VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 98/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2017 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC LÀM VIỆC VỚI KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Ngày 02 tháng 02 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến kết luận như sau:
-
Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập theo pháp luật, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu quả quản lý tài chính công và tài sản công. Với đặc điểm nước ta có chế độ công hữu về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, quy mô tài chính công, tài sản công rất lớn thì yêu cầu giám sát chặt chẽ lại càng quan trọng.
Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và với nhiều nội dung mới quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã tạo tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của Kiểm toán nhà nước.
Bộ máy của Kiểm toán Nhà nước ngày càng được kiện toàn; số lượng, chất lượng cán bộ Kiểm toán Nhà nước được tăng cường và nâng cao. Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ hơn, tích cực tham gia với các cơ quan Chính phủ, Quốc hội trong thực hiện trách nhiệm được giao. Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đổi mới nên đã đạt được những kết quả nổi bật. Kết quả kiểm toán toàn diện, trong đó kiến nghị xử lý tài chính, tăng thu cho ngân sách nhà nước cao nhất trong 22 năm hoạt động và tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015, đồng thời tỷ lệ thực hiện các kết luận và kiến nghị xử lý của kiểm toán Nhà nước đạt trên 74%, tăng cao so năm 2015; một số hoạt động của kiểm toán được quan tâm nhiều như kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, việc thu phí các dự án BOT. Nhiều kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được tiếp thu, hoàn thiện thể chế và góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng.
-
Một số nội dung đề nghị Kiểm toán Nhà nước:
Kiểm toán Nhà nước phải gương mẫu, đi đầu trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo hành động và phục vụ dân, doanh nghiệp, thông qua chức năng nhiệm vụ của mình, Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ bảo đảm sự liêm chính trong quản lý kinh tế của Nhà nước, đặc biệt là quản lý tài chính công và tài sản công. Để làm được điều này, Kiểm toán Nhà nước trước hết cần liêm chính trong hoạt động kiểm toán.
-
Kiểm toán Nhà nước không chỉ phát hiện sai phạm mà còn đề xuất hoàn thiện thể chế qua tổng kết hoạt động thực tiễn, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách pháp luật, đó chính là nhiệm vụ kiến tạo phát triển của Kiểm toán Nhà nước.
-
Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để giám sát, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy trình kiểm toán, bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ, đề cao đạo đức nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm toán vừa có tâm, vừa có tầm, nâng cao vai trò, uy tín của mình.
-
Kiểm toán Nhà nước tiếp tục nâng cao chất lượng, kế hoạch kiểm toán, tập trung vào những nội dung, chương trình kế hoạch ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ và nền kinh tế như: tái cơ cấu, bảo đảm an toàn tài chính công quốc gia, kiểm toán nợ xấu, nợ công, nợ thuế, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách, sử dụng tài sản công, các dự án BOT, kiểm toán định giá trị doanh nghiệp phục vụ công tác cổ phần hóa... Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cần lắng nghe, phối hợp tốt, có cơ chế trao đổi nghiệp vụ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát.
đ) Kiểm toán Nhà nước cần tập trung hơn nữa loại hình kiểm toán hoạt động như xu thế của thế giới đang làm để chủ động phát hiện, không để bị động và giải quyết hậu quả phát hiện; kiểm toán đánh giá hiệu quả, sự phù hợp của các chính sách, chiến lược phát triển, các chủ trương; thực hiện tiền kiểm các dự án lớn để đưa ra khuyến nghị, cảnh báo giúp Chính phủ, Quốc hội trước khi quyết định hoặc có những điều chỉnh kịp thời.
Kết luận kiểm toán cần công khai, minh bạch mạnh mẽ hơn. Nội bộ Kiểm toán Nhà nước cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đặc biệt là hoàn thiện quy trình thủ tục kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán, giảm phiền hà, nhũng nhiễu đối với đơn vị được kiểm toán. Tập trung hơn vào tiền kiểm thay vì hậu kiểm là chính.
Về kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
-
Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2016; cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan tới công tác kiểm toán, kể cả dữ liệu điện tử và việc truy cập các phần mềm cho Kiểm toán Nhà nước.
-
Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra thuộc các bộ, ngành, căn cứ kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra có liên quan nhằm hạn chế sự trùng lắp, chồng chéo gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và đảm bảo tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật.
-
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối bố trí đủ vốn cho các dự án được phê duyệt theo quy định của Kiểm toán Nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
-
Các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Nội vụ và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước trong việc xây dựng Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán
nhà nước để Kiểm toán Nhà nước trình Chính phủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; triển khai Nghị quyết số 325/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước và việc tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 vào năm 2018 nhằm nâng cao vị thế và hiệu lực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện.
Nơi nhận:
TTg, các Phó TTg;
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
Văn phòng Quốc hội;
Kiểm toán Nhà nước;
VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
các Vụ: ĐMDN, CN, V.I, TH;
Lưu: VT, KTTH (3).