Open navigation

Quyết định 1068/QĐ-BTTTT ngày 16/06/2023 Khung tiêu chí thành lập Hội đồng và quy trình xác định thí điểm nền tảng số phục vụ người dân năm 2023

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1068/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2023

 QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KHUNG TIÊU CHÍ, THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG VÀ QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH THÍ ĐIỂM NỀN TẢNG SỐ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN NĂM 2023

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày 26/7/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 578/QĐ-BTTTT ngày 30/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung tiêu chí, thành lập Hội đồng và quy trình xác định thí điểm nền tảng số phục vụ người dân năm 2022;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Áp dụng Khung tiêu chí xác định thí điểm nền tảng số phục vụ người dân ban hành tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 578/QĐ-BTTTT ngày 30/3/2022 đối với các nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân (gọi tắt là nền tảng số phục vụ người dân) năm 2023.

Chi tiết Khung tiêu chí tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Hội đồng đánh giá xác định thí điểm nền tảng số phục vụ người dân thành lập theo Quyết định số 578/QĐ-BTTTT ngày 30/3/2022 có trách nhiệm xác định nền tảng số phục vụ người dân năm 2023.

Chi tiết thành phần Hội đồng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Hội đồng, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng, quy trình xác định nền tảng số có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân năm 2023 tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các thành viên Hội đồng tại Điều 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Cổng TTĐT Bộ;
 - Lưu: VT, KTS&XHS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Huy Dũng



PHỤ LỤC I

KHUNG TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH NỀN TẢNG SỐ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN NĂM 2023
(kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-BTTTT ngày 16/6/2023 của Bộ trưởng Bộ TTTT)

I. Tiêu chí cơ bản

1. Tiêu chí đánh giá tư cách pháp nhân và năng lực tổ chức, doanh nghiệp

1.1. Thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam: Đạt/Không Đạt.

1.2. Có trụ sở chính đặt tại Việt Nam: Đạt/Không Đạt.

1.3. Có cung cấp thông tin về tỷ lệ sở hữu: Đạt/Không Đạt.

1.4. Có cung cấp thông tin về năng lực tài chính, kinh doanh: Đạt/Không Đạt.

Bao gồm:

- Vốn điều lệ.

- Doanh thu 3 năm gần nhất.

- Lợi nhuận 3 năm gần nhất.

1.5. Có cung cấp thông tin về năng lực nhân sự: Đạt/Không Đạt.

Bao gồm:

- Tổng số lao động chuyên môn CNTT.

- Tổng số lao động.

2. Tiêu chí đánh giá về chức năng và tính năng của nền tảng

2.1. Có chức năng, tính năng phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và định hướng chuyển đổi số năm 2023: Đạt/Không Đạt.

2.2. Có đầy đủ các đặc trưng của nền tảng: Đạt/Không Đạt.

Bao gồm:

- Có sử dụng hạ tầng điện toán đám mây.

- Có cung cấp chức năng như là dịch vụ (as-a-service).

- Có khả năng tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu mà không cần chỉnh sửa mã nguồn.

2.3. Có hoặc có tiềm năng đáp ứng nhu cầu phổ biến của người dân (số lượng người sử dụng tiềm năng từ 1 triệu người trở lên): Đạt/Không Đạt.

2.4. Có khả năng đáp ứng khi quy mô người dùng tăng trưởng đột biến thông qua việc chỉ cần tăng năng lực hạ tầng mà không cần phải chỉnh sửa thiết kế, kiến trúc hoặc mã nguồn: Đạt/Không Đạt.

3. Tiêu chí đánh giá về an toàn, an ninh mạng

3.1. Có Hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt và có cam kết kế hoạch, lộ trình triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ không quá 03 tháng: Đạt/Không đạt.

3.2. Tuân thủ quy định về bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng: Đạt/Không Đạt.

3.3. Tuân thủ quy định về lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng: Đạt/Không Đạt.

II. Tiêu chí đặc thù

Trong trường hợp cần có tiêu chí đặc thù với từng lĩnh vực nền tảng số để phục vụ yêu cầu đánh giá, Hội đồng thống nhất đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố công khai.



PHỤ LỤC II

THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG, NHIỆM VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG, NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG, QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH NỀN TẢNG SỐ CÓ KHẢ NĂNG TRIỂN KHAI RỘNG KHẮP PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN NĂM 2023

(kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-BTTTT ngày 16/6/2023 của Bộ trưởng Bộ TTTT)

I. Thành phần Hội đồng đánh giá xác định thí điểm nền tảng số phục vụ người dân năm 2023 (sau đây gọi tắt là Hội đồng)

1. Hội đồng gồm các thành viên sau:

a) Chủ tịch Hội đồng: Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.

b) Các Ủy viên Hội đồng, gồm:

- Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia;

- Cục trưởng Cục An toàn thông tin;

- Đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế;

- Đại diện Lãnh đạo Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam;

- Đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số;

- Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ;

- Đại diện Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông;

- Đại diện Hội Tin học Việt Nam;

- Đại diện Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam;

- Đại diện Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam;

- Đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam;

- Mời đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.

c) Tổ thư ký giúp việc:

- Tổ trưởng: Đại diện Lãnh đạo Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.

- Thành viên: các cán bộ công chức, viên chức thuộc các đơn vị có đại diện Lãnh đạo là thành viên Hội đồng và một số công chức khác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia theo yêu cầu của Hội đồng.

d) Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm bố trí các điều kiện làm việc cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu của Hội đồng.

2. Vụ Kinh tế số và Xã hội số là cơ quan điều phối chung có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan thường trực Hội đồng triển khai đánh giá các nền tảng số phục vụ người dân; Tổng hợp kết quả đánh giá, thực hiện các thủ tục trình Lãnh đạo Bộ công nhận.

II. Nhiệm vụ và trách nhiệm của Hội đồng

1. Nhiệm vụ của Hội đồng:

a) Căn cứ Khung tiêu chí xác định thí điểm nền tảng số phục vụ người dân tại Phụ lục I và tính chất, đặc điểm đặc thù của nền tảng số được đánh giá, trên cơ sở tham khảo ý kiến của doanh nghiệp nòng cốt phát triển nền tảng số tương ứng để xác định tiêu chí đặc thù trong trường hợp cần thiết. Trong trường hợp đề xuất bổ sung tiêu chí đặc thù, gửi Vụ Kinh tế số và Xã hội số trình Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt để triển khai.

b) Thực hiện đánh giá, báo cáo kết quả, đề nghị công nhận các nền tảng số phục vụ người dân để Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét công nhận nền tảng số phục vụ người dân theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng:

a) Điều hành hoạt động của Hội đồng đánh giá. Mời đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan của từng nền tảng tham gia đánh giá. Phân công các thành viên Hội đồng và tổ thư ký giúp việc triển khai nhiệm vụ của Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tổ chức hoạt động và kết quả đánh giá của Hội đồng.

b) Chỉ đạo cơ quan thường trực của Hội đồng chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp có nền tảng số được đánh giá, đơn vị đầu mối thúc đẩy phát triển nền tảng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp các thông tin, dữ liệu về nền tảng số, báo cáo Hội đồng để phục vụ công tác đánh giá nền tảng số.

c) Trình Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, đồng thời gửi Vụ Kinh tế số và Xã hội số thực hiện thủ tục công nhận nền tảng số phục vụ người dân căn cứ theo kết quả đánh giá.

3. Trách nhiệm của các Ủy viên Hội đồng:

a) Thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng theo phân công của Chủ tịch Hội đồng.

b) Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng đánh giá; trao đổi, đóng góp ý kiến về các nội dung đánh giá đối với các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình; biểu quyết các kết luận của Hội đồng đánh giá khi cần thiết. Trong trường hợp đặc biệt không thể tham dự các cuộc họp của Hội đồng, Ủy viên Hội đồng đánh giá phải có ý kiến bằng văn bản gửi tới Hội đồng đánh giá hoặc ủy quyền cho người đại diện tham dự. Ý kiến của đại diện được ủy quyền được coi là ý kiến của Ủy viên đó trong Hội đồng.

c) Thành viên Hội đồng là Lãnh đạo Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số có trách nhiệm thực hiện thẩm tra nền tảng số về tư cách pháp nhân và năng lực tổ chức, doanh nghiệp; có báo cáo thẩm tra gửi Hội đồng để có căn cứ xem xét đánh giá nền tảng.

d) Thành viên Hội đồng là Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia có trách nhiệm thực hiện thẩm tra nền tảng số về chức năng và tính năng của nền tảng số; có báo cáo thẩm tra gửi Hội đồng để có căn cứ xem xét đánh giá nền tảng số;

đ) Thành viên Hội đồng là Cục trưởng Cục An toàn thông tin có trách nhiệm thẩm tra nền tảng số về bảo đảm an toàn, an ninh mạng của nền tảng số; có báo cáo thẩm tra gửi Hội đồng để có căn cứ xem xét đánh giá nền tảng số.

4. Trách nhiệm của Tổ thư ký giúp việc:

Thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng theo phân công của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng.

Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng khi được triệu tập.

III. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng

1. Hội đồng đánh giá làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận công khai, quyết định theo đa số để thống nhất kết quả cho từng nền tảng số.

2. Các Ủy viên Hội đồng và thành viên Tổ Thư ký giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng đánh giá trong phạm vi nhiệm vụ được phân công.

3. Kinh phí cho hoạt động của Hội đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

III. Quy trình xác định nền tảng số có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân năm 2023

1. Bộ Thông tin và Truyền thông công bố công khai các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá về nền tảng số phục vụ người dân tới các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.

2. Tổ chức, doanh nghiệp chủ động tham gia gửi văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Vụ Kinh tế số và Xã hội số) kèm theo hồ sơ chứng minh phù hợp với Khung tiêu chí tại Phụ lục I.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Kinh tế số và Xã hội số) tiếp nhận hồ sơ chứng minh sự phù hợp của tổ chức, doanh nghiệp, rà soát tính đầy đủ của hồ sơ.

4. Hội đồng thực hiện trách nhiệm và nhiệm vụ và gửi báo cáo kết quả đề nghị công nhận đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

5. Vụ Kinh tế số và Xã hội số tổng hợp kết quả, thực hiện các thủ tục trình Bộ trưởng phê duyệt kết quả công nhận.

III. Gia hạn các nền tảng số phục vụ người dân đã được công nhận đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022

1. Các nền tảng số đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân đã được công nhận trong năm 2022 được gia hạn không quá 01 lần, thời gian gia hạn không quá 01 năm và được công nhận là Nền tảng số đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân năm 2023.

2. Điều kiện gia hạn: Nền tảng số duy trì sự đáp ứng Khung tiêu chí quy định tại Phụ lục I.

3. Hồ sơ gia hạn: Văn bản đề nghị gia hạn của chủ quản/chủ sở hữu nền tảng số kèm theo báo cáo kết quả quá trình triển khai nền tảng số trong thời gian được công nhận; cam kết việc duy trì đáp ứng Khung tiêu chí quy định tại Phụ lục I; cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong việc phát triển nền tảng; chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của thông tin trong văn bản đề nghị và các tài liệu kèm theo.

4. Quy trình gia hạn:

a) Chủ quản/chủ sở hữu nền tảng số gửi văn bản đề nghị gia hạn kèm theo báo cáo kết quả quá trình triển khai nền tảng số trong thời gian được công nhận; cam kết việc duy trì đáp ứng Khung tiêu chí quy định tại Phụ lục I; cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong việc phát triển nền tảng; chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của thông tin trong văn bản đề nghị và các tài liệu kèm theo.

b) Vụ Kinh tế số và Xã hội số tổng hợp, trình báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét quyết định việc gia hạn và thực hiện các thủ tục khác có liên quan.

5. Trong thời gian được công nhận là Nền tảng số đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân năm 2023 nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu không duy trì sự đáp ứng Khung tiêu chí quy định tại Phụ lục I, Hội đồng đánh giá có quyền yêu cầu chủ quản/chủ sở hữu nền tảng giải trình, chứng minh sự đáp ứng Khung tiêu chí quy định tại Phụ lục I; nếu chủ quản/chủ sở hữu nền tảng không giải trình, chứng minh được sự đáp ứng Khung tiêu chí thì Hội đồng báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi công nhận đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân năm 2023 của nền tảng số.

6. Sau khi đã được gia hạn 01 lần, các nền tảng số được công nhận đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân trong các năm phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục đánh giá, công nhận nếu có nhu cầu được tiếp tục công nhận là nền tảng số đạt tiêu chí Nền tảng số phục vụ người dân trong các năm tiếp theo.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.