Open navigation

Công văn 3217/TCT-DNL Công văn 3217/TCT-DNL của Tổng cục Thuế về việc rà soát Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm


BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 3217 / TCT - DNL

V/v rà soát Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm.

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2013



Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Qua công tác tổ chức quản lý thu thuế và khai thác cơ sở dữ liệu trên các ứng dụng quản lý thuế của ngành thuế thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế thấy rằng có một số doanh nghiệp có trụ sở thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý tài chính đối với chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp. Về việc này, Tổng cục thuế có ý kiến chỉ đạo như sau:


Tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 180 / 2012 / TT - BTC ngày 24/10/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp quy định:


"1. Khi phát sinh chi trợ cấp mất việc làm doanh nghiệp được hạch toán khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Thông tư này vào chi phí quản lý doanh nghiệp và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp.


Riêng năm 2012, doanh nghiệp được sử dụng số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 82 / 2003 / TT - BTC ngày 14/08/2003 của Bộ Tài chính đến 31/12/2011 (nếu có) để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Nếu số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm không đủ hoặc doanh nghiệp không có số dư Quỹ để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động thì toàn bộ phần chi còn thiếu doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp khi lập báo cáo tài chính năm 2012, nếu nguồn Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp còn số dư (sau khi đã chi trợ cấp mất việc làm trong năm 2012) doanh nghiệp hạch toán tăng thu nhập khác năm 2012 của doanh nghiệp, doanh nghiệp không được chuyển số dư Quỹ sang năm sau sử dụng."


Căn cứ vào quy định trên, đối với các doanh nghiệp được sử dụng số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 82 / 2003 / TT - BTC ngày 14/08/2003 của Bộ Tài chính đến 31/12/2011 để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động, khi lập báo cáo tài chính năm 2012, nếu nguồn Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp còn số dư (sau khi đã chi trợ cấp mất việc làm trong năm 2012) doanh nghiệp hạch toán tăng thu nhập khác năm 2012 của doanh nghiệp, doanh nghiệp không được chuyển số dư Quỹ sang năm sau sử dụng.


Tuy nhiên, qua khai thác số liệu trên các ứng dụng quản lý thuế của ngành thuế, Tổng cục Thuế phát hiện tính đến hết thời hạn quyết toán thuế năm 2012, một số doanh nghiệp vẫn còn số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm thể hiện trên Báo cáo tài chính năm 2012.

Để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế và tài chính, đề nghị Cục Thuế rà soát, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Trường hợp khi lập Báo cáo tài chính năm 2012, nếu các doanh nghiệp vẫn có số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm thì Cục Thuế đôn đốc các doanh nghiệp hạch toán tăng thu nhập khác đối với số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với khoản thu nhập này theo đúng quy định của pháp luật.



Trong quá trình rà soát, đôn đốc nếu phát sinh vướng mắc thì yêu cầu Cục Thuế báo cáo kịp thời và đề xuất giải pháp để Tổng cục Thuế xem xét, báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.


Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế biết và thực hiện./.



Nơi nhận:

  • Như trên;

  • Lưu: VT, DNL (2b).



KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG 

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG


Cao Anh Tuấn

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.