Open navigation

Quyết định 2110/QĐ-BKHĐT ngày 29/12/2023 Phê duyệt đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2110/QĐ-BKHĐT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2023 

 QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TƯ LIỆU HÓA VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HỆ THỐNG THỐNG KÊ QUỐC GIA

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;

Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Tư liệu hoá và chuyển đổi số trong hệ thống tổ chức thống kê nhà nước phải phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để triển khai đề án phải có tính khả thi, bảo đảm thực hiện tư liệu hoá và chuyển đổi số thành công.

2. Chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách và tất yếu nhằm chuyển đổi căn bản và toàn diện hoạt động thống kê, tạo ra năng lực cạnh tranh quốc gia.

3. Ứng dụng triệt để các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới phương pháp và cách thức thu thập thông tin, đổi mới công tác biên soạn và công bố thông tin thống kê, đồng thời cung cấp sản phẩm và dữ liệu thống kê phong phú đa dạng đáp ứng yêu cầu của người sử dụng trong và ngoài nước.

4. Tư liệu hóa và chuyển đổi số là động lực để hiện đại hóa hoạt động thống kê; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài; phải tiến hành tích cực, chủ động và liên tục với những bước đi vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp, chồng chéo; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ cùng với dữ liệu số, đi đôi với đổi mới, sáng tạo. Kết quả của việc tư liệu hóa về hoạt động thống kê là công cụ quan trọng nâng cao chất lượng thống kê, tạo thuận lợi để chuẩn hóa, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ và tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê.

5. Sử dụng dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn và dữ liệu mở là giải pháp đột phá để sản xuất dữ liệu thống kê làm nòng cốt chuyển đổi số nhằm sử dụng tối đa nguồn lực sẵn có của quốc gia trong hoạt động thống kê nhà nước.

6. Nền tảng số trong hệ thống tổ chức thống kê nhà nước phải dựa trên các công nghệ tiên tiến và có khả năng sử dụng lâu dài; đáp ứng được yêu cầu xây dựng và triển khai nền tảng dùng chung cho mọi ứng dụng bảo đảm an toàn thông tin.

II. MỤC TIÊU, PHẠM VI

1. Mục tiêu tổng quát

Hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng chuyển đổi số bắt đầu bằng số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính, lưu chuyển trên môi trường số; tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê, tiến tới tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Tư liệu hóa và chuyển đổi số nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê, nâng cao tính minh bạch và tính giải trình, xóa bỏ khoảng cách dữ liệu tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê. Đề án góp phần đưa Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN vào năm 2030 và trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới vào năm 2045.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xây dựng quy định, hướng dẫn thực hiện thành công tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hoạt động thống kê

- Đến năm 2025

+ Ban hành các quy trình nghiệp vụ, quy định, giải pháp kỹ thuật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để triển khai các giải pháp chuyển dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn, dữ liệu mở thành thông tin thống kê.

+ Ban hành các văn bản hướng dẫn việc tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hoạt động thống kê.

- Đến năm 2030: Hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định, giải pháp kỹ thuật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để triển khai các giải pháp chuyển dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn, dữ liệu mở thành thông tin thống kê.

b) Tư liệu hoá, số hoá hoạt động sản xuất thông tin thống kê và hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống tổ chức thống kê tập trung trên môi trường số

- Đến năm 2025

+ 100% các văn bản hành chính được lưu chuyển trên môi trường số và sử dụng chữ ký điện tử, kịp thời triển khai mọi chủ trương điều hành và phối hợp trong hoạt động thống kê.

+ 70% các hoạt động thống kê được tư liệu hóa dưới dạng số.

+ 50% các văn bản hành chính, tài liệu và báo cáo đang lưu trữ của ngành Thống kê được số hoá.

- Đến năm 2030

+ 100% các văn bản hành chính, tài liệu và báo cáo đang lưu trữ của ngành Thống kê được số hoá.

+ 95% các hoạt động thống kê được tư liệu hóa, quản lý trong một hệ thống liên thông, thống nhất, bảo đảm an toàn và truy cập thuận tiện.

c) Hoạt động thu thập và xử lý dữ liệu thống kê được thực hiện trên nền tảng số

- Đến năm 2025

+ 100% báo cáo trong ngành Thống kê được thực hiện trên môi trường số.

+ 85% các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê sử dụng phiếu điều tra điện tử.

- Đến năm 2030

+ 100% báo cáo thống kê của các bộ, ngành và địa phương được thực hiện trên môi trường số.

+ 95% các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê sử dụng phiếu điều tra điện tử.

+ Sử dụng nguồn dữ liệu hành chính phục vụ biên soạn 70% chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê.

+ Sử dụng nguồn dữ liệu lớn, dữ liệu mở trong biên soạn các chỉ tiêu thống kê.

+ Hoàn thiện hệ thống ứng dụng xử lý dữ liệu thông minh phục vụ dùng chung cho hệ thống tổ chức thống kê nhà nước.

d) Sử dụng các công cụ phân tích thống kê hiện đại phục vụ biên soạn báo cáo thống kê

- Đến năm 2025: Báo cáo thống kê ở một số lĩnh vực được biên soạn trên công cụ thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

- Đến năm 2030: Các báo cáo thống kê kinh tế - xã hội, phân tích dự báo được biên soạn trên công cụ thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khai phá dữ liệu.

đ) Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật thực hiện phổ biến, chia sẻ và sử dụng dữ liệu thống kê trên nền tảng số

- Đến năm 2025: Các công cụ và giải pháp kỹ thuật được áp dụng thực hiện cung cấp dịch vụ và sản phẩm thống kê đáp ứng tới 30% nhu cầu của xã hội, tỷ lệ hài lòng của người dùng đạt 85%, trong đó 80% dịch vụ và sản phẩm thống kê được cập nhật và cung cấp kịp thời; cung cấp dữ liệu thống kê vi mô đáp ứng trên 30% nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong và ngoài nước.

- Đến năm 2030: Các công cụ và giải pháp kỹ thuật được áp dụng thực hiện bảo đảm cung cấp thông tin thống kê trên nền tảng số:

+ 100% chỉ tiêu thống kê quốc gia, báo cáo thống kê sau khi phân tích, tổng hợp được chia sẻ và phổ biến theo thời gian thực.

+ Các dịch vụ và sản phẩm thống kê đáp ứng 60% nhu cầu của xã hội, tỷ lệ hài lòng của người dùng đạt 95%, trong đó 90% dịch vụ và sản phẩm thống kê được cập nhật và cung cấp kịp thời.

+ Dữ liệu thống kê vi mô đáp ứng trên 60% nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong và ngoài nước.

e) Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Thống kê đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

- Đến năm 2025

+ Năng lực hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng đủ năng lực cho hoạt động sản xuất thông tin thống kê từ nguồn dữ liệu điều tra, tổng điều tra thống kê và đáp ứng biên soạn chỉ tiêu thống kê từ dữ liệu hành chính.

+ Xây dựng nền tảng tích hợp ứng dụng thống nhất.

- Đến năm 2030

+ Bảo đảm năng lực hạ tầng công nghệ thông tin cho toàn bộ hoạt động sản xuất thông tin thống kê, lưu trữ, chia sẻ và khai thác sử dụng thông tin thống kê và các hoạt động điều hành trong toàn hệ thống tổ chức thống kê tập trung.

+ Hoàn thành nền tảng tích hợp ứng dụng thống nhất.

3. Phạm vi và thời gian thực hiện

a) Phạm vi

Đề án được áp dụng trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung, tổ chức thống kê bộ, ngành và địa phương đối với các hoạt động sản xuất thông tin thống kê; công tác chỉ đạo điều hành trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung.

b) Thời gian thực hiện

Thời gian thực hiện của Đề án: Từ năm 2024 đến năm 2030.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Xây dựng quy định và hướng dẫn cho hoạt động tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hoạt động thống kê

- Ban hành các văn bản hướng dẫn việc tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hoạt động thống kê bao gồm việc chuyển đổi quy trình nghiệp vụ, tổ chức hoạt động, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thống kê và dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê.

- Xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế, giải pháp kỹ thuật, cơ chế phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các bộ, ngành, địa phương để thực hiện công tác thống kê trên nền tảng số.

b) Xây dựng các quy định về tạo lập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu thống kê sau khi thực hiện tư liệu hóa trong các cơ quan nhà nước.

2. Xây dựng, cập nhật kiến trúc tổng thể phù hợp với quy trình nghiệp vụ thống kê và quản trị dữ liệu

a) Tái cấu trúc các quy trình nghiệp vụ sản xuất thông tin thống kê phù hợp với lộ trình chuyển đổi số. Chuẩn hóa các quy trình sản xuất thông tin thống kê dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm: (i) Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung; (ii) Quy trình sản xuất thông tin thống kê từ điều tra thống kê; (iii) Quy trình sản xuất thông tin thống kê từ chế độ báo cáo thống kê; (iv) Quy trình sản xuất thông tin thống kê từ dữ liệu hành chính; (v) Quy trình sản xuất thông tin thống kê từ dữ liệu lớn, dữ liệu mở; (vi) Quy trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ thống kê.

b) Tái cấu trúc quy trình hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống thống kê tập trung phù hợp với lộ trình chuyển đổi số. Chuẩn hóa các quy trình hoạt động quản lý, điều hành thực hiện công tác thống kê dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm: (i) Công tác tổ chức, cán bộ; (ii) Công tác quản lý tài chính; (iii) Công tác thanh tra, kiểm tra; (iv) Công tác văn thư, lưu trữ; (v) Hội nghị, họp; (vi) Công tác đối ngoại.

c) Xác định, cập nhật các thành phần, mô hình của kiến trúc tổng thể của hệ thống thống kê tập trung: kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc thông tin; kiến trúc công nghệ; kiến trúc ứng dụng; kiến trúc an toàn thông tin.

3. Xây dựng nền tảng số dùng chung phục vụ thu thập, xử lý, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê và báo cáo phân tích thống kê

a) Xây dựng công cụ phục vụ thu thập, xử lý dữ liệu từ tổng điều tra, điều tra thống kê trên môi trường số bảo đảm thống nhất quy trình nghiệp vụ thống kê theo chuẩn dữ liệu đặc tả và khung kiến trúc thông tin.

b) Xây dựng nền tảng, công cụ để tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu thống kê từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.

c) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khai thác dữ liệu dựa trên nền tảng khoa học dữ liệu và khoa học thống kê để sử dụng dữ liệu lớn, dữ liệu mở phục vụ cung cấp thông tin và biên soạn chỉ tiêu thống kê.

d) Xây dựng nền tảng dùng chung phục vụ biên soạn báo cáo phân tích thống kê và dự báo tình hình kinh tế xã hội trên môi trường số liên thông với cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia.

đ) Xây dựng hệ thống phổ biến thông tin, dữ liệu thống kê có khả năng khai thác, tùy biến và trực quan hóa.

4. Xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số trong hệ thống tổ chức thống kê nhà nước

a) Xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm hệ thống hoạt động thông suốt, an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng trong hệ thống thống kê tập trung phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Nâng cấp, mở rộng và tối ưu hóa hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê và khai thác sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê.

- Xây dựng hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng.

- Sử dụng máy tính chuyên dùng hiệu năng cao, có khả năng tính toán song song, xử lý đồ họa, huấn luyện các mô hình máy học, phân tích dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất thông tin thống kê.

b) Xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số công tác thống kê tại bộ, ngành và địa phương.

5. Thực hiện tư liệu hóa hoạt động thống kê và số hóa tài liệu, báo cáo thống kê phục vụ tiến trình chuyển đổi số trong hệ thống thống kê tập trung

a) Thực hiện tư liệu hoá các hoạt động thống kê dựa trên nền tảng số

b) Thực hiện số hóa tài liệu, báo cáo thống kê đang lưu trữ phục vụ tra cứu, khai thác nhanh chóng, thuận tiện và bảo quản tài liệu gốc an toàn

6. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo nâng cao năng lực người làm công tác thống kê về công tác tư liệu hóa và chuyển đổi số

a) Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong công tác thống kê.

b) Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác thống kê, đào tạo đội ngũ kỹ thuật, trong đó chú trọng đội ngũ nòng cốt về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp nâng cao nhận thức về tư liệu hóa và chuyển đổi số

a) Thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến rộng rãi và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số cho đội ngũ công chức, viên chức trong hệ thống tổ chức thống kê nhà nước.

b) Tổ chức tập huấn để hướng dẫn, phổ biến thông tin về kỹ năng số, bao gồm: kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu trên không gian mạng, kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng, sử dụng các dịch vụ số.

c) Lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tiềm năng, lợi ích và sự cần thiết sử dụng dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn, dữ liệu mở trong tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê.

2. Giải pháp về hoàn thiện phương pháp chế độ, quy trình sản xuất thông tin thống kê và công tác tư liệu hóa

a) Xây dựng văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện tư liệu hoá, chuyển đổi số trong hoạt động thống kê đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

b) Xây dựng và chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ chi tiết sản xuất thông tin thống kê, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số.

c) Xây dựng quy trình tư liệu hóa và số hoá tài liệu trong hoạt động thống kê; chuyển đổi thông tin số hóa thành các cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu phục vụ tra cứu và khai thác.

d) Xây dựng quy định thông số kỹ thuật máy tính chuyên dùng đáp ứng yêu cầu xử lý dữ liệu lớn và khoa học về khai phá dữ liệu phục vụ công tác thống kê.

3. Giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tạo nền tảng cho tư liệu hóa và chuyển đổi số

a) Ứng dụng nền tảng giải pháp số hoá tài liệu thông minh cho các hoạt động thống kê; kế thừa và chuyển đổi dữ liệu hiện có để quản lý, khai thác đồng bộ trên môi trường số.

b) Ứng dụng các công nghệ hiện đại để xây dựng thư viện số, các tài liệu số hóa được tạo lập để tìm kiếm và sử dụng dễ dàng trên một giao diện đồng nhất; có khả năng trao đổi dữ liệu với các chuẩn khác, có công cụ sao lưu; bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu.

c) Ứng dụng các công nghệ hiện đại mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin, kế thừa hạ tầng công nghệ thông tin hiện có để tiết kiệm chi phí.

d) Lựa chọn các công nghệ thông minh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu thống kê.

đ) Ứng dụng công nghệ ảo hóa, công nghệ điện toán đám mây để triển khai các hệ thống thông tin; ứng dụng công nghệ học máy, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, chuỗi khối, xử lý ngôn ngữ tự nhiên ... trong khai thác dữ liệu, sản xuất thông tin thống kê và lưu trữ, quản lý dữ liệu. Ứng dụng công nghệ tương tác trong cung cấp dịch vụ thống kê,...

e) Phát triển các công cụ dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương để tiết kiệm chi phí đầu tư.

4. Giải pháp về cung cấp sản phẩm và dịch vụ thống kê

a) Thực hiện đa dạng các hình thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ thống kê theo nhu cầu của xã hội.

b) Xây dựng các công cụ hỗ trợ cung cấp sản phẩm và dịch vụ thống kê bảo đảm dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng.

5. Giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

a) Xây dựng nội dung, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật về thống kê, công nghệ thông tin đáp ứng các nhiệm vụ tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hoạt động thống kê.

b) Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về cách mạng số, tư liệu hóa và chuyển đổi số hoạt động thống kê.

6. Giải pháp về phối hợp, hợp tác với các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, các quốc gia và tổ chức quốc tế

a) Phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong việc thống nhất quy trình nghiệp vụ thống kê, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống thông tin, quản trị dữ liệu và khai thác thông tin thống kê.

b) Khảo sát học tập kinh nghiệm tại các quốc gia có hệ thống thống kê tiên tiến đã có nhiều thành tựu trong việc sử dụng dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn, dữ liệu mở cho công tác thống kê. Phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan thống kê quốc gia tổ chức và tham gia hội thảo trong nước và ngoài nước về tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hoạt động thống kê.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bao gồm:

1. Ngân sách nhà nước (nguồn chi thường xuyên và nguồn chi đầu tư phát triển) theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

2. Các nguồn tài trợ, viện trợ và kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Thống kê

Tổng cục Thống kê có trách nhiệm chủ trì thực hiện các nội dung, chương trình chung của Đề án; thực hiện xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, dự án tại Phụ lục kèm theo Quyết định này và các nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Chủ trì xây dựng Khung kế hoạch tổng thể thực hiện các nội dung của Đề án; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

c) Tổng hợp kế hoạch thực hiện Đề án của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung Đề án nếu cần thiết; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền kết quả thực hiện Đề án.

d) Huy động nguồn lực trong và ngoài nước thực hiện Đề án; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện Đề án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

2. Tổ chức thống kê bộ, ngành

a) Xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án tại bộ, ngành theo Khung kế hoạch tổng thể triển khai Đề án trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành.

b) Thực hiện các nội dung có liên quan của Đề án thuộc phạm vi bộ, ngành phụ trách.

c) Báo cáo cấp có thẩm quyền huy động nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Đề án tại đơn vị.

d) Hằng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện Đề án tại cơ quan, đơn vị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp chung.

3. Cơ quan thống kê cấp tỉnh

a) Xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án tại địa phương theo Khung kế hoạch tổng thể triển khai Đề án trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành triển khai các nhiệm vụ có liên quan thuộc Đề án tại địa phương.

c) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.

d) Hằng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện Đề án tại địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp chung.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Thủ trưởng Tổ chức thống kê bộ, ngành, Thủ trưởng cơ quan thống kê địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 
Nơi nhận:
- Thủ tướng (để báo cáo);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
 - Lưu: VT, TCTK (5b).

BỘ TRƯỞNG




 Nguyễn Chí Dũng



PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số 2110/QĐ-BKHĐT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

STT

Nhiệm vụ/dự án

Mục tiêu

Kết quả dự kiến

Năm hoàn thành

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Nguồn kinh phí

1

Xây dựng quy định tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ liên quan tới tư liệu hóa và chuyển đổi số trong ngành thống kê

Hoàn thiện quy trình và cơ chế cần thiết cho chuyển đổi số ngành thống kê

(1) Xây dựng quy định, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thống kê

(2) Các khóa đào tạo, tuyên truyền về nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số trong hoạt động thống kê

(3) Cập nhật kiến trúc tổng thể ngành Thống kê

- Năm 2026: hoàn thành chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ và cập nhật kiến trúc tổng thể ngành Thống kê

- Năm 2030: hoàn thiện quy định, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thống kê phục vụ chuyển đổi số

Tổng cục Thống kê

Bộ, ngành

Chi thường xuyên hàng năm

2

Số hóa, tư liệu hóa hoạt động thống kê; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thư viện điện tử và dịch vụ thống kê

Hình thành, cập nhật dữ liệu thống kê/thông tin quản lý hoạt động thống kê theo chuỗi thời gian từ quá khứ đến nay; thống nhất thực hiện hướng dẫn thực hiện tư liệu hóa phục vụ nâng cao chất lượng thông tin thống kê và nâng cao hiệu quả hoạt động thống kê

(1) Tài liệu hướng dẫn thực hiện tư liệu hóa hoạt động thống kê

(2) Cơ sở dữ liệu/thông tin thống kê theo chuỗi thời gian; cơ sở dữ liệu về tài liệu liên quan công tác quản lý hoạt động thống kê

(3) Tư liệu hóa hóa hoạt động thống kê (xây dựng tài liệu về quá trình chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ, lưu trữ, phổ biến và sử dụng các tài liệu này)

(4) Thư viện điện tử

(5) Danh mục và ứng dụng cung cấp sản phẩm và dịch vụ thống kê

-Năm 2025: hoàn thành kết quả 1,4,5; thực hiện kết quả 2 3

- Năm 2030: hoàn thành kết quả 2,3

Tổng cục Thống kê

Bộ, ngành; địa phương

Chi thường xuyên hàng năm

3

Xây dựng quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ quá trình chuyển đổi dữ liệu hành chính thành dữ liệu thống kê

Thống nhất quy trình khai thác, sử dụng dữ liệu hành chính cho công tác thống kê; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ thuật ứng dụng trong việc chuyển từ dữ liệu hành chính sang thông tin thống kê

(1) Danh mục các dữ liệu hành chính sử dụng cho công tác thống kê (kèm các thông tin được sử dụng và đầu ra tính toán các chỉ tiêu)

(2) Hướng dẫn quy trình nghiệp vụ sử dụng dữ liệu hành chính cho thông tin thống kê; công nghệ khai thác, xử lý dữ liệu hành chính

(3) Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo việc chuyển đổi tự động dữ liệu hành chính từ bộ, ngành và địa phương đến TCTK và hệ thống xử lý thông tin của dữ liệu hành chính cho việc tính toán các chỉ tiêu thống kê

- Năm 2025: hoàn thành kết quả 3; thực hiện kết quả 1,2

- Năm 2030: hoàn thành kết quả 1,2

Tổng cục Thống kê

Bộ, ngành; địa phương

Chi thường xuyên hàng năm

4

Nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu lớn cho thông tin thống kê; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để thu thập và xử lý dữ liệu

Xác định được các loại thông tin có thể khai thác từ dữ liệu lớn và quy trình khai thác sử dụng; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ thuật ứng dụng trong việc chuyển từ dữ liệu lớn sang thông tin thống kê

(1) Xây dựng danh mục các thông tin cần khai thác từ nguồn dữ liệu lớn phục vụ thống kê chính thức tại Việt Nam

(2) Hướng dẫn quy trình nghiệp vụ sử dụng dữ liệu lớn cho việc tính toán các chỉ tiêu thống kê cụ thể

(3) Hướng dẫn công nghệ tiếp cận, khai thác, xử lý dữ liệu lớn thành dữ liệu thống kê

(4) Hạ tầng công nghệ thông tin được mở rộng đảm bảo việc tiếp cận dữ liệu lớn, khai thác, xử lý, chuyển đổi dữ liệu lớn sang thông tin thống kê

- Năm 2027: hoàn thành kết quả 4; thực hiện kết quả 1,2,3 

- Năm 2030: hoàn thành kết quả 1,2

Tổng cục Thống kê

Bộ, ngành

Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026- 2030

5

Chuyển đổi số trong hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu và biên soạn các sản phẩm thống kê

Tận dụng tối đa lợi thế công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các công đoạn của quy trình sản xuất thông tin thống kê từ thu thập, xử lý, tổng hợp và biên soạn báo cáo giúp nâng cao chất lượng thông tin, mở rộng phạm vi thông tin cung cấp đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, kịp thời

(1) Ứng dụng các phương pháp điều tra thống kê công nghệ mới trong thu thập thông tin (CATI, ACASI, IoT, AI,...)

(2) Ứng dụng công nghệ mới trong kiểm tra, xử lý dữ liệu và tích hợp dữ liệu từ khâu thu thập ban đầu đến dữ liệu được làm sạch phục vụ biên soạn báo cáo

(3) Biên soạn, báo cáo, sản phẩm thống kê từ dữ liệu vi mô thống kê được thực hiện thông qua công nghệ và các phương pháp hiện đại đảm bảo số liệu kết quả đầu ra nhất quán với dữ liệu gốc, phân tích đa chiều, minh bạch và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; trong đó ứng dụng AI

- Năm 2025: hoàn thành kết quả 1,2; thực hiện kết quả 3

- Năm 2030: hoàn thành kết quả 3

Tổng cục Thống kê

 

Chi thường xuyên hàng năm

6

Xây dựng nền tảng tích hợp ứng dụng; nâng cấp, mở rộng hạ tầng ứng dụng CNTT ngành Thống kê

Xây dựng hạ tầng ứng dụng CNTT hiện đại phục vụ chuyển đổi số

(1) Xây dựng nền tảng tích hợp ứng dụng của ngành thống kê

(2) Nâng cấp, mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin, gồm:

- Hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu: (i) điều tra thống kê; (ii) tích hợp các nguồn dữ liệu và xử lý, phân tích thống kê (iii) phổ biến thông tin thống kê; (iv) công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động sản xuất thông tin thống kê; (v) cung cấp dịch vụ thống kê

- Giải pháp, hệ thống bảo vệ và giám sát an toàn, an ninh mạng

Đến năm 2030: củng cố hệ thống hạ tầng CNTT phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Trung tâm dịch vụ cung cấp cơ sở dữ liệu

Tổng cục Thống kê

 

Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026- 2030

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.