòng Pháp chế;
 - Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




 Mai Sơn

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.