Open navigation

Quyết định 1649/QĐ-TTg Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam - Lào


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 1649/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2016


QUYẾT ĐỊNH


BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 27 tháng 6 năm 2015;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.



Nơi nhận:

  • Như Điều 3;

  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;

  • Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

  • Văn phòng: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội;

  • Tòa án nhân dân tối cao;

  • Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

  • UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

  • Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

  • HĐND, UBND các tỉnh, thành phố;

  • VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, 

    các Vụ: TH, KTN, KTTH, V.III, Công báo;

  • Lưu: VT, QHQT (3b).HC

    THỦ TƯỚNG


    Nguyễn Xuân Phúc

    KẾ HOẠCH


    THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

    (Ban hành kèm theo Quyết định số 1649/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)


    1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU


      1. Mục đích:


        Triển khai Hiệp định Thương, mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (sau đây gọi tắt là Hiệp định).


      2. Yêu cầu:


        Quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, tạo thuận lợi trong công tác phối hợp thực hiện giữa các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan.


    2. NỘI DUNG KẾ HOẠCH


      1. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định


        Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định, các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định, các quy định pháp luật của Việt Nam và Lào liên quan đến hoạt động thương mại, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan của Việt Nam và Lào trên các phương tiện thông tin; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn về Hiệp định; niêm yết danh mục các hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu, hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, hàng hóa không phải chịu thuế nhập khẩu khi nhập khẩu về Việt Nam tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới.


      2. Hướng dẫn thực hiện Hiệp định và các văn bản hướng dẫn liên quan


        • Trao đổi, khuyến khích phía Lào thành lập Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới cấp Trung ương và cấp địa phương, phối hợp với phía Việt Nam xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai Ban Chỉ đạo của hai nước để xử lý, hướng dẫn và giám sát thực hiện Hiệp định hiệu quả, tham mưu cho Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại biên giới hai nước thuộc thẩm quyền của Chính phủ.


        • Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định về hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân biên giới và cư dân biên giới trong Quý III năm 2016.


      3. Hỗ trợ doanh nghiệp thương mại biên giới Việt Nam - Lào

        Khuyến khích thành lập Hiệp hội thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Lào; tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội trong việc tiếp cận thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở biên giới Việt Nam - Lào.

      4. Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới Việt Nam - Lào



          • Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Lào, bao gồm nghiên cứu, khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm, quảng cáo, tư vấn, môi giới, đại lý và các dịch vụ khác nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường thông qua các cửa khẩu, lối mở biên giới Việt Nam - Lào.


          • Triển khai các chương trình khuyến khích thương nhân và cư dân biên giới đầu tư sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào, phù hợp với các ưu đãi của Hiệp định.


          • Lập danh sách thương nhân và cư dân biên giới đầu tư sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới tiếp giáp Lào để theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ. Thông báo đến các cơ quan quản lý tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trên trong các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.


          • Thúc đẩy phát triển du lịch gắn kết với thương mại biên giới; đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp với triển lãm thương mại, mua sắm qua biên giới; mở rộng các điểm, tuyến du lịch văn hóa qua biên giới, tuyến du lịch kết nối các tỉnh Việt Nam và Lào; khuyến khích xây dựng và phát triển các tuyến du lịch vào sâu trong nội địa của hai nước và kết nối với các nước trong khu vực.


      5. Phát triển hoạt động của chợ biên giới



          • Đẩy mạnh tìm kiếm, thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ biên giới Việt Nam - Lào theo quy hoạch chợ biên giới đã được phê duyệt.


          • Ban hành Quy chế quản lý chợ biên giới chung giữa hai nước để tạo môi trường cho thương nhân biên giới và cư dân biên giới của hai nước hoạt động thương mại.


          • Thành lập các hệ thống phân phối hàng Việt Nam đến các chợ biên giới Việt Nam - Lào và xuất khẩu sang Lào thông qua chợ biên giới.


      6. Về quản lý và điều hành cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào



          • Căn cứ Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền và các quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện thống nhất, đồng bộ các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính tại cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh người, phương tiện giao thông qua các cửa khẩu.

          • Khuyến khích các nhà đầu tư của Việt Nam, Lào và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại biên giới; phát triển các dịch vụ hỗ trợ thương mại tại các khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào.


          • Xây dựng và phát triển các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào nhằm tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực.


      7. Chia sẻ thông tin và đào tạo



          • Các Bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường cung cấp, cập nhật thông tin về các quy định pháp luật của Việt Nam và Lào về thương mại biên giới, đặc biệt là các quy định về thủ tục hải quan, thuế, phí và lệ phí, thông tin về dịch bệnh trên động vật và thực vật, cho các cơ quan liên quan, thương nhân biên giới và cư dân biên giới hai nước.


          • Xây dựng cơ chế kết nối thông tin trực tiếp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới với các cửa khẩu biên giới Việt - Lào.


          • Xây dựng Chương trình đào tạo chung cho các cơ quan quản lý thương mại biên giới, thương nhân biên giới và cư dân biên giới.


      8. Tổ chức hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt - Lào luân phiên tại mỗi nước để đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, giải pháp cần thiết và xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện Hiệp định.


    3. THỜI GIAN THỰC HIỆN


      Kế hoạch này được thực hiện kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cho đến khi Hiệp định hết hiệu lực.


    4. KINH PHÍ THỰC HIỆN


      1. Hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương được phân công trong Kế hoạch này chủ động lập dự toán ngân sách hàng năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt.


      2. Lồng ghép với kinh phí thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình khác.


      3. Huy động các nguồn hợp pháp theo quy định của pháp luật.


    5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN


      1. Bộ Công Thương


          • Trao đổi với phía Lào về việc thành lập Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới cấp Trung ương và cấp địa phương; phối hợp với phía Việt Nam xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai Ban Chỉ đạo của hai nước.


          • Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định về hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân biên giới và cư dân biên giới trong Quý III năm 2016.


          • Tìm kiếm, thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ biên giới Việt Nam - Lào theo quy hoạch chợ biên giới đã được phê duyệt; xây dựng Quy chế quản lý chợ biên giới chung giữa hai nước; phát triển các hoạt động của chợ biên giới.


          • Chủ trì, phối hợp với phía Lào và các cơ quan liên quan hai nước luân phiên theo định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào.


          • Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Bộ Công Thương Lào tuyên truyền, phổ biến Hiệp định và các văn bản liên quan khác; tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào; tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ các Bộ, ngành liên quan hai nước cập nhật kịp thời các quy định mới của pháp luật hai nước liên quan đến hoạt động thương mại biên giới; xây dựng cơ chế kết nối thông tin trực tiếp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới với các cửa khẩu biên giới Việt - Lào; xây dựng Chương trình đào tạo chung cho các cơ quan quản lý thương mại biên giới, thương nhân biên giới và cư dân biên giới; triển khai các chương trình khuyến khích thương nhân, cư dân biên giới đầu tư sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào, lập danh sách thương nhân, cư dân biên giới này và thông báo đến các cơ quan quản lý tại cửa khẩu.


      2. Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn thực hiện chính sách thuế, phí và lệ phí; chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân biên giới, cư dân biên giới của hai nước.


      3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới giáp Lào và các cơ quan liên quan thúc đẩy phát triển du lịch gắn kết với thương mại biên giới; đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp với triển lãm thương mại, mua sắm qua biên giới; mở rộng các điểm, tuyến du lịch văn hóa qua biên giới, tuyến du lịch kết nối các tỉnh Việt Nam và Lào; khuyến khích xây dựng và phát triển các tuyến du lịch vào sâu trong nội địa của hai nước và kết nối với các nước trong khu vực.


      4. Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới giáp Lào, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nội dung Hiệp định, tình hình hoạt động thương mại biên giới của địa phương và Kế hoạch này để triển khai thực hiện.


      5. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công Thương định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hiệp định, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hai nước; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này./.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.