Open navigation

Công văn 02/CT-BTC Hội nhập trong lĩnh vực tài chính năm 2016


BỘ TÀI CHÍNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 02/CT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2016


CHỈ THỊ


VỀ VIỆC HỘI NHẬP TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH NĂM 2016


Năm 2015 đánh dấu mốc chủ động thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của ngành tài chính nói riêng. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng các nước ASEAN tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhiều lĩnh vực thuộc ngành tài chính đã đưa vào cam kết và phải được triển khai thực hiện nghiêm túc như: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuận lợi hóa thương mại và hải quan, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế. Những nội dung này có tác động không nhỏ đến yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính cũng như cân đối tài khóa trong dài hạn.


Triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW, Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 7 tháng 1 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, để chủ động xây dựng chính sách thực thi cam kết, kịp thời thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội của hội nhập, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tài chính tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:


  1. Tiếp tục nâng cao và thống nhất nhận thức của toàn thể các đơn vị thuộc Bộ từ trung ương đến địa phương về các yêu cầu, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 và các năm tiếp theo nhằm hoàn thiện thể chế tài chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm; tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.


  2. Xây dựng lộ trình thực thi nghiêm túc các cam kết trong lĩnh vực Tài chính


    1. Về việc thực thi cam kết hài hòa về thuế quan trong ASEAN: Hoàn thành việc xây dựng Biểu chuyển đổi theo Danh mục Biểu thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) từ AHTN 2012 sang AHTN 2017. Trên cơ sở đó, rà soát các cam kết thuế trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do để trình cấp có thẩm quyền ban hành Biểu thuế ưu đãi; các Biểu thuế ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa (ATIGA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), ASEAN - Hàn Quốc (AKPTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), ASEAN - Úc - Niu-di-lân (AANZFTA), ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Việt Nam -Chi lê (VCFTA), Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (VNEAEUFTA) và tiến hành chuyển đổi các biểu cam kết thuế trong TPP và EU sang AHTN 2017.


    2. Về thuế xuất khẩu: Xây dựng lộ trình biểu cam kết về thuế xuất khẩu trong Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, Hiệp định TPP và nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý đối với hàng xuất khẩu để có thể áp dụng thuế xuất khẩu riêng cho các đối tác có cam kết về thuế xuất khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.


    3. Về lĩnh vực bảo hiểm: Tiếp tục triển khai, hoàn thiện các chính sách để thực hiện các cam kết về dịch vụ bảo hiểm trong các Hiệp định thương mại của Việt Nam, hoàn thiện các quy định quản lý, giám sát, quản trị doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm.


    4. Về lĩnh vực chứng khoán: Tiếp tục triển khai, hoàn thiện các chính sách để thực hiện các cam kết về dịch vụ chứng khoán trong các Hiệp định thương mại của Việt Nam, các quy định về giám sát cung cấp dịch vụ chứng khoán qua biên giới thuộc phạm vi cam kết, hướng tới phù hợp với các tiêu chuẩn trung bình của các nước ASEAN-4 về môi trường đầu tư vào thị trường chứng khoán, bảo đảm sự phát triển ổn định, vững chắc của thị trường chứng khoán.


    5. Về lĩnh vực kế toán và kiểm toán: Hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Ủy ban giám sát Việt Nam đã được thành lập tại Quyết định số 761/QĐ-BTC ngày 23 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA). Xây dựng Báo cáo Đánh giá các Kiểm toán viên chuyên nghiệp xin đăng ký chức danh Kiểm toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPA).


    6. Về các dịch vụ khác do Bộ Tài chính quản lý bao gồm thẩm định giá, dịch vụ thuế..: Rà soát pháp luật và cam kết quốc tế, nghiên cứu để tư vấn chính sách về định hướng mở cửa thị trường, hướng tới thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động cung cấp dịch vụ ở tầm khu vực và quốc tế.


    7. Về lĩnh vực hải quan: Tiếp tục triển khai, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết về cơ chế một cửa quốc gia; chương trình thí điểm về một cửa ASEAN để từ đó tiến tới thực thi chính thức về một cửa ASEAN. Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu cải cách Hải quan theo tiêu chuẩn của các nước ASEAN-4 tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.


    8. Về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn cho đầu tư phát triển. Phối hợp với các Bộ ngành trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; khẩn trương rà soát cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và các Hiệp định thương mại tự do mới như TPP và EU đối với Doanh nghiệp nhà nước. Củng cố và hoàn thiện cơ chế minh bạch hóa đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành liên quan để nghiên cứu và nội luật hóa các cam kết khác trong TPP và EU về doanh nghiệp nhà nước.


    9. Về mua sắm công (Mua sắm Chính phủ): Phối hợp với các Bộ ngành để rà soát cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mới như TPP và EU, nhằm tham gia ý kiến xây dựng văn bản pháp luật phù hợp với cam kết quốc tế, đặc biệt phục vụ quá trình sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản công.


    10. Về xử lý tranh chấp: Tăng cường năng lực, hoàn thiện tổ chức bộ máy xử lý về các vấn đề về pháp luật quốc tế và các vụ tranh chấp thương mại nhằm ứng phó kịp thời khi phát sinh các vụ kiện. Nghiên cứu đề xuất, phối hợp với các Bộ ngành xây dựng quy trình về cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà đầu tư kiện Nhà nước (ISDS), trong đó có nội dung cam kết thuộc Hiệp định TPP để chuẩn bị cho việc thực hiện cam kết trong lĩnh vực tài chính.


    11. Về hoàn thiện khung pháp lý: Bổ sung chương trình xây dựng pháp luật của ngành Tài chính và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV và Nghị định của Chính phủ trong năm 2016.


    12. Về quản lý nợ công: Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm không vượt giới hạn cho phép và giữ vững an toàn tài chính quốc gia.


  3. Tăng cường theo dõi và đánh giá tác động hội nhập để kịp thời đề xuất cơ chế chính sách


    1. Đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập đối với vấn đề thu ngân sách nhà nước để kịp thời đề xuất các giải pháp, cải cách về thuế và hải quan nhằm đảm bảo cân đối ngân sách; đề xuất các giải pháp bổ sung để thực hiện Chiến lược Tài chính, Chiến lược thuế và các chiến lược khác.


    2. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về theo dõi thương mại của Việt Nam, theo dõi diễn biến xuất nhập khẩu của các nhóm mặt hàng chính theo từng thị trường định kỳ hàng tháng, phát hiện các thị trường xuất khẩu tiềm năng tại các khu vực khác nhau và công bố rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp.


    3. Định kỳ hàng Quý đánh giá tác động của việc thực hiện FTA tới diễn biến nhập khẩu và mức độ áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định FTA để tham mưu báo cáo Bộ có các giải pháp quản lý kịp thời như về điều chỉnh thuế suất, đề xuất áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tăng cường chống gian lận thương mại.


    4. Xây dựng chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế, các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.


    5. Tăng cường theo dõi biến động về thị trường dịch vụ tài chính, sự dịch chuyển về đầu tư giữa các đối tác trong các FTA để có giải pháp kịp thời. Thúc đẩy áp dụng các chuẩn mực mới về giám sát tài chính; tích cực tham gia vào các cơ chế xây dựng khung pháp lý và chuẩn mực tài chính quốc tế.


    6. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các biện pháp quản lý thận trọng đối với thị trường tài chính, nhất là các giải pháp đối với việc chuẩn bị thực thi các cam kết trong các FTA thế hệ mới.


    7. Rà soát Hiệp định tránh đánh thuế trùng để theo dõi thực hiện và có các giải pháp chống gian lận thuế. Đẩy mạnh công tác đối ngoại để sớm thực hiện các Hiệp định thuế đã ký nhằm tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp.


    8. Cơ quan Tài chính địa phương chủ động rà soát các cơ chế tài chính hiện hành, kịp thời tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương để phát huy cơ hội phát triển và hạn chế tác động tiêu cực do mặt trái của hội nhập mang lại, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, và phấn đấu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4.


  4. Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 7 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 7 tháng 1 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030


    1. Chủ động xây dựng phương án đàm phán Hiệp định thương mại đã ký kết nhằm nâng cấp Hiệp định và tiếp tục mở rộng đàm phán các Hiệp định đang đàm phán như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại ASEAN-Hồng Công.


    2. Chủ động, tích cực tham gia điều chỉnh, xây dựng các quy tắc và luật lệ tại các tổ chức, diễn đàn mà Việt Nam là thành viên, trước hết là WTO.


    3. Nghiên cứu, đánh giá và có những bước chuẩn bị kỹ cho việc triển khai các cam kết trong Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại (TF) trong WTO.


    4. Chủ động, tích cực, nâng cao hiệu quả tham gia vào các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ APEC. Xây dựng phương án, phối hợp với các Bộ ngành và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các hội nghị liên quan trong khuôn khổ APEC 2017 của ngành Tài chính.


    5. Đẩy mạnh cải cách hành chính thuế và hải quan theo các chuẩn mực quốc tế trong khu vực như ASEAN-4 và một số chuẩn mực quốc tế khác.


    6. Thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác Hải quan với các nước, trong đó ưu tiên các đối tác quan trọng để chống gian lận thương mại, bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện các FTA.


    7. Chủ động tham gia các lĩnh vực hợp tác về thuế giữa các nước ASEAN và ký kết các Hiệp định thuế song phương với các nước nhằm tạo môi trường đầu tư ổn định và minh bạch.

    8. Tiếp tục thiết lập và củng cố các cơ chế đối thoại song phương để học tập kinh nghiệm quốc tế về các lĩnh vực tài chính với các đối tác chiến lược và đối tác quan trọng khác; chủ động và tích cực tham gia các hoạt động nhằm tăng cường tiếng nói và vị thế của Việt Nam tại các định chế kinh tế, tài chính tiền tệ khu vực và quốc tế.


    9. Tăng cường kết nối với các cơ quan nghiên cứu, giám sát về kinh tế vĩ mô khu vực để phát huy, tận dụng những ưu thế nghiên cứu và tư vấn chính sách của các cơ quan này vào kiến nghị và đề xuất chính sách trong nước.


    10. Xây dựng chương trình hành động ngành Tài chính nhằm cụ thể hóa công tác chuẩn bị và triển khai các cam kết hội nhập đạt hiệu quả cao.


  5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hội nhập tài chính


    1. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tài chính đến các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp.


    2. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại về các hoạt động của ngành Tài chính để góp phần thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội và thị trường tài chính.


    3. Các Hiệp hội nghề: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Tư vấn thuế (VTCA), Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hội thẩm định giá Việt Nam (VVA) đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các thành viên về các cam kết trong lĩnh vực Tài chính, thúc đẩy sự chủ động tham gia hiệu quả của doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Tài chính.


  6. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ


    1. Tăng cường khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực dưới hình thức hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, tư vấn chính sách, hỗ trợ đào tạo và tăng cường năng lực từ các đối tác song phương và đa phương.


    2. Thực hiện việc cử cán bộ của ngành Tài chính đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, có kim ngạch xuất khẩu cao, các tổ chức khu vực và quốc tế trong thời gian ngắn và trung hạn, để tăng cường năng lực và kinh nghiệm hội nhập tài chính, phục vụ quá trình hoạch định chính sách.


    3. Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ thông qua tham gia và chủ trì những nội dung đàm phán, hợp tác quốc tế về tài chính của ngành.


Nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách là hết sức nặng nề trong giai đoạn 2016-2018, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ từ Trung ương đến địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy truyền thống của ngành, của đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành kỷ luật kỷ cương, đoàn kết, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị này nhằm tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế, nâng cao chất lượng thể chế tài chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.


Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế định kỳ hàng quý báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện./.



Nơi nhận:

  • Lãnh đạo Bộ (để chỉ đạo);

  • Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính;

  • Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

  • Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI);

  • Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA);

  • Hội Tư vấn thuế (VTCA);

  • Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI);

  • Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA);

  • Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA);

  • Hội thẩm định giá Việt Nam (VVA);

  • Website Bộ Tài chính;

  • Lưu: VT, HTQT.

BỘ TRƯỞNG



Đinh Tiến Dũng

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.