Open navigation

Công văn 152/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân


VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 152 / TB - VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2016


THÔNG BÁO


KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN


Ngày 03 tháng 6 năm 2016, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Tham dự tại đầu cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Y tế, Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo các Bộ, ngành: Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Quốc phòng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Lãnh đạo: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện Bộ Công an, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đại diện các cơ quan thông tấn, truyền thông, báo chí; tại đầu cầu địa phương có lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các sở, ban ngành liên quan.

Sau khi nghe các báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, báo cáo, tham luận của các địa phương; ý kiến các Bộ, ngành và ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

Bảo hiểm y tế là trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, là một chính sách lớn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm chỉ đạo, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong nhiều năm qua. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm y tế không ngừng được hoàn thiện, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Thời gian qua, các Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản của Đảng và pháp luật về bảo hiểm y tế và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến cuối năm 2015 đã có trên 76% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, như:

  • Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện Luật bảo hiểm y tế;

  • Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, người dân vẫn thiếu thông tin về chính sách, quyền lợi, trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế ... ;

  • Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã có chuyển biến bước đầu quan trọng, nhưng chưa được cải thiện nhiều, chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi đến cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định. Người dân còn chưa hài lòng về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, chuyển tuyến và thanh toán bảo hiểm y tế;

  • Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, người có thẻ bảo hiểm y tế vẫn phải trả nhiều tiền cho khám bệnh, chữa bệnh;

  • Công tác thanh tra, kiểm tra của một số cơ quan bảo hiểm xã hội đối với các cơ sở khám, chữa bệnh còn rườm rà, chưa tạo được niềm tin cho cả cơ sở y tế và người dân tham gia bảo hiểm y tế;

  • Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong các khâu khám, chữa bệnh, thanh toán còn chậm, rườm rà, thiếu đồng bộ, làm cho người dân chưa hài lòng, làm giảm tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm y tế.

    Bảo hiểm y tế là bắt buộc, đã được luật định. Để đẩy mạnh bảo hiểm y tế toàn dân, theo chủ trương của Đảng và Luật Bảo hiểm y tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế, yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền các cấp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

    1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam

  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam và hệ thống Bảo hiểm xã hội ở các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và chính quyền địa phương về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, từ tổ chức triển khai phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đến đề xuất với các cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách, giải pháp liên quan đến việc mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và tổ chức triển khai thực hiện.

  • Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia bảo hiểm y tế.

  • Ngay trong năm 2016, cho phép sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

    1. Bộ Y tế

  • Chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, trân trọng, không phân biệt đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế; tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế;

  • Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh và giảm chi phí của người bệnh;

  • Phải bình đẳng giữa các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân trong khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế;

  • Trong năm 2017 hoàn thành việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản;

  • Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện khám, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế của các bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát.

    1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

  • Đưa tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương.

  • Từ năm 2017, bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, trong đó tập trung hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, đảm bảo 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

  • Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; kiểm tra tinh thần, thái độ phục vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

    1. Bộ Tài chính

  • Bố trí đầy đủ, kịp thời ngân sách để đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Phối hợp với các Bộ ngành có liên quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tham gia bảo hiểm y tế đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng ổn định để có kế hoạch cân đối ngân sách trung và dài hạn.

  • Đổi mới phương thức chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế theo hướng chuyển dần từ cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cùng với lộ trình tăng giá dịch vụ y tế.

  • Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng các gói dịch vụ y tế bổ sung phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng các gói dịch vụ y tế ngoài gói dịch vụ y tế cơ bản do Bộ Y tế xây dựng.

  • Khẩn trương đề xuất việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hộ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình.

  • Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế thu thuế đồng thời thu hộ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh.

    1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

  • Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên.

  • Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường thông tin, truyền thông, vận động học sinh sinh viên, nhất là sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

    1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc: Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách giai đoạn 2016-2020 cho nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước, hỗ trợ đóng.

    2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

  • Xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng, đảm bảo đến năm 2018 đạt 100% các đối tượng thuộc diện quản lý tham gia bảo hiểm y tế.

  • Thống nhất với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đưa một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.

  1. Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiệm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ việc giám định, thanh toán bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc vào hệ thống giám định, thanh toán bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

    Các cơ sở khám, chữa bệnh đã có hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý phải có giải pháp đảm bảo chiết xuất dữ liệu để kết nối theo yêu cầu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

    Nếu không kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế thì cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

  2. Các cơ quan thông tin, báo chí: Làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông về bảo hiểm y tế. Để xã hội nhận thức đúng về quyền lợi, trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế phải từ chính đội ngũ làm công tác truyền thông với phương châm một xã hội văn minh, một đất nước tiên tiến, phát triển cần phải có hệ thống bảo hiểm y tế tốt.

  3. Đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tiếp tục vận động các hội viên, đoàn viên tích cực tham gia bảo hiểm y tế; đồng thời giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.



Nơi nhận:

  • TTg, các PTTg;

  • Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

  • Tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc

  • UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

  • Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;

  • Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

  • Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;

  • Trung ương Hội LHPN Việt Nam;

  • Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;

  • Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

  • VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, 

             các Vụ: KTTH, V.III, PL, TKBT, TH;

  • Lưu: VT, KGVX(3).T

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM


Mai Tiến Dũng

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.