Open navigation

Quyết định 976/QĐ-TTg Quy chế phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

Số:  976 / QĐ - TTg 

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2015


QUYẾT ĐỊNH


VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHÂN LOẠI NỢ TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;


Căn cứ Nghị định số  78 / 2002 / NĐ - CP  ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;


Xét đề nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Tờ trình số  23 / TTr - NHCS  ngày 11 tháng 3 năm 2015 và văn bản số  1165 / BC - NHCS  ngày 27 tháng 4 năm 2015 về việc ban hành Quy chế phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội,


QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội.


Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.



Nơi nhận:

  • Như Điều 3;

  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

  • HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

  • Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

  • VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, TKBT, KGVX;

  • Lưu: VT, KTTH (3b). M.Cường

    THỦ TƯỚNG


    Nguyễn Tấn Dũng

    QUY CHẾ


    PHÂN LOẠI NỢ TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

    (Ban hành kèm theo Quyết định số  976 / QĐ - TTg  ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)


    Chương I


    QUY ĐỊNH CHUNG


    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh


    1. Quy chế này quy định về việc phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội.


    2. Nợ được phân loại theo Quy chế này gồm:


  1. Các khoản nợ Ngân hàng Chính sách xã hội nhận bàn giao khi thành lập từ các tổ chức: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam.


  2. Các khoản nợ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


  3. Các khoản nợ cho vay bằng nguồn vốn tài trợ ủy thác đầu tư theo hiệp định, quyết định hoặc hợp đồng ký kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.


Điều 2. Giải thích từ ngữ


Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:


  1. Khoản nợ: Là số tiền dư nợ của từng món vay đối với nợ quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quy chế này.


  2. Nợ quá hạn: Là nợ mà một phần hoặc toàn bộ nợ gốc đã chuyển sang nợ quá hạn.


  3. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ: Là việc Ngân hàng Chính sách xã hội chấp thuận thay đổi kỳ hạn trả nợ gốc trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng, mà kỳ hạn trả nợ cuối cùng không thay đổi.


  4. Gia hạn nợ: Là việc Ngân hàng Chính sách xã hội chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc vượt quá thời hạn cho vay đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng.


  5. Nợ khoanh: Nợ khoanh là các khoản nợ chưa phải trả nợ gốc và không phải trả lãi trong thời gian được khoanh nợ.


  6. Khách hàng: Là tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật dân sự có quan hệ tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 3. Thu thập thông tin khách hàng


  1. Ngân hàng Chính sách xã hội phải có giải pháp và thường xuyên thực hiện việc thu thập, khai thác thông tin, số liệu về khách hàng để theo dõi, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, có biện pháp quản lý rủi ro, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp và thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Quy chế này.


  2. Ngân hàng Chính sách xã hội phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý số liệu, thông tin khách hàng, quản trị rủi ro, thực hiện phân loại nợ trong toàn hệ thống.


Điều 4. Thời điểm phân loại


  1. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc phân loại nợ theo quy định tại quy chế này cụ thể như sau:


    • Định kỳ 01  năm / lần  vào ngày 31 tháng 12 hàng năm đối với việc phân loại nợ theo các quy định từ Khoản 1 đến Khoản 9 tại Điều 6 của Quy chế này.


    • Định kỳ 03  năm / lần  hoặc xuất phát từ nhu cầu thực tế của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với việc phân loại nợ theo quy định tại Khoản 10 Điều 6 của Quy chế này.


  2. Ngoài thời điểm quy định tại Khoản 1 Điều này, Ngân hàng Chính sách xã hội có thể thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Quy chế này theo các thời điểm cụ thể căn cứ vào nhu cầu trong công tác quản trị điều hành phù hợp với từng giai đoạn.


Chương II


QUY ĐỊNH CỤ THỂ


Điều 5. Phương pháp, nguyên tắc phân loại nợ


Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ thực trạng của từng khoản nợ để thực hiện phân loại nợ theo các tiêu chí quy định tại Điều 6 của Quy chế này.


Việc phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo dư nợ thực tế của từng khoản nợ. Đối với những khoản nợ phải chuyển nợ quá hạn một phần theo phân kỳ trả nợ thì chỉ phần dư nợ bị chuyển nợ quá hạn được tính là nợ quá hạn, phần dư nợ còn lại vẫn được tính là nợ trong hạn.


Điều 6. Các tiêu chí phân loại nợ


Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phân loại nợ căn cứ vào các tiêu chí phân loại nợ, trong từng tiêu chí phân loại sẽ được phân nhóm theo các chỉ tiêu và chi tiết theo trạng thái nợ, cụ thể:


  1. Phân loại nợ theo chương trình cho vay

    Phân loại nợ theo chương trình cho vay được phân theo các chỉ tiêu dựa vào các chương trình cho vay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo hiệp định, quyết định hoặc hợp đồng ký kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong từng thời kỳ. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phân loại theo các chỉ tiêu sau:


    • Cho vay hộ nghèo.


    • Cho vay học sinh, sinh viên.


    • Cho vay giải quyết việc làm.


    • Cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.


    • Cho vay trả chậm nhà ở cho hộ dân đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.


    • Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.


    • Cho vay hộ nghèo về nhà ở.


    • Cho vay Dự án chương trình phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn KFW.


    • Cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.


    • Cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.


    • Cho vay cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy.


    • Cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long.


    • Cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.


    • Cho vay người lao động thuộc huyện nghèo đi xuất khẩu lao động.


    • Cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.


    • Cho vay hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt.


    • Cho vay hộ cận nghèo.


    • Cho vay theo Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp (WB).


    • Cho vay theo Dự án Toàn dân tham gia quản lý nguồn lực tỉnh Tuyên Quang (IFAD).


    • Cho vay theo Dự án Đa dạng hóa thu nhập nông thôn tỉnh Tuyên Quang (RIDP).

    • Cho vay theo Dự án Bảo vệ và Phát triển những vùng đất ngập nước ven biển miền Nam Việt Nam (CWPD).


    • Cho vay theo Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do người khuyết tật làm chủ” (NIPPON).


    • Cho vay khác.


      Việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu trong tiêu chí phân loại nợ theo chương trình cho vay thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


  2. Phân loại nợ theo thời hạn cho vay


    Phân loại nợ theo thời hạn cho vay được thực hiện theo quy định trong từng thời kỳ, hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phân loại như sau:


    • Nợ cho vay ngắn hạn: Các khoản vay có thời hạn cho vay đến 12 tháng.


    • Nợ cho vay trung hạn: Các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 12 tháng đến 60 tháng.


    • Nợ cho vay dài hạn: Gồm các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 60 tháng trở lên.


      Việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu trong tiêu chí phân loại nợ theo thời hạn cho vay thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


  3. Phân loại nợ theo trạng thái nợ


    • Nợ trong hạn là các khoản nợ đang trong thời hạn cho vay, các khoản nợ đã được gia hạn nợ hoặc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ theo quy định.


    • Nợ quá hạn là các khoản nợ đã quá hạn trả nợ theo quy định bao gồm: Các khoản nợ đến hạn trả nợ nhưng không đủ điều kiện gia hạn nợ đã chuyển sang nợ quá hạn; các khoản nợ chưa đến kỳ hạn trả nợ nhưng người vay sử dụng vốn vay sai mục đích đã chuyển sang nợ quá hạn. Căn cứ vào thời gian quá hạn, nợ quá hạn được phân thành:


  4. + Các khoản nợ quá hạn đến 90 ngày.


    + Các khoản nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày.


    + Các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày.


    + Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày.


    • Nợ khoanh là các khoản nợ đang trong thời gian được khoanh nợ theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, chính quyền địa phương và các tổ chức khác.

  5. Phân loại nợ theo hình thức bảo đảm tiền vay


    • Nợ có bảo đảm tiền vay bằng tài sản: Gồm các khoản nợ mà theo đó nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay được cam kết bảo đảm thực hiện bằng tài sản cầm cố, thế chấp tài sản của bên vay, tài sản hình thành từ vốn vay của khách hàng vay hoặc bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba.


    • Nợ không có bảo đảm tiền vay bằng tài sản: Gồm các khoản nợ cho vay không có bảo đảm tiền vay bằng tài sản.


  6. Phân loại nợ theo nguồn vốn cho vay


    • Nợ cho vay bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bao gồm: Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; nguồn vốn huy động; nguồn vốn đi vay; vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước.


    • Nợ cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác gồm: Vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước.


    • Nợ cho vay bằng các nguồn vốn khác.


  7. Phân loại nợ theo hình thức cho vay và đơn vị nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội


    • Nợ cho vay trực tiếp.


    • Nợ cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc bao gồm:


      + Nợ ủy thác qua Hội Nông dân.


      + Nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ.


      + Nợ ủy thác qua Hội Cựu chiến binh.


      + Nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên.


  8. Phân loại nợ theo khu vực cho vay


    • Nợ cho vay khu vực thành thị.


    • Nợ cho vay khu vực nông thôn.


  9. Phân loại nợ theo dân tộc

    Tiêu chí phân loại nợ theo dân tộc tại Ngân hàng Chính sách xã hội được phân loại theo các dân tộc có số dân từ 01 triệu người trở lên căn cứ kết quả điều tra dân số trong từng thời kỳ theo quy định. Việc phân loại nợ theo dân tộc được thực hiện theo các chỉ tiêu sau:


    • Dân tộc Kinh.


    • Dân tộc Tày.


    • Dân tộc Thái.


    • Dân tộc Mường.


    • Dân tộc Khmer.


    • Dân tộc H’Mông.


    • Các dân tộc khác.


      Việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu trong tiêu chí phân loại nợ theo dân tộc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


  10. Phân loại nợ theo ngành kinh tế


    Tiêu chí phân loại nợ theo ngành kinh tế tại Ngân hàng Chính sách xã hội được phân loại theo một số ngành kinh tế chủ yếu theo quy định trong từng thời kỳ. Hiện tại, việc phân loại nợ theo ngành kinh tế được thực hiện theo các chỉ tiêu sau:


    • Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.


    • Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.


    • Xây dựng.


    • Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, xe có động cơ khác.


    • Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.


    • Giáo dục và đào tạo.


    • Các ngành kinh tế khác.


      Việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu trong tiêu chí phân loại nợ theo ngành kinh tế thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


  11. Phân loại nợ theo khả năng trả nợ của khách hàng


  1. Phương pháp đánh giá

    Định kỳ 03  năm / lần  hoặc xuất phát từ nhu cầu thực tế, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện rà soát, phân tích, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng đối với từng khoản vay đặc biệt tập trung vào phân tích, đánh giá các khoản nợ quá hạn, nợ bị chiếm dụng, nợ trong hạn nhưng không có khả năng thu hồi, lãi tồn đọng.


    Việc đánh giá khả năng trả nợ và phân tích nguyên nhân không có khả năng trả nợ được thực hiện trên nguyên tắc công khai, dân chủ, công bằng giữa các khách hàng vay vốn, thực hiện đến từng khách hàng, phân tích theo từng chương trình tín dụng, lập theo từng Tổ tiết kiệm và vay vốn và tổng hợp theo từng tổ chức Hội cấp xã, huyện. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng dư nợ, phân tích nguyên nhân dẫn đến không có khả năng thu hồi nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay sẽ thực hiện áp dụng các giải pháp xử lý phù hợp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế nợ không có khả năng thu hồi.


  2. Các chỉ tiêu phân loại


    • Nợ có khả năng thu hồi


  3. + Nợ trong hạn có khả năng thu hồi.


    + Nợ quá hạn có khả năng thu hồi.


    + Nợ khoanh có khả năng thu hồi.


    • Nợ không có khả năng thu hồi.


      + Nợ trong hạn không có khả năng thu hồi.


      + Nợ quá hạn không có khả năng thu hồi.


      + Nợ khoanh không có khả năng thu hồi.


  4. Phân tích nguyên nhân khách hàng không có khả năng trả nợ


Căn cứ việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, đối với các khoản nợ quá hạn và nợ trong hạn không có khả năng trả nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phân loại thành các nhóm nguyên nhân. Cụ thể:


  • Khách hàng bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan theo quy định tại cơ chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội trong từng thời kỳ.


  • Khách hàng bị rủi ro do các nguyên nhân khác dẫn tới không có khả năng trả nợ như: Các khoản vay của người lao động ở nước ngoài về nước trước hạn nhưng không đầy đủ giấy tờ để chứng minh; người vay bị tuyên án tù giam, không có người trả nợ thay; người chiếm dụng chết, mất tích, đi tù, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bỏ đi khỏi nơi cư trú; khách hàng trong quá trình sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, mất vốn; khách hàng trong quá trình vay vốn mà thành viên trong gia đình gặp rủi ro như: Ốm đau, hoạn nạn.


    Điều 7. Quản lý phân loại nợ

    1. Ngân hàng Chính sách xã hội phải có bộ phận quản lý phân loại nợ tại Hội sở chính để quản lý việc phân loại nợ theo quy định tại Quy chế này.


    2. Bộ phận quản lý phân loại nợ có trách nhiệm


    1. Cung cấp thông tin và phối hợp với các đơn vị chức năng tại Hội sở chính đôn đốc, quản lý phân loại và xử lý nợ.


    2. Tổng hợp, báo cáo kết quả phân loại nợ và đề xuất các biện pháp quản lý, thu hồi nợ và xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi trình Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý theo các quy định hiện hành.


    3. Căn cứ kết quả phân loại nợ, tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi chưa có quy định báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


  • Điều 8. Xử lý nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội


    1. Căn cứ kết quả phân loại nợ Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì phối hợp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, có các giải pháp tích cực, đồng bộ để thu hồi nợ đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.


    2. Đối với các khoản nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan theo các quy định hiện hành: Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm xử lý kịp thời theo quy định của Chính phủ.


    3. Đối với các khoản nợ không có khả năng thu hồi chưa có cơ chế xử lý đã được phân loại nợ theo tiêu chí tại khoản 10 Điều 6 Quy chế này: Sau khi áp dụng mọi biện pháp xử lý theo quy định mà không thu hồi được nợ giao Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị cơ chế xử lý, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


  • Điều 9. Chế độ báo cáo


    Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính kết quả phân loại nợ cụ thể như sau:


  • Định kỳ 01  năm / lần , chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm liền kề, gửi báo cáo phân loại nợ đến thời điểm ngày 31 tháng 12 hàng năm theo các tiêu chí từ Khoản 1 đến Khoản 9 tại Điều 6 của Quy chế này về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính.


  • Định kỳ 03  năm / lần  hoặc xuất phát từ nhu cầu thực tế của Ngân hàng Chính sách xã hội, gửi báo cáo phân loại nợ theo quy định tại Khoản 10 Điều 6 của Quy chế này về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính ngay sau khi có kết quả phân loại. Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và áp dụng các giải pháp công nghệ để giảm dần thời gian rà soát, phân tích, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, tiến tới định kỳ 02  năm / lần  gửi báo cáo phân loại nợ.

Chương III


TỔ CHỨC THỰC HIỆN


Điều 10. Trách nhiệm các Bộ, ngành


  1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Quy chế này.


  2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp Bộ Tài chính thẩm định các khoản nợ không có khả năng thu hồi chưa có cơ chế xử lý theo đề nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


Điều 11. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội


Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm triển khai, hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Quy chế này.


Điều 12. Tổ chức thực hiện


Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.


Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở kiến nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội./.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.