VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI PHIÊN HỌP THỨ NĂM BAN CHỈ ĐẠO XỬ LÝ CÁC TỒN TẠI, YẾU KÉM CỦA MỘT SỐ DỰ ÁN VÀ DOANH NGHIỆP CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ THUỘC NGÀNH CÔNG THƯƠNG.
Ngày 26 tháng 02 năm 2018, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án) và nhiệm vụ, giải pháp triển khai năm 2018 của Ban Chỉ đạo. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo; ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
1. Năm 2017, Ban Chỉ đạo, các Bộ và các doanh nghiệp đã bám sát nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, công việc đề ra, đạt kết quả tích cực ban đầu; tình hình tại doanh nghiệp, dự án có chuyển biến tích cực như: Công ty cổ phần DAP 1 Đình Vũ - Hải Phòng, Thép Việt - Trung đã bù đắp được chi phí sản xuất, kinh doanh và bắt đầu có lãi; một số dự án, doanh nghiệp đã khởi động lại và duy trì sản xuất khá ổn định, giá bán cao hơn chi phí biến đổi nên đã giảm lỗ; một số Công ty: PVTEX Đình Vũ - Hải Phòng, Ethanol Quảng Ngãi đã có hướng xử lý rõ hơn, như khắc phục các vướng mắc về kỹ thuật, hợp tác để khởi động nhà máy, hợp tác để tìm kiếm thị trường tiêu thụ....
2. Tuy nhiên, những vướng mắc, tồn tại về hợp đồng EPC và tài chính của một số dự án, doanh nghiệp vẫn còn chậm được xử lý theo đúng chủ trương, thời hạn đề ra.
3. Các Tập đoàn, Tổng công ty khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp phù hợp để xử lý các tồn tại, vướng mắc của từng dự án, doanh nghiệp trực thuộc, kịp thời cáo Bộ Công Thương.
4. Việc xử lý vướng mắc, tồn tại về hợp đồng EPC và quyết toán dự án: Các Tập đoàn, doanh nghiệp cần tiếp tục xử lý trong Quý I năm 2018, chậm nhất trước tháng 6 năm 2018 phải hoàn thành phương án xử lý theo các bước: đàm phán, thống nhất giải pháp xử lý đến thuê tư vấn và hỗ trợ của Bộ Tư pháp trong trường hợp khởi kiện ra Tòa án, Trọng tài.
5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao trách nhiệm và thẩm quyền vào cuộc cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường.
6. Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao năm 2017, kết quả xử lý các sai phạm phát hiện sau kiểm toán, thanh tra, điều tra và kế hoạch năm 2018 gửi Bộ Công Thương trong tháng 3 năm 2018 để tổng hợp, bổ sung vào Báo cáo chung của Ban Chỉ đạo.
7. Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, tổng hợp nội dung nêu tại điểm 4 trên đây để xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả 01 năm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị; Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội trong tháng 4 năm 2018.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.