Open navigation

Quyết định 15/2016/QĐ-TTg Mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2016 - 2018


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số:  15 / 2016 / QĐ - TTg 

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2016


QUYẾT ĐỊNH


VỀ MỨC CHI PHÍ QUẢN LÝ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2018


Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014; Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;


Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;


Căn cứ Nghị quyết số  1083 / 2015 / UBTVQH13  ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016- 2018 và việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội;


Căn cứ Nghị định số  105 / 2014 / NĐ - CP  ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;


Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,


Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2018.


Điều 1. Phạm vi điều chỉnh


Quyết định này quy định về mức trích chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội giai đoạn 2016 - 2018.


Điều 2. Đối tượng áp dụng


  1. Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

  2. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an.

  3. Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp và các nhiệm vụ liên quan về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.


Điều 3. Mức trích chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế


Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 9 Quyết định số  60 / 2015 / QĐ - TTg  ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; mức trích hằng năm từ các nguồn như sau:


  1. Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bằng 2,3% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội), được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.


  2. Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp bằng 2,3% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp), được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.


  3. Mức chi phí quản lý bảo hiểm y tế bằng 5% dự toán thu tiền đóng bảo hiểm y tế, được trích từ khoản 10% số tiền đóng bảo hiểm y tế dành cho quỹ dự phòng và chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế.


Điều 4. Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động


  1. Mức chi tiền lương bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ, được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:


    1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;


    2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an (chỉ áp dụng đối với tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán riêng theo quy định của pháp luật về kế toán);


    3. Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

  2. Phần chênh lệch giữa mức chi tiền lương thực tế theo quy định tại Khoản 1 Điều này so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.


Điều 5. Hiệu lực thi hành


Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2016 và được áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2016 đến năm 2018.


Điều 6. Tổ chức thực hiện


  1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; cải cách thủ tục và nâng cao chất lượng phục vụ; tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội theo vị trí việc làm, phù hợp với nhiệm vụ được giao và tinh giản biên chế theo quy định.


  2. Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này bảo đảm theo đúng quy định. Quý III năm 2018, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định này và báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn tiếp theo.


  3. Các Bộ trưởng: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nội vụ; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./



Nơi nhận:

  • Ban Bí thư Trung ương Đảng;

  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

  • HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

  • Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

  • Văn phòng Tổng Bí thư;

  • Văn phòng Chủ tịch nước;

  • Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

  • Văn phòng Quốc hội;

  • Tòa án nhân dân tối cao;

  • Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

  • Kiểm toán Nhà nước;

  • Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

  • Ngân hàng Chính sách xã hội;

  • Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

  • Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

  • Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

  • VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

  • Lưu: VT, KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG



Nguyễn Tấn Dũng

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.