Open navigation

Công văn 1365/TCT-DNL Hạch toán chi phí mua vàng, ngoại tệ


BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 1365/TCT-DNL

V/v hạch toán chi phí mua vàng, ngoại tệ

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2017



Kính gửi: Ngân hàng TMCP Sài Gòn.


Tổng cục Thuế nhận được công văn số 162/SCB-TGĐ.17 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn về việc hạch toán chi phí chênh lệch giữa giá mua vàng, ngoại tệ so với giá niêm yết. Sau khi báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:


Tại Khoản 2.19 Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:


“2.19. Phần chi vượt quá 10% tổng số chi được trừ, bao gồm: chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% tổng số chi được trừ trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi khống chế quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra; ...”


Tại Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 05/2013/TT-BTC ngày 9/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về quản lý chi phí quy định:


“Điều 6. Quản lý chi phí


1. Chi phí của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm các khoản chi quy định tại Điều 16 Nghị định số 57/2012/NĐ-CP. Một số khoản chi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:


a) Chi cho hoạt động kinh doanh



- Chi cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng: chi cho kinh doanh ngoại tệ giao ngay; chi cho kinh doanh vàng; chi cho các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ và các công cụ tài chính phái sinh khác...”.


Các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật các tổ chức tín dụng do đó thuộc đối tượng áp dụng của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Hoạt động khuyến mại vàng, ngoại tệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.


Căn cứ quy định pháp luật và thực tế tình hình kinh doanh vàng, ngoại tệ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn thì khoản chênh lệch giữa giá mua vàng, ngoại tệ so với giá niêm yết năm 2013 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn được hạch toán vào chi phí khuyến mại. Mức khống chế thực hiện theo quy định tại Khoản 2.19 Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính.


Tổng cục Thuế trả lời Ngân hàng TMCP Sài Gòn được biết và thực hiện theo quy định./.



Nơi nhận:

  • Như trên;

  • Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);

  • Cục Thuế TP Hồ Chí Minh;

  • Vụ CST, TCNH, PC, TTra, CĐKT, TCDN (BTC);

  • Vụ CS, TTra, PC (TCT);

  • Lưu: VT, DNL (2b).15


KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG 

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG


Đặng Ngọc Minh

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.