Open navigation

Công văn 684/TCT-DNNCN ngày 27/02/2024 Chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản bảo hiểm bắt buộc đóng tại nước ngoài

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 684/TCT-DNNCN

V/v Chính sách thuế TNCN đối với các khoản bảo hiểm bắt buộc đóng tại nước ngoài

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2024

 

Kính gửi:

- Công ty TNHH SumiRiko Việt Nam
 - Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc

Về chính sách thuế TNCN đối với các khoản bảo hiểm bắt buộc đóng tại nước ngoài, ngày 29/12/2023, Tổng cục Thuế đã có công văn số 6002/TCT-DNNCN trả lời Công ty TNHH SumiRiko Việt Nam. Trên cơ sở giải trình của Công ty tại công văn số 2024/0101 SRK-V-ACC ngày 09/01/2024 về các khoản bảo hiểm bắt buộc mà cá nhân đóng tại nước ngoài, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về thuế TNCN

- Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 65/65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định:

“Điều 6. Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công

1. Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công quy định tại Điều 7 và Điều 11 Nghị định này trừ (-) các khoản dưới đây:

a) Các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, Quỹ hưu trí tự nguyện.

Mức đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế quy định tại Khoản này tối đa không quá một triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

Trường hợp cá nhân cư trú tại Việt Nam nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân đóng các loại bảo hiểm này như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập tính thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công.”

- Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“Điều 9. Các khoản giảm trừ

2. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

a) Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc

...

c) Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có) thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết toán thuế.”

- Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC) quy định:

“Điều 1. Người nộp thuế

...Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.”

2. Về BHXH

- Điều 1 và Điều 2, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;...”

- Điều 1, Điều 2 và Điều 3, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo các điều, khoản sau đây của Bộ luật Lao động:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (sau đây viết tắt là người lao động nước ngoài) theo các hình thức sau đây:

...

b) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;...

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.”

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp ông Kimata Shigeo là cá nhân cư trú tại Việt Nam được cử sang Việt Nam làm việc theo diện lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài, đã đóng các khoản phí bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân mang quốc tịch tương tự như các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN tại Việt Nam.

Đề nghị Cục Thuế hướng dẫn Công ty cung cấp đầy đủ hồ sơ và áp dụng thực hiện pháp luật thuế theo đúng quy định.

Tổng Cục Thuế thông báo để Công ty TNHH SumiRiko Việt Nam và Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc được biết./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Mai Sơn (để b/c);
- Vụ PC HTQT (TCT);
- Website TCT;
 - Lưu: VT, DNNCN.

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ QLT DNNVV VÀ HKD,CN
PHÓ VỤ TRƯỞNG




 Nguyễn Quý Trung

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.