Hết hiệu lực: 01/01/2020
BỘ CÔNG THƯƠNG ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 06 / 2016 / TT - BCT | Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2016 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 32 / 2014 / TT - BCT NGÀY 09 THÁNG 10 NĂM 2014 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ XÂY DỰNG, ÁP DỤNG BIỂU GIÁ CHI PHÍ TRÁNH ĐƯỢC VÀ BAN HÀNH HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN MẪU CHO CÁC NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN NHỎ
Căn cứ Nghị định số 95 / 2012 / NĐ - CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,
Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32 / 2014 / TT - BCT ngày 09 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự xây dựng, áp dụng biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Điều kiện áp dụng Biểu giá chi phí tránh được đối với bên bán
Bên bán điện được áp dụng Biểu giá chi phí tránh được khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
Công suất đặt của nhà máy điện nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW và toàn bộ điện năng được sản xuất từ Năng lượng tái tạo.
Bên bán có nhiều nhà máy thủy điện bậc thang trên cùng một dòng sông mà tổng công suất đặt của các nhà máy này nhỏ hơn hoặc bằng 60 MW thì thực hiện như sau:
Trường hợp cụm thủy điện bậc thang có nhà máy thủy điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW được đưa vào vận hành đầu tiên thì áp dụng biểu giá chi phí tránh được cho toàn bộ các nhà máy thủy điện trong cụm thủy điện bậc thang theo quy định tại Thông tư này;
Trường hợp cụm thủy điện bậc thang có nhà máy thủy điện có công suất lớn hơn 30 MW được đưa vào vận hành đầu tiên, chủ đầu tư có trách nhiệm:
Thực hiện tính toán, đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Thông tư số 56 / 2014 / TT - BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xây dựng giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện (sau đây viết tắt là Thông tư số 56 / 2014 / TT - BCT ); tham gia thị trường điện theo quy định về thị trường điện do Bộ Công Thương ban hành;
Sau khi nhà máy điện tiếp theo đưa vào vận hành thương mại, chủ đầu tư được quyền lựa chọn một trong các nội dung sau:
+ Tiếp tục thực hiện tính toán, đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Thông tư số 56 / 2014 / TT - BCT ; tham gia thị trường điện theo quy định tại về thị trường điện do Bộ Công Thương ban hành;
+ Áp dụng biểu giá chi phí tránh được cho toàn bộ các nhà máy điện trong cụm thủy điện bậc thang từ ngày nhà máy điện tiếp theo vận hành thương mại theo quy định tại Thông tư này.”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3 Phụ lục IV - Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng biểu giá chi phí tránh được như sau:
“2. Đấu nối
Đối với nhà máy điện có công suất từ 10 MW trở lên
Bên bán có trách nhiệm đầu tư, trang bị cơ sở hạ tầng về SCADA, cơ sở hạ tầng về đo đếm và truyền số liệu về điều độ hệ thống điện;
Đối với các nhà máy điện có công suất từ 3 MW đến dưới 10 MW
Bên bán có trách nhiệm trang bị cơ sở hạ tầng về đo đếm và truyền số liệu để đảm bảo truyền số liệu vận hành về Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền,
Bên bán có trách nhiệm đầu tư, xây dựng, vận hành và bảo dưỡng các thiết bị đấu nối để đấu nối nhà máy với lưới điện phân phối và hệ thống SCADA phù hợp với Quy định về lưới điện phân phối và các quy định khác có liên quan. Bên bán phải chịu chi phí để nâng cấp hệ thống đo đếm tại trạm biến áp để đo điện năng tác dụng và phản kháng theo 2 chiều trên đường dây phân phối nối với nhà máy điện theo quy định tại Phụ lục C của Hợp đồng này;
Bên mua có quyền xem xét thiết kế, kiểm tra tính đầy đủ của thiết bị bảo vệ. Bên mua phải thông báo cho Bên bán kết quả thẩm định bằng văn bản trong thời hạn ba 30 ngày kể từ ngày nhận được toàn bộ hồ sơ kỹ thuật liên quan đến thiết kế. Bên mua phải thông báo bằng văn bản các lỗi thiết kế được phát hiện. Bên bán phải thực hiện sửa đổi, bổ sung do Bên mua đề xuất phù hợp với Quy định về lưới điện phân phối, lưới điện truyền tải theo cấp điện áp đấu nối của nhà máy;
Bên mua có trách nhiệm cho nhà máy điện của Bên bán đấu nối vào lưới điện của Bên mua sau khi Bên bán đã thực hiện xong các yêu cầu sửa đổi, bổ sung của Bên mua và hợp tác với Bên bán để hoàn tất việc chạy thử, nghiệm thu nhà máy điện.”
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 29 tháng 7 năm 2016.
Nội dung chuyển tiếp đối với cụm thủy điện bậc thang có nhà máy thủy điện có công suất lớn hơn 30 MW được đưa vào vận hành đầu tiên
Đối với cụm thủy điện bậc thang đã ký Hợp đồng mua bán điện theo biểu giá chi phí tránh được trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng biểu giá chi phí tránh được theo quy định tại Thông tư số 32 / 2014 / TT - BCT đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016;
Đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016 nếu chủ đầu tư nhà máy điện chưa hoàn thành đưa nhà máy thủy điện tiếp theo có công suất nhỏ hơn 30 MW trong cụm thủy điện bậc thang vào vận hành thương mại thì áp dụng như sau:
Đối với nhà máy thủy điện trong cụm thủy điện bậc thang có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30MW: Áp dụng biểu giá chi phí tránh được theo quy định tại Thông tư số 32 / 2014 / TT - BCT;
Đối với nhà máy thủy điện trong cụm thủy điện bậc thang có công suất lớn hơn 30MW: Thực hiện tính toán, đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Thông tư số 56 / 2014 / TT - BCT ; tham gia thị trường điện theo quy định của Bộ Công Thương. Đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016 chủ đầu tư không hoàn thành đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Thông tư số 56 / 2014 / TT - BCT , nhà máy điện này không được huy động phát điện lên lưới và thanh toán tiền điện;
Sau khi nhà máy thủy điện tiếp theo trong cụm thủy điện bậc thang đưa vào vận hành thương mại, chủ đầu tư được quyền lựa chọn áp dụng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề vướng mắc các đơn vị có liên quan có trách nhiệm báo cáo Cục Điều tiết điện lực để nghiên cứu, đề xuất, trình Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư cho phù hợp./.
Nơi nhận:
Văn phòng Tổng bí thư;
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Tòa án nhân dân tối cao;
Kiểm toán Nhà nước;
Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
Công báo;
Website Chính phủ, Bộ Công Thương;
Lưu: VT, PC, ĐTĐL.