BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 30/2016/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2016 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG TÁC QUẢN TRANG TẠI CÁC NGHĨA TRANG LIỆT SĨ
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009, Nghị định số 14/2012/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012 và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ;
Sau khi có sự thỏa thuận của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng đối với người làm công tác quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả công chức đang trong thời gian tập sự, viên chức đang trong thời gian thử việc) và người lao động trong chỉ tiêu biên chế và số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Cá nhân và tổ chức có liên quan.
Điều 3. Quy định áp dụng mức, hệ số phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Mức 1, hệ số 0,1 áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công việc gồm: Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ; phục vụ lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ của các đoàn đại biểu đến viếng; tiếp nhận, tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ do các địa phương, đơn vị quy tập bàn giao; khai quật, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để làm giám định
ADN theo quy định; bảo vệ, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên và các công trình khác của nghĩa trang.
Điều 4. Cách tính và nguồn kinh phí chi trả phụ cấp
-
Cách tính trả phụ cấp:
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm:
Các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.
Các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp độc hại, nguy hiểm do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.
Điều 5. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản đã được thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.
Điều 6. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2016.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết.
Nơi nhận:
Thủ tướng Chính phủ;
Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
Văn phòng Trung ương Đảng;
Văn phòng Quốc hội;
Văn phòng Chủ tịch nước;
Văn phòng Chính phủ;
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Tòa án nhân dân tối cao;
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật;
Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ, Cổng TTĐT;
Lưu: VT, NCC.