Open navigation

Công văn 3751/LĐTBXH-QLLĐNN Miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước


BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số:  3751 / LĐTBXH - QLLĐNN 

V/v triển khai Nghị quyết của Chính phủ về miễn XPVPHC đối với người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2015


Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương


Thực hiện Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2015 (Nghị quyết số  62 / NQ - CP  ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ) về nội dung: “Người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 01 tháng 9 năm 2015 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì không bị phạt tiền theo quy định tại Điều 35, Nghị định số  95 / 2013 / NĐ - CP  ngày 22/8/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:


  1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chính sách nêu trên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình và hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã.


  2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương hướng dẫn và tổ chức tiếp nhận thông tin khai báo của người lao động.


    (Nội dung tuyên truyền và thủ tục khai báo kèm theo).


    Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các nội dung nêu trên.


    Trân trọng cám ơn sự phối hợp của quý Ủy ban./.



    Nơi nhận:

    • Như trên;

    • Bộ trưởng (để b/c);

    • Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

    • Cục QLLĐNN, TTLĐNN (để  t / hiện) ;

    • Lưu VT, QLLĐNN.

      KT. BỘ TRƯỞNG

       THỨ TRƯỞNG

      Doãn Mậu Diệp

      NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN VÀ THỦ TỤC KHAI BÁO, TIẾP NHẬN KHAI BÁO CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM CƯ TRÚ BẤT HỢP PHÁP TẠI HÀN QUỐC TỰ NGUYỆN VỀ NƯỚC

      (Kèm theo Công văn số  3751 / LĐTBXH - QLLĐNN  ngày 16/9/2015 của Bộ Lao động – thương binh và Xã hội)


      1. Nội dung tuyên truyền


Những năm gần đây, tình trạng lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước này đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của người lao động Việt Nam và đã dẫn đến việc Chính phủ Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp, chính sách như ký quỹ, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tái hòa nhập, xử phạt hành chính...nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp. Những chính sách, biện pháp bước đầu đã có tác động tích cực khi tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 55,76% năm 2012 xuống còn 43,55% năm 2014. Tuy nhiên, so với mức chung của 14 nước phải cử lao động sang Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước vẫn ở mức cao.


Trước tình hình đó, Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất thực hiện các chính sách khuyến khích người lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước.


    • Tại Hàn Quốc, từ tháng  5 / 2015 , nếu người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện hồi hương sẽ được hưởng các quyền lợi sau:


      + Không bị giam giữ, không bị phạt tiền và có cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc sau 02 năm kể từ ngày tự nguyện về nước;


      + Được nhận các hỗ trợ về giới thiệu việc làm, lập nghiệp.


    • Tại Việt Nam, ngày 07/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số  62 / NQ - CP , trong đó nêu rõ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 01/9/2015 đến hết ngày 31/12/2015 thì không bị phạt tiền theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số  95 / 2013 / NĐ - CP  của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.


      1. Thủ tục khai báo tự nguyện về nước của người lao động


    • Tại Hàn Quốc: Người lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước cần mang theo hộ chiếu hoặc giấy thông hành còn hiệu lực và vé máy bay tới Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay Hàn Quốc vào ngày muốn xuất cảnh để đăng ký làm thủ tục tự nguyện về nước.

Lưu ý: Người lao động có thể liên hệ với Văn phòng Quản lý lao động EPS hoặc Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (số điện thoại: 02 364  1043 / 45)  để được hướng dẫn chi tiết thủ tục khai báo.


- Tại Việt Nam: Sau khi về nước, người lao động khai báo với cơ quan chức năng như sau:


+ Đối với những lao động đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Khai báo tự nguyện về nước tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nộp kèm theo 01 bản phô tô Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành (trang có ảnh, trang có đóng dấu ngày về nước của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay Hàn Quốc và Việt Nam).


+ Đối với những lao động chưa bị xử phạt vi phạm hành chính: gửi 01 bản phô tô Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành (trang có ảnh và trang có đóng dấu ngày về nước của các cơ quan Xuất nhập cảnh của Hàn Quốc và Việt Nam) về Trung tâm Lao động ngoài nước (địa chỉ: số 1, đường Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa, Hà Nội; điện thoại: 04 37346751).


  1. Tiếp nhận khai báo, tổng hợp báo cáo


Ủy ban nhân dân  xã / phường / thị  trấn nơi người lao động có hộ khẩu thường trú tiếp nhận khai báo của người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc của địa phương đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính tự nguyện về nước như sau:


+ Thu và lưu giữ 01 bản phô tô hộ chiếu hoặc giấy thông hành (trang có ảnh và trang có dấu ngày về nước của cơ quan Xuất nhập cảnh tại sân bay Hàn Quốc và Việt Nam);


+ Kiểm tra thông tin cá nhân của người lao động, đối chiếu với Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành bản gốc và tổng hợp các thông tin của người lao động (họ tên, ngày sinh, số CMND, số Hộ chiếu hoặc Giấy thông hành, địa chỉ thường trú, năm xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc, ngày tự nguyện về nước, số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính) để báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.


- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các  tỉnh / thành  phố trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước của tỉnh (theo các mục nêu trên) gửi về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Trung tâm lao động ngoài nước) trước ngày 25 hàng tháng.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.