BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2024/TT-BTC | Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2024 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN VỀ QUẢN LÝ VÀ KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ KẾ TOÁN
Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán;
Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn về quản lý và kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 292/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cập nhật kiến thức hàng năm cho kế toán viên hành nghề và người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (sau đây gọi là Thông tư số 292/2016/TT-BTC) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 292/2016/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều 3. Đối tượng cập nhật kiến thức
Đối tượng cập nhật kiến thức hàng năm là kế toán viên hành nghề và người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Đối với người mới được cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên, thì được đăng ký để hành nghề dịch vụ kế toán đến ngày 31 tháng 12 của năm sau năm được cấp chứng chỉ mà không bắt buộc phải cập nhật kiến thức, nhưng để đảm bảo điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán trong năm tiếp theo năm liền sau năm được cấp chứng chỉ, thì từ ngày 16 tháng 8 của năm được cấp chứng chỉ đến ngày 15 tháng 8 của năm liền sau năm được cấp chứng chỉ, người hành nghề phải có đủ giờ cập nhật kiến thức theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A được cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên ngày 23/4/20X0 thì Ông A không bắt buộc phải học cập nhật kiến thức để được hành nghề dịch vụ kế toán kể từ thời điểm được cấp chứng chỉ đến hết 15/8/20X0. Để tiếp tục duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán từ 1/1/20X2 đến 31/12/20X2 thì Ông A phải có đủ thời gian cập nhật kiến thức năm 20X1 (từ 16/8/20X0 đến 15/8/20X1) theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 292/2016/TT-BTC.”
b) Sửa đổi khoản 1 Điều 4 như sau:
“1. Về nội dung cập nhật kiến thức:
a) Các quy định của pháp luật về kế toán, thuế của Việt Nam; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán; kinh nghiệm thực hành kế toán; chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
b) Các quy định của pháp luật có liên quan về kinh tế, tài chính, kiểm toán; kỹ năng quản lý; chuẩn mực kiểm toán quốc tế; các kiến thức và thông tin khác liên quan đến nghề nghiệp.”
c) Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 12 như sau:
“b) Có đơn xin hoãn cập nhật kiến thức theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05/CNKT ban hành kèm theo Thông tư này và gửi Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính chậm nhất là ngày 30 tháng 9 hằng năm.”
d) Sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 14 như sau:
“đ) Bảng theo dõi điểm danh có chữ ký của từng học viên tham gia học hoặc ảnh chụp việc học viên có tham gia học hoặc bảng kết quả điểm danh hoặc thông tin theo dõi quá trình theo học của học viên.”
đ) Sửa đổi khoản 3 Điều 15 như sau:
“3. Tổ chức các lớp học với số lượng tối thiểu 10 học viên và không quá 200 học viên/lớp và theo dõi, điểm danh đầy đủ đối với các học viên tham gia lớp học.”
e) Sửa đổi khoản 6 Điều 15 như sau:
“6. Cấp giấy chứng nhận cho học viên đã tham gia cập nhật kiến thức sau mỗi lớp học hoặc sau các lớp học cập nhật kiến thức, trong đó ghi rõ tên đơn vị tổ chức lớp học, tên người học, số chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên, chuyên đề học, thời gian tổ chức lớp học, số lượng giờ học thực tế; cấp giấy xác nhận cho kế toán viên hoặc kiểm toán viên tham gia giảng dạy các lớp cập nhật kiến thức sau mỗi lớp học hoặc sau các lớp học cập nhật kiến thức, trong đó ghi rõ họ tên giảng viên, số chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên, chuyên đề đã giảng, thời gian giảng, số lượng giờ giảng theo từng chuyên đề giảng dạy.”
2. Thay thế một số cụm từ, Phụ lục của Thông tư số 292/2016/TT-BTC như sau:
a) Thay thế cụm từ “Bộ Tài chính” thành cụm từ “Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính” tại khoản 3 Điều 7; Điều 9; điểm c khoản 5 Điều 11; Điều 12; điểm a khoản 1 Điều 14; Điều 15; Điều 17; Điều 18.
b) Thay thế cụm từ “10 ngày làm việc” thành cụm từ “10 ngày” tại khoản 3 Điều 7; Điều 9.
c) Thay thế cụm từ “3 ngày” thành cụm từ “3 ngày làm việc” tại khoản 2 Điều 15.
d) Thay thế cụm từ “Bộ Tài chính (Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán)” thành cụm từ “Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính” tại Phụ lục số 01/CNKT, Phụ lục số 05/CNKT ban hành kèm theo Thông tư số 292/2016/TT-BTC.
đ) Thay thế cụm từ “pháp luật kế toán, thuế của Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp về kế toán” thành cụm từ “pháp luật kế toán, thuế của Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kinh nghiệm thực hành kế toán, chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế” tại Phụ lục số 05/CNKT ban hành kèm theo Thông tư số 292/2016/TT-BTC.
e) Thay thế Phụ lục số 02/CNKT ban hành kèm theo Thông tư số 292/2016/TT-BTC bằng Phụ lục số 02/CNKT ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Bãi bỏ một số điều của Thông tư số 292/2016/TT-BTC như sau:
a) Khoản 2 Điều 5.
b) Khoản 7 Điều 11.
c) Khoản 4 Điều 13.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bỏ, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 296/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về cấp, thu hồi và quản lý Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (sau đây gọi là Thông tư số 296/2016/TT-BTC) đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 44/2019/TT-BTC ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 292/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cập nhật kiến thức hàng năm cho kế toán viên hành nghề và người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và Thông tư số 296/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về cấp, thu hồi và quản lý giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (sau đây gọi là Thông tư số 44/2019/TT-BTC) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 296/2016/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Bản sao chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên. Khi chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên đã được tích hợp trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác, thì Bộ Tài chính có trách nhiệm khai thác và sử dụng thông tin về chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác trên cơ sở trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.”
b) Bổ sung khoản 9 sau khoản 8 Điều 3 như sau:
“9. Tài liệu chứng minh việc nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, trừ trường hợp phí thẩm định đã được nộp khi hồ sơ nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.”
c) Sửa đổi khoản 3 Điều 6 như sau:
“3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán lập danh sách đề nghị Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cho những người đăng ký hành nghề tại đơn vị mình theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này cùng với hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của từng cá nhân theo quy định tại Điều 3 hoặc Điều 10 hoặc Điều 11 Thông tư này. Hồ sơ được nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật; hoặc nộp trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của Bộ Tài chính.”
d) Sửa đổi khoản 5 Điều 6 như sau:
“5. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cho người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không sớm hơn ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
đ) Sửa đổi khoản 1 Điều 10 như sau:
“1. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bị rách, hỏng, mất thì kế toán viên hành nghề được đề nghị Bộ Tài chính cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và phải nộp phí theo quy định.”
e) Sửa đổi khoản 2 Điều 11 như sau:
“2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 02 ảnh màu 3x4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;
c) Các tài liệu quy định tại khoản 2, khoản 6, khoản 7 Điều 3 Thông tư này nếu có thay đổi so với lần đăng ký hành nghề gần nhất;
d) Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cũ đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
e) Tài liệu chứng minh việc nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, trừ trường hợp phí thẩm định đã được nộp khi hồ sơ nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.”
g) Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 12 (đã được sửa đổi tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 44/2019/TT-BTC) như sau:
“Kế toán viên hành nghề vi phạm các trách nhiệm quy định tại khoản 5, 7, 8 Điều 15 Thông tư này, cụ thể như sau: Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các hoạt động nghề nghiệp kế toán; Không cung cấp thông tin định kỳ hoặc đột xuất liên quan đến hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán của mình theo yêu cầu của Bộ Tài chính; Không chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra việc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của Bộ Tài chính.”
h) Sửa đổi Điều 14 như sau:
“Điều 14. Công khai thông tin về kế toán viên hành nghề
1. Bộ Tài chính cập nhật và công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính định kỳ trước ngày 10 hàng tháng các thông tin sau:
a) Danh sách kế toán viên hành nghề tại từng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán;
b) Danh sách kế toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán;
c) Danh sách kế toán viên hành nghề bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;
d) Danh sách kế toán viên hành nghề có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.
2. Bộ Tài chính sẽ bổ sung hoặc xóa tên kế toán viên hành nghề trong danh sách công khai kế toán viên đăng ký hành nghề tại từng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán khi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được cấp, cấp lại, bị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.”
i) Sửa đổi khoản 2 Điều 15 như sau:
“2. Thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán về việc không tiếp tục hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Thông tư này.”
k) Sửa đổi khoản 3 Điều 15 như sau:
“3. Thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị đối với các trường hợp quy định tại khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 9 Thông tư này theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.”
l) Sửa đổi khoản 4 Điều 15 như sau:
“4. Nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cũ cho Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc không còn giá trị đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 9 Thông tư này trừ trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã được nộp lại khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đối với trường hợp kế toán viên hành nghề thay đổi nơi làm việc hoặc nơi đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nơi kế toán viên đăng ký hành nghề thay đổi tên.”
m) Sửa đổi khoản 4 Điều 16 như sau:
“4. Thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán của kế toán viên đăng ký hành nghề tại đơn vị hết hiệu lực hoặc không còn giá trị đối với các trường hợp quy định tại khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Điều 9 Thông tư này theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.”
n) Sửa đổi khoản 6 Điều 16 như sau:
“6. Trường hợp kế toán viên hành nghề vẫn tiếp tục hành nghề dịch vụ kế toán khi hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán hết thời hạn thì phải tiếp tục ký kết hợp đồng lao động mới hoặc gia hạn hợp đồng lao động và gửi bản sao hợp đồng lao động mới cho Bộ Tài chính chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết thời hạn.”
o) Bổ sung khoản 8a sau khoản 8 Điều 16 như sau:
“8a. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo cho Bộ Tài chính khi kế toán viên hành nghề chuyển sang đăng ký hành nghề kiểm toán tại chính doanh nghiệp đó và thông báo về việc kế toán viên hành nghề đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đồng thời nộp lại cho Bộ Tài chính Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.”
2. Thay thế một số cụm từ tại Thông tư số 296/2016/TT-BTC như sau:
a) Thay thế cụm từ “10 ngày làm việc” thành cụm từ “10 ngày” tại khoản 4 Điều 6.
b) Thay thế cụm từ “pháp luật kế toán, thuế của Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp về kế toán” thành cụm từ “pháp luật kế toán, thuế của Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kinh nghiệm thực hành kế toán, chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế” tại Phụ lục số 01/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư số 296/2016/TT-BTC.
c) Thay thế cụm từ “Lý do Giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị” thành cụm từ “Lý do Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị” tại Phụ lục số 07/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư số 296/2016/TT-BTC.
d) Thay thế cụm từ “Giấy CMND/Hộ chiếu/Căn cước công dân số………… cấp ngày …/…/… tại ……..” thành cụm từ “CMND/Căn cước công dân/Căn cước/Hộ chiếu số...” tại Phụ lục số 01/ĐKHN, Phụ lục số 02/ĐKHN, Phụ lục số 04/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư số 296/2016/TT-BTC.
3. Bỏ đoạn “Ghi chú: (*) Trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định tại khoản 1 Điều 11 và khoản 1 Điều 13 Thông tư này thì không phải kê khai mục này” tại Phụ lục số 01/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư số 296/2016/TT-BTC.
4. Bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 11.
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung, thay thế một số điều của Thông tư số 297/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về cấp, quản lý và sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (sau đây gọi là Thông tư số 297/2016/TT-BTC) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 297/2016/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau:
“2. Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán gửi một bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này tới Bộ Tài chính và nộp phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Hồ sơ được nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật; hoặc nộp trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của Bộ Tài chính.”
b) Sửa đổi khoản 3 Điều 6 như sau:
“3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải đề nghị Bộ Tài chính cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi các nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 63 Luật Kế toán hoặc kể từ ngày phát hiện Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán bị rách, hỏng, mất. Thời hạn cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Kế toán.”
c) Sửa đổi Điều 7 như sau:
“Điều 7. Nộp phí
Tổ chức khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này thì phải nộp phí thẩm định cấp lần đầu, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định của Bộ Tài chính.”
d) Bổ sung khoản 10 sau khoản 9 Điều 12 như sau:
“10. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo cho Bộ Tài chính khi chuyển sang đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán và thông báo về việc đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đồng thời nộp lại cho Bộ Tài chính Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.”
2. Thay thế một số cụm từ, Phụ lục tại Thông tư số 297/2016/TT-BTC như sau:
a) Thay thế cụm từ “Giấy CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu số... cấp ngày.../ .../ ... tại...” thành cụm từ “CMND/Căn cước công dân/Căn cước/Hộ chiếu số...” tại Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư số 297/2016/TT-BTC.
b) Thay thế Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 297/2016/TT-BTC thành Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Thay thế Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 297/2016/TT-BTC thành Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 09/2021/TT-BTC ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán (sau đây gọi là Thông tư số 09/2021/TT-BTC) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2021/TT-BTC như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2.2 Điều 5 như sau:
“b) Kiểm tra các thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện trong quá trình quản lý, kiểm tra gián tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc kiểm tra theo yêu cầu quản lý của cấp có thẩm quyền.”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 như sau:
“1. Thời hạn kiểm tra
a) Kiểm tra trực tiếp 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán có doanh thu dịch vụ kế toán trung bình trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra từ 20 tỷ đồng/năm trở lên. Doanh thu dịch vụ kế toán bao gồm doanh thu từ: dịch vụ làm kế toán; dịch vụ làm kế toán trưởng; dịch vụ lập, trình bày báo cáo tài chính và dịch vụ tư vấn kế toán theo báo cáo tình hình hoạt động hàng năm.
b) Kiểm tra trực tiếp ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Việc xác định đối tượng kiểm tra căn cứ vào doanh thu dịch vụ kế toán trung bình/năm trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra.”
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 như sau:
“2. Hàng năm, căn cứ vào thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính rà soát, lập kế hoạch kiểm tra, tổng hợp danh sách đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán thuộc đối tượng kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán trong năm và thông báo cho từng đối tượng được kiểm tra chậm nhất là 10 ngày trước ngày bắt đầu cuộc kiểm tra.”
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 như sau:
“2. Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm Trưởng Đoàn kiểm tra và các thành viên. Trưởng Đoàn kiểm tra là lãnh đạo cấp phòng trở lên của Bộ Tài chính và thành viên Đoàn kiểm tra là các cán bộ của Bộ Tài chính. Tùy thuộc vào quy mô của cuộc kiểm tra, Bộ Tài chính được đề nghị cán bộ chuyên môn của Tổ chức nghề nghiệp về kế toán tham gia là thành viên của Đoàn kiểm tra. Thành viên Đoàn kiểm tra là cán bộ chuyên môn của Tổ chức nghề nghiệp về kế toán có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán.”
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 12 như sau:
“d) Đánh giá về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan trong quá trình kinh doanh dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra. Căn cứ vào tài liệu, hồ sơ kiểm tra và xét đoán chuyên môn, Đoàn kiểm tra đưa ra ý kiến đánh giá về các nội dung kiểm tra trong Biên bản kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán (theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và sau đây được gọi tắt là “biên bản kiểm tra”);”
e) Sửa đổi khoản 1 Điều 16 như sau:
“1. Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến các nội dung kiểm tra được hướng dẫn tại khoản 2 mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.”
g) Sửa đổi khoản 1 Điều 17 như sau:
“1. Số lượng hồ sơ hợp đồng dịch vụ được lựa chọn để kiểm tra cần phải đại diện cho các loại dịch vụ chính mà đối tượng được kiểm tra thường cung cấp cho khách hàng. Trong một cuộc kiểm tra định kỳ, phải có tối thiểu 3 hồ sơ hợp đồng dịch vụ được lựa chọn để kiểm tra. Đối với từng hợp đồng dịch vụ được kiểm tra, Đoàn kiểm tra đưa ra ý kiến đánh giá về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của từng hồ sơ hợp đồng dịch vụ được kiểm tra.”
h) Sửa đổi khoản 3 Điều 18 như sau:
“3. Ý kiến đánh giá về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra các hồ sơ hợp đồng cung cấp dịch vụ kế toán của đối tượng được kiểm tra. Đoàn kiểm tra căn cứ vào phạm vi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong hợp đồng dịch vụ giữa đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán với đơn vị được cung cấp dịch vụ kế toán, quy định của chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán, pháp luật kế toán liên quan và tình hình thực hiện dịch vụ của đơn vị được kiểm tra đối với đơn vị được cung cấp dịch vụ, từ đó đưa ra xét đoán chuyên môn để đánh giá về tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của đối tượng được kiểm tra.”
2. Thay thế một số cụm từ, Phụ lục tại Thông tư số 09/2021/TT-BTC như sau:
a) Thay thế Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTC thành Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Thay thế Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTC thành Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
c) Thay thế Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTC thành Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
d) Thay thế cụm từ “60 ngày làm việc” thành cụm từ “60 ngày” tại khoản 5 Điều 9.
đ) Thay thế cụm từ “khách hàng” thành cụm từ “đơn vị được cung cấp dịch vụ kế toán” tại khoản 2 Điều 4, khoản 3 Điều 13.
3. Bãi bỏ Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BTC.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2024.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]