BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5809/TCHQ-ĐTCBL
V/v tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất.
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2017 |
Kính gửi: |
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; - Cục Điều tra chống buôn lậu. |
Theo thông báo của Văn phòng thường trực Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm: Hiện nay, hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp bằng các loại tiền chất của tội phạm ma túy ở nước ta và các nước lân cận có nhiều diễn biến phức tạp. Bọn tội phạm lợi dụng việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát tiền chất của các cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ, còn nhiều sơ hở, thiếu sót để sử dụng các loại tiền chất điều chế, sản xuất ra nhiều loại ma túy tổng hợp, nhiều vụ với tính chất, quy mô lớn. Trong lĩnh vực hải quan, các đối tượng triệt để lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, các hình thức kinh doanh, đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa...để mua bán, vận chuyển trái phép các loại tiền chất vào Việt Nam hoặc đưa ra nước ngoài tiêu thụ, tạo cơ hội thuận lợi cho bọn tội phạm ma túy sử dụng các tiền chất này để sản xuất ra ma túy tổng hợp ngay trong nước, trong các khu công nghiệp.... Thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu và Hải quan các tỉnh, thành phố đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển trái phép các loại tiền chất sử dụng trong Y tế, công nghiệp với một số phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: Khai báo sai tên hàng hóa, số lượng, chủng loại; không có giấy phép, quay vòng giấy phép...hoặc gửi dưới dạng quà biếu, quà tặng để vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh.
Trước tình hình trên, nhằm tăng cường công tác kiểm soát đối với hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, mua bán, vận chuyển trái phép các loại tiền chất, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thực hiện một số biện pháp sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 21/CT-TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới; Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 7/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020; Kế hoạch số 536/KH-TCHQ ngày 24/1/2017 của Tổng cục Hải quan về đấu tranh phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy và buôn lậu tiền chất năm 2017.
2. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các các đơn vị nghiệp vụ:
- Thực hiện nghiêm các quy định về quy trình thủ tục hải quan (nhất là khâu tiếp nhận hồ sơ, khai báo hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa... ), tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế và các quy định khác của pháp luật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là các loại tiền chất nằm trong Danh mục ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành (Chú ý: loại tiền chất theo quy định phải có giấy phép khi nhập khẩu, xuất khẩu thì trong Tờ khai hải quan phải thể hiện cụ thể số giấy phép, cơ quan cấp phép, khai báo đầy đủ, chính xác, rõ tên loại tiền chất, thành phần hóa học, ký/mã hiệu, đặc tính, công dụng của loại hóa chất đó).
- Các Đội kiểm soát hải quan, Đội Kiểm soát ma túy chuyên trách, các Tổ và các cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ phòng, chống ma túy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất; Tăng cường các hoạt động nghiệp vụ để nắm rõ về mục đích sử dụng, số lượng, chủng loại, định mức tiêu hao, tồn đọng, tiêu hủy, các hoạt động mua bán, chuyển nhượng tiền chất giữa các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý.
- Khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm về lĩnh vực này phải tổ chức điều tra, xác minh, lập hồ sơ chặt chẽ và xem xét, đánh giá cụ thể từng trường hợp để có biện pháp xử lý hành chính hoặc chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều doanh nghiệp, nhiều tỉnh thành phố, có yếu tố nước ngoài hoặc các vụ việc vi phạm pháp luật vượt quá thẩm quyền của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải khẩn trương báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Cục Điều tra chống buôn lậu) để chỉ đạo.
3. Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan và lực lượng kiểm soát ma túy chuyên trách:
- Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, nghiệp vụ kiểm soát ma túy, tập trung làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin, điều tra cơ bản, xác minh các đối tượng, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để chủ động xây dựng phương án đấu tranh, xử lý nghiêm đối với những hoạt động mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép các loại tiền chất.
- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng nghiệp vụ của Công an, Y tế, Công thương trong công tác kiểm soát và quản lý tiền chất. Khi phối hợp, nếu phát hiện các vụ việc vi phạm thì thống nhất biện pháp xử lý với các lực lượng phối hợp theo đúng quy định, chức năng, quyền hạn.
4. Yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm chế độ báo cáo về công tác kiểm soát tiền chất theo quy định. Thông qua việc phát hiện, xử lý các vụ vi phạm để rà soát lại các khâu thực hiện quy trình thủ tục hải quan, phát hiện các sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng phạm tội có thể lợi dụng hoạt động để tham mưu cho Tổng cục sửa đổi, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trọng công tác quản lý hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa là các loại tiền chất.
5. Giao Cục Điều tra chống buôn lậu tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo công tác kiểm soát tiền chất của ngành Hải quan và Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác kiểm soát tiền chất đối với các đơn vị thuộc quyền: Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho các hành vi: xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển trái phép các loại tiền chất.
- Giao Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì (Phòng Kiểm soát ma túy làm đầu mối) đôn đốc, kiểm tra, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Hải quan để chỉ đạo.
(Phòng Kiểm soát ma túy: Số Fax: 0439440656. Điện thoại: 04.39440679)
Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - Đ/c Tổng cục trưởng (để b/c); - Lưu: VT, ĐTCBL (6b). |
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |