BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5946/TCHQ-TXNK
V/v trả lời công văn số 09-2017/XNKVK
|
Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2017 |
Kính gửi: Công ty TNHH Vikom.
(Đường B3, khu B, KCN Phố Nối A, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên)
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 9065/VPCP-ĐMDN ngày 25/08/2017 của Văn phòng Chính phủ chuyển công văn số 09-2017/XNKVK ngày 18/08/2017 của Công ty TNHH Vikom về việc phạt chậm nộp thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về chính sách thuế
Căn cứ khoản 7 Điều 16, điểm d khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13; căn cứ Điều 12, Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ, từ ngày 01/09/2016 (ngày Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực), trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không trực tiếp xuất khẩu mà bán cho doanh nghiệp khác để sản xuất sản phẩm xuất khẩu thì không được miễn thuế, hoàn thuế theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
2. Về chậm nộp thuế
Căn cứ Điều 106 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 32 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/07/2013, khoản 4 Điều 5 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 và khoản 3 Điều 3 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế 106/2016/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016) thì từ ngày 01/07/2013 việc chậm nộp tiền thuế không thuộc hành vi bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (Điều 103 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11) mà phải nộp tiền chậm nộp, đồng thời Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn Luật không quy định về miễn tiền chậm nộp. Vì vậy, không có cơ sở để xem xét, giải quyết đối với đề nghị miễn tiền chậm nộp của Công ty.
Theo các quy định nêu trên, việc chuyển loại hình nhập khẩu E31 (nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu) sang loại hình A12 (nhập kinh doanh sản xuất) thì phải điều chỉnh lại thời hạn nộp thuế và tính tiền chậm nộp thuế. Cách xác định tiền chậm nộp như sau:
- Về mức tính tiền chậm nộp: Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế 106/2016/QH13 quy định mức tính chậm nộp là 0.03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
- Về số ngày chậm nộp thuế: Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 133 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Số ngày chậm nộp tiền thuế được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo hoặc trong quyết định xử lý của cơ quan hải quan và văn bản xử lý về thuế của cơ quan có thẩm quyền đến ngày liền kề trước ngày người nộp thuế hoặc cơ quan, tổ chức thu tiền thuế, tổ chức bảo lãnh nộp số tiền thuế chậm nộp vào ngân sách nhà nước”
Đề nghị Công ty nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện, trường hợp vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể.
Tổng cục Hải quan trả lời để Công ty TNHH Vikom được biết./.
Nơi nhận: - Như trên; - TT. Vũ Thị Mai (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ (để đăng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ); - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (để tổng hợp); - PTCT. Nguyễn Dương Thái (để b/c); - Lưu: VT, TXNK (03bản). |
TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |