Open navigation

Công văn 1110/HQHCM-GSQL ngày 20/04/2020 Thủ tục hải quan và chính sách thuế đối với mặt hàng túi nylon tạm nhập - tái xuất

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
TP. HỒ CHÍ MINH
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1110/HQHCM-GSQL

V/v thủ tục hải quan cho mặt hàng túi nylon tạm nhập - tái xuất

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 4 năm 2020

Kính gửi: Công ty TNHH TM SX Bao Bì Mai Thư
 Địa chỉ: 24 Trương Quốc Dung, Phường 8, Quận 3, TP Hồ Chí Minh

Ngày 18/4/2020, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhận được công văn số 02/MT-TUI của Công ty TNHH TM SX Bao Bì Mai Thư về việc thủ tục hải quan và chính sách thuế đối với mặt hàng túi nylon tạm nhập - tái xuất, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh có ý kiến như sau:

1. Về thủ tục hải quan: Căn cứ Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương thì “Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các quy định sau:

a) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Mục 2 Chương này.

b) Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

c) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan.

2. Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

3. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra khỏi Việt Nam. Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định.

Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ để tái xuất thì thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan.

4. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.

Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế..."

2. Về mã số tạm nhập- tái xuất: Căn cứ theo Thông tư 12/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

3. Về chính sách thuế: Căn cứ Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong đó quy định về việc “Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất”.

Thuế bảo vệ môi trường thực hiện theo Điều 4, Luật số 57/2010/QH12 của Quốc hội, quy định về đối tượng không chịu thuế như sau:

...“2. Hàng hóa quy định tại Điều 3 của Luật này không chịu thuế bảo vệ môi trường trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo quy định của pháp luật, bao gồm hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam; hàng hóa quá cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc thỏa thuận giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật;...”

Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu các quy định trên để thực hiện.

Trân trọng./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục trưởng (để b/c);
- Các đ/c Cục phó (để b/c);
 - Lưu: VT, GSQL.Khoa(3b).

TL. CỤC TRƯỞNG
TRƯỞNG PHÒNG




 Lê Xuân Mỹ

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.