Open navigation

Công văn 7508/BYT-BH ngày 04/12/2024 Giải quyết vướng mắc thanh toán bảo hiểm y tế trong lĩnh vực y học cổ truyền

BỘ Y TẾ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________

Số: 7508/BYT-BH

V/v giải quyết vướng mắc thanh toán BHYT trong lĩnh vực y học cổ truyền

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2024

 Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bộ Y tế nhận được Công văn số 682/BHXH-CSYT ngày 15 tháng 03 năm 2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc đề nghị trả lời các vướng mắc trong chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong đó có một số nội dung vướng mắc liên quan đến lĩnh vực y học cổ truyền, cụ thể như sau:

I. Nội dung vướng mắc:

1.1. Vướng mắc về danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày:

Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn số 436/BHXH-CSYT ngày 21/02/2023 vướng mắc liên quan đến việc xác định “Bệnh cần chữa trị dài ngày” tại Thông tư số 44/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và kê đơn kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với thuốc hóa dược (sau đây gọi tắt là Thông tư số 44/2018/TT-BYT). Theo đó, tại điểm a, khoản 1, Điều 10, Thông tư số 44/2018/TT-BYT quy định: “Bệnh cần chữa trị dài ngày: Mỗi lần kê đơn thuốc tối đa không quá 30 ngày hoặc theo hướng dẫn điều trị của mỗi bệnh”. Tuy nhiên tại Thông tư số 44/2018/TT-BYT không hướng dẫn danh mục cụ thể “Bệnh cần chữa trị dài ngày” là những bệnh nào?

1.2 Vướng mắc về quy định điều trị nội trú ban ngày và nội trú 24/24 giờ

Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn số 1271/BHXHVN-CSYT ngày 13/5/2022 về việc đề nghị hướng dẫn Thông tư số 01/2019/TT-BYT quy định về thực hiện nội trú ban ngày tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) y học cổ truyền (YHCT), cụ thể:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2019/TT-BYT, việc chỉ định điều trị nội trú ban ngày do bác sỹ chỉ định và phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

“a) Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh phải điều trị nội trú nhưng không nhất thiết phải theo dõi, điều trị 24/24 giờ tại cơ sở KCB;

b) Thời gian theo dõi, điều trị ban ngày cho người bệnh tối thiểu 4 giờ/ngày tại cơ sở KCB;

c) Tình trạng bệnh lý của người bệnh có thể điều trị ngoại trú thì không áp dụng điều trị nội trú ban ngày;

d) Đối với bệnh nhân không cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở KCB thì người bệnh có thể được điều trị nội trú ban ngày hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ”.

Với quy định nêu trên, giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các cơ sở KCB không thống nhất thanh toán bảo hiểm y tế BHYT tiền ngày giường điều trị nội trú ban ngày trong trường hợp người bệnh BHYT thỏa mãn điểm a, b, c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2019/TT-BYT của Bộ Y tế nhưng cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở KCB. Để đảm bảo việc thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến chỉ định điều trị nội trú ban ngày đúng quy định, Bảo hiểm xã hội Việt nam (BHXHVN) đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2019/TT-BYT.

II. Ý kiến của Bộ Y tế

Ngày 26 tháng 04 năm 2024, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp giải quyết vướng mắc với BHXH VN và các đơn vị liên quan. Sau khi thảo luận và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị, Bộ Y tế thống nhất trả lời như sau:

2.1 Về nội dung danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày:

Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 44/2018/TT-BYT quy định nguyên tắc kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu: “2. kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh và tình trạng bệnh”. Vì vậy, việc xác định bệnh cần chữa trị dài ngày và kê đơn thuốc do người hành nghề quyết định trên cơ sở đánh giá chuyên môn và tình trạng bệnh lý của người bệnh.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sửa đổi Thông tư số 44/2018/TT-BYT để đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Trong thời gian chờ Thông tư sửa đổi ban hành, việc xác định bệnh cần chữa trị dài ngày do bác sĩ quyết định dựa trên chuyên môn và tình trạng thực tế của người bệnh theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 44/2018/TT-BYT.

2.2 Về nội dung điều trị nội trú ban ngày và nội trú 24/24 giờ:

Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 01/2019/TT-BYT quy định việc chỉ định chỉ định nội trú ban ngày do bác sĩ chỉ định và đáp ứng tiêu chí tại điểm a, b, c và điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

Trong đó, điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2019/TT-BYT quy định: “d) Đối với người bệnh không cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh có thể được điều trị nội trú ban ngày hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ.”.

Như vậy điểm đ khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2019/TT-BYT áp dụng đối với trường hợp người bệnh không cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi đáp ứng các điều kiện chung về chuyên môn quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 3 Thông tư thì có thể được lựa chọn giữa 02 hình thức là điều trị nội trú ban ngày hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ để tạo điều kiện cho người bệnh ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện sửa đổi Thông tư số 01/2019/TT-BYT để đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ trong tổ chức thực hiện.

Trên đây là một số ý kiến của Bộ Y tế để Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Vụ, Cục Bộ Y tế: PC, KHTC, QL KCB, QL YDCT;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc, trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các bộ ngành;
- Hiệp hội Bệnh viện tư nhân;
 - Lưu: VT, BH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Trần Văn Thuấn

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.