BỘ TÀI CHÍNH ------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 7504/BTC-QLCS V/v sử dụng hóa đơn bán tang vật vi phạm hành chính |
Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2017 |
Kính gửi: Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn
Trả lời Công văn số 497/STC-QLG&CS ngày 05/4/2017 của Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn về việc sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, tang vật; Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính; điểm b khoản 4 Điều 1 Thông tư số 225/2009/TT-BTC ngày 26/11/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán tài sản nhà nước và hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước; khoản 1 Điều 4, khoản 7 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ; Điều 13 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
-
Việc sử dụng hóa đơn để giao cho khách hàng khi bán tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng (quy định tại Điều 2 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính) bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (chưa có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước) thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tang vật vi phạm hành chính (đã bán nêu trên) bị tịch thu sung quỹ nhà nước hay không bị tịch thu sung quỹ nhà nước:
-
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước: Sử dụng hóa đơn bán tài sản nhà nước và hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước quy định tại Thông tư số 225/2009/TT-BTC ngày 26/11/2009 của Bộ Tài chính;
-
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tang vật vi phạm hành chính không bị tịch thu sung quỹ nhà nước, Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn xác định tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng có thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng hay không:
Trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì sử dụng hóa đơn lẻ do cơ quan thuế cấp quy định tại Điều 13 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (như vật phẩm tươi sống, động vật rừng bị yếu, bị thương không thuộc nhóm IB hoặc lâm sản khác còn tươi không thuộc nhóm IA) thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn lẻ.
-
Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng đã thực hiện bán ngay theo quy định (khi chưa có quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước) thì toàn bộ số tiền thu được từ bán phải gửi vào tài khoản tạm giữ của cơ quan người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước và được quản lý như sau:
-
Trường hợp tang vật không bị tịch thu sung quỹ nhà nước thì toàn bộ số tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật;
Trường hợp tang vật bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quyết định của người có thẩm quyền, cơ quan của người ra quyết định tịch thu có trách nhiệm chuyển số tiền bán hàng hóa, tang vật trong tài khoản tạm giữ sang tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính. Việc quản lý số tiền thu được được thực hiện theo quy định tại Chương IV Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính trả lời để Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn biết, thực hiện theo quy định./.
Nơi nhận:
Như trên;
UBND tỉnh Lạng Sơn;
Tổng cục Thuế;
Vụ Pháp chế;
Lưu: VT, QLCS (VPC, P.TSTT, P.TSKCHT).