Hết hiệu lực: 25/05/2020
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4376/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ XÁC LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ MÃ ĐỊNH DANH Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các Ông/Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Thanh tra Bộ, Tổng cục trưởng thuộc Bộ Y tế, Giám đốc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung Ương, Thủ trưởng y tế ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
XÁC LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ MÃ ĐỊNH DANH Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4376/QĐ-BYT ngày 24 tháng 9 năm 2019)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế của người dân.
Điều 2. Nguyên tắc xác định mã định danh y tế
1. Mã định danh y tế (tên tiếng anh là Health Identification, viết tắt là ID) là nhóm dữ liệu được sử dụng để nhận biết một cá nhân tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mỗi người dân có một mã định danh y tế (ID) duy nhất và tồn tại suốt đời.
2. Mã định danh y tế quốc gia được sinh tự động từ hệ thống mã định danh của Bộ Y tế.
Điều 3. Đặc tính cơ bản của mã định danh y tế
Mã định danh y tế quốc gia có những đặc tính cơ bản sau đây:
1. Sẵn sàng: Luôn sẵn sàng bất cứ khi nào, bất cứ đâu để có thể được sử dụng.
2. Có thể gán: Có thể gán ID cho một cá nhân bất cứ khi nào cần. Việc này sẽ được thực hiện bởi cơ quan nhà nước đủ thẩm quyền sau khi nhận được yêu cầu được xác thực hợp lệ cho ID mới.
3. Ẩn danh: Có khả năng tạo ra một dãy số tùy ý, dãy số này được sử dụng để liên kết thông tin sức khỏe của một cá nhân cụ thể, nhưng không được sử dụng để định danh cá nhân đó.
4. Nhận diện: Có khả năng định danh một cá nhân được liên kết với một mã định danh hợp lệ. Thông tin định danh có thể bao gồm các thông tin sau: họ và tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ, ... Thông tin này không được đưa vào mã định danh.
5. Liên thông: Có khả năng liên kết các hồ sơ y tế trên các hệ thống khác nhau.
6. Ánh xạ: Có khả năng tạo liên kết với các loại mã định danh khác.
7. Duy nhất: Có khả năng định danh duy nhất cho một cá nhân.
8. Xác thực: Có khả năng kiểm tra tính hợp lệ của mã định danh.
Điều 4. Cấu trúc mã định danh y tế
Mã định danh y tế gồm dãy các ký tự, được chia thành 3 phần:
XXXXXXXXXX . xxxxxxxxxx
1. Mười ký tự đầu của dãy số là số bảo hiểm xã hội của cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội được quy định trong Quyết định số 346/QĐ-BHXH ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành quy chế quản lý và cấp mã số bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
2. Ký tự thứ mười một là dấu phân cách giữa hai dãy số thể hiện là dấu “.” dùng để xử lý các công nghệ không có định hướng.
3. Dãy ký tự sau cùng được sử dụng để đảm bảo định danh hợp lệ. Những ký tự này được sinh ra theo một thuật toán cố định dựa trên những thông tin cơ bản như: số bảo hiểm xã hội, họ và tên, năm sinh, giới tính, nơi sinh.
4. Các ký tự từ thứ mười một đến cuối sẽ được làm mờ đi và chỉ được dùng để kiểm tra tính hợp lệ trên hệ thống cấp mã định danh y tế.
Điều 5. Xác lập mã định danh y tế
Trên cơ sở mã số bảo hiểm xã hội và thông tin hành chính của người dân, hệ thống mã định danh y tế của Bộ Y tế sẽ tự động xác lập ID của người dân.
Điều 6. Cấp và sử dụng mã định danh y tế
1. Mỗi cơ sở y tế được cấp một tài khoản và mật khẩu dùng để truy xuất dữ liệu trên hệ thống mã định danh y tế quốc gia.
2. Các cơ sở y tế trên toàn quốc kết nối với hệ thống mã định danh y tế quốc gia để được cấp tự động ID của người bệnh.
3. Trường hợp cơ sở y tế không kết nối với hệ thống mã định danh y tế quốc gia, cán bộ y tế truy cập vào trang thông tin của hệ thống mã định danh y tế quốc gia để tra cứu ID của người dân.
4. Các cơ sở y tế sử dụng ID được cấp trong việc tạo lập, liên kết các hồ sơ y tế trên các hệ thống thông tin y tế.
5. Trong quá trình sử dụng và quản lý mã định danh y tế, các cơ sở y tế có trách nhiệm tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của cả hệ thống mã định danh y tế quốc gia và ID của từng người bệnh.
Điều 7. Quản lý mã định danh y tế
1. Mã định danh y tế được lưu trữ, quản lý tại hệ thống mã định danh y tế quốc gia đặt tại trung tâm dữ liệu y tế thuộc Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế.
2. Các cơ sở y tế có trách nhiệm quản lý ID được cấp.
3. Hệ thống mã định danh y tế quốc gia định kỳ đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng “hệ thống mã định danh y tế” và bảo đảm xác lập mã định danh y tế cho người dân không trùng lặp dữ liệu, đúng mục đích và đúng quy định.
b) Có trách nhiệm cấp mã định danh y tế của người dân cho các đơn vị y tế sử dụng.
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế thực hiện đúng Quy chế này.
2. Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ Y tế
Căn cứ chức năng nhiệm vụ, các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Cục Công nghệ thông tin chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế thực hiện Quy chế này.
3. Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý thực hiện đúng theo Quy chế này.
4. Các cơ sở y tế
a) Truy cập hệ thống mã định danh y tế để được cấp ID của người bệnh.
b) Có trách nhiệm sử dụng và quản lý ID của người bệnh được cấp đúng quy định.
Điều 9. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các Điều, khoản, văn bản tham chiếu thực hiện tại Quy chế này được bổ sung, thay thế bằng Điều, khoản, văn bản mới thì áp dụng theo Điều, khoản, văn bản thay thế, bổ sung.
Trong quá trình thực hiện, nếu khó khăn, vướng mắc hoặc có những vấn đề mới phát sinh, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Cục Công nghệ thông tin để xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.