Open navigation

Công văn 1384/XNK-CN Xuất khẩu tại chỗ của doanh nghiệp FDI

BỘ CÔNG THƯƠNG
CỤC XUẤT NHẬP KHẨU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1384/XNK-CN
V/v xuất khẩu tại chỗ của doanh nghiệp FDI

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2017

 

Kính gửi: Công ty TNHH Montrims Labels and Packaging
(Số 13 Đường số 7, Khu dân cư Cityland, phường 7, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh)


    Trả lời công văn số 2909/2017/CV/MT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Công ty TNHH Montrims Labels and Packaging về xuất nhập khẩu tại chỗ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có ý kiến như sau:

        1. Về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại chỗ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI)

        Tại Mục II Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04 tháng 04 năm 2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, có quy định:

            a. “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện xuất khẩu tại chỗ hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.” (điểm c khoản 3).

            Ngoài ra, tại Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, có quy định:

                - Đối với bên đặt gia công: “Được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.” (điểm e, khoản 1)

                - Đối với bên nhận gia công: “Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công.” (điểm e khoản 2).

            b. “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện nhập khẩu tại chỗ máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư để tạo tài sản cố định, nguyên vật liệu cho sản xuất.”

            Điều kiện đối với xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ hàng hóa được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP nêu trên của Chính phủ và điểm c khoản 3 Mục II Thông tư số 04/2007/TT-BTM nêu trên của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương).

        2. Về quyền xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

            - Tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ (quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam), có quy định về quyền xuất khẩu:

                “Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.” (khoản 3 Điều 3).

            - Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Bộ Công Thương (quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) quy định:

“Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép quyền xuất khẩu, được mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài, bao gồm hàng hóa do doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp khác nhập khẩu vào Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác.” (khoản 1 Điều 3).

        3. Căn cứ các quy định nêu trên và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thấy rằng hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với trường hợp bán (xuất khẩu) nhãn mác không do doanh nghiệp sản xuất (mà do doanh nghiệp khác nhập khẩu hoặc sản xuất tại Việt Nam) cho thương nhân nước ngoài với điều kiện giao hàng tại Việt Nam như Công ty TNHH Montrims Labels and Packaging (doanh nghiệp FDI) giải trình tại công văn số 2909/2017/CV/MT dẫn trên.

    Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông báo để Công ty được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục GSQL về hải quan (TCHQ);
- Cục Hải quan TP HCM;
- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh (để báo cáo);
- Cục trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, CN khanhhg

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thanh Hải

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.