BỘ CÔNG THƯƠNG ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 4082 / QĐ - BCT | Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH THÍ ĐIỂM CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ QUA INTERNET
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95 / 2012 / NĐ - CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 19 / 2006 / NĐ - CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 43 / 2011 / NĐ - CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 06 / 2011 / TT - BCT ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Bộ Công Thương quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu và Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình thí điểm cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet”.
Điều 2. Thương nhân tham gia thí điểm phải đáp ứng các tiêu chí sau:
Trực tiếp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa và đang thực hiện việc khai báo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C / O) trên Hệ thống quản lý chứng nhận xuất xứ điện tử (eCOSys) tại trang thông tin điện tử www.ecosys.gov.vn;
Không vi phạm pháp luật về chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
Được Bộ Công Thương lựa chọn tham gia thí điểm.
Bộ Công Thương công bố Danh sách thương nhân được lựa chọn tham gia thí điểm trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí nêu trên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Chánh Văn phòng Bộ, các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Khu vực, các cơ quan được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
Như Điều 4;
Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
Văn phòng Chính phủ;
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng;
Lãnh đạo Bộ Công Thương;
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan);
Các Phòng QLXNK khu vực;
Lưu: VT, XNK.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Tuấn Anh
QUY TRÌNH
THÍ ĐIỂM CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ QUA INTERNET
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4082 / QĐ - BCT ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy trình thí điểm cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet (sau đây viết tắt là Quy trình thí điểm) áp dụng đối với các hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C / O) Mẫu D.
Quy trình thí điểm áp dụng đối với thương nhân có tên trong Danh sách thương nhân được lựa chọn tham gia thí điểm do Bộ Công Thương ban hành theo từng thời kỳ.
Thời gian thực hiện Quy trình thí điểm là 3 (ba) tháng, tính từ ngày ban hành Quyết định này. Tùy theo tình hình, thời gian thí điểm có thể rút ngắn hơn.
Điều 2. Hồ sơ đề nghị cấp C/O qua Internet
Thương nhân khai và gửi hồ sơ đề nghị cấp C/O qua Internet gồm: đơn đề nghị cấp C/O theo biểu mẫu có sẵn trên Hệ thống quản lý chứng nhận xuất xứ điện tử tại trang thông tin điện tử www.ecosys.gov.vn và đính kèm dạng file điện tử các văn bản, chứng từ quy định từ Điểm c đến Điểm e, Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 06 / 2011 / TT - BCT quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi của Bộ Công Thương.
Các văn bản, chứng từ quy định tại Khoản 1 Điều này phải được thương nhân xác thực bằng chữ ký số do cơ quan thẩm quyền cấp.
Thương nhân không phải nộp các văn bản, chứng từ này cho Cơ quan cấp C/O, trừ khi được yêu cầu.
Điều 3. Xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O qua Internet
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp C/O qua Internet, Cơ quan cấp C/O có trách nhiệm thông báo qua Internet kết quả xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp C/O cho thương nhân.
Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp C/O qua Internet của thương nhân không phù hợp với quy định hiện hành, Cơ quan cấp C/O cần nêu rõ lý do không chấp thuận để thương nhân sửa đổi, bổ sung.
Sau khi nhận được thông báo phê duyệt hồ sơ đề nghị cấp C/O qua Internet của Cơ quan cấp C/O, thương nhân nộp cho Cơ quan cấp C/O bản giấy Mẫu C/O đã được khai hoàn chỉnh và hợp lệ theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 06 / 2011 / TT - BCT của Bộ Công Thương và bản in thông báo phê duyệt hồ sơ của Cơ quan cấp C/O.
Cơ quan cấp C/O trả kết quả cấp C/O theo mẫu C/O đã được khai hoàn chỉnh trong hai
(2) giờ làm việc, kể từ khi nhận được bộ hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này.
Thương nhân được quyền lựa chọn nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O qua Internet theo Quy trình thí điểm này hoặc nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O bằng giấy theo quy định tại Thông tư số 06 / 2011 / TT - BCT của Bộ Công Thương.
Điều 4. Trách nhiệm của thương nhân đề nghị cấp C/O qua Internet
Thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, xác thực của các văn bản, chứng từ, dữ liệu điện tử được gắn chữ ký số trong bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O qua Internet.
Thương nhân chịu trách nhiệm lưu trữ bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O để xuất trình cho Cơ quan cấp C/O và cơ quan thẩm quyền khi được yêu cầu. Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 3 năm, kể từ ngày được cấp C/O.
Thương nhân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định tại Thông tư số 06 / 2011 / TT - BCT của Bộ Công Thương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan về xuất xứ hàng hóa.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
Cục Xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm tập huấn cho cán bộ các Cơ quan cấp C/O về cơ chế thí điểm, lựa chọn và tập huấn cho các thương nhân tham gia cơ chế này, theo dõi việc thực hiện cơ chế thí điểm đối với cả hai đối tượng là Cơ quan cấp C/O và thương nhân.
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin chịu trách nhiệm xây dựng và đảm bảo Hệ thống quản lý chứng nhận xuất xứ điện tử (eCOSys) vận hành thông suốt, tiếp nhận ý kiến phản hồi từ các tổ chức, cá nhân liên quan để khắc phục các lỗi (nếu có) và hoàn thiện chương trình.
Các Cơ quan cấp C/O có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O do thương nhân nộp qua Internet; phát hiện các điểm chưa hợp lý trong quá trình thực hiện để kiến nghị khắc phục, sửa đổi kịp thời. Định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện, phản ánh các khó khăn, vướng mắc về Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin để tổng hợp.
Thương nhân phản ánh các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện Quy trình này về Cơ quan cấp C/O hoặc Bộ Công Thương (theo địa chỉ thư điện tử [email protected]) để xử lý.
Sau thời gian thực hiện thí điểm, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin sơ kết, đánh giá và báo cáo Bộ trưởng tình hình triển khai, kết quả thực hiện và đề xuất việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng áp dụng./.