TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1547/TXNK-CST V/v chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng dầu trắng | Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2018 |
Kính gửi: Công ty TNHH YOKOHAMA TYRE VIỆT NAM.
(Số 17, đường số 10, KCN VSIP, P.Bình Hòa, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương)
Cục Thuế xuất nhập khẩu nhận được công văn số 1403/YVI/2018 ngày 14/3/2018 của Công ty TNHH Yokohama Tyre Việt Nam về chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu và phí CIC, DO, phí vệ sinh container. Về vấn đề này, Cục Thuế xuất nhập khẩu có ý kiến như sau:
1. Thuế bảo vệ môi trường:
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010 thì xăng, dầu, mỡ nhờn thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, bao gồm: “Xăng, trừ etanol; Nhiên liệu bay; Dầu diezel; Dầu hỏa; Dầu mazut; Dầu nhờn; Mỡ nhờn”.
Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 4 Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 thì đối tượng không chịu thuế bao gồm hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.
Căn cứ Điều 8 Luật Thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010 quy định về Biểu khung thuế tuyệt đối.
Căn cứ quy định tại điểm 1.3, khoản 1 Điều 5 Thông tư số 152/2011/TT-BTC về căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa là nhiên liệu hỗn hợp chứa xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch và nhiên liệu sinh học thì “Đối với hàng hóa là nhiên liệu hỗn hợp chứa xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch và nhiên liệu sinh học thì số lượng hàng hóa tính thuế trong kỳ là số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch có trong số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu hoặc sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, đưa vào tiêu dùng nội bộ được quy đổi ra đơn vị đo lường quy định tính thuế của hàng hóa tương ứng. Cách xác định như sau:
Số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch tính thuế | = | Số lượng nhiên liệu hỗn hợp nhập khẩu, sản xuất bán ra, tiêu dùng, trao đổi, tặng cho | x | Tỷ lệ phần trăm (%) xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch có trong nhiên liệu hỗn hợp |
Căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật chế biến nhiên liệu hỗn hợp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (kể cả trường hợp có thay đổi tỷ lệ phần trăm (%) xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch có trong nhiên liệu hỗn hợp), người nộp thuế tự tính toán, kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với số lượng xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch; Đồng thời có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế về tỷ lệ phần trăm (%) xăng, dầu, mỡ nhờn có gốc hóa thạch chứa trong nhiên liệu hỗn hợp và nộp cùng với tờ khai thuế của tháng tiếp theo tháng bắt đầu có bán (hoặc có thay đổi tỷ lệ) nhiên liệu hỗn hợp”.
Căn cứ Điều 2 Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/9/2012 của Bộ Tài chính thì: “Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài (bao gồm cả hàng hóa xuất khẩu được gia công từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu) do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu thì cơ quan hải quan không thu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa xuất khẩu và nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công sau đó xuất khẩu ra nước ngoài khi nhập khẩu.
Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường được tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua để xuất khẩu thì cơ sở sản xuất hàng hóa phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường khi bán hàng hóa".
2. Phí CIC, DO, phí vệ sinh container (tại công văn 1237/TCHQ-TXNK ngày 08/3/2018):
Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 6 phương pháp xác định trị giá hải quan.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì các khoản điều chỉnh cộng phải cộng vào trị giá hàng nhập khẩu nếu đáp ứng đủ các điều kiện: (1) Do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán; (2) Phải liên quan đến hàng hóa nhập khẩu; (3) Có số liệu khách quan, định lượng được, phù hợp với các chứng từ có liên quan.
Căn cứ quy định tại điểm g khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì chi phí vận tải và chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên là khoản phải cộng vào trị giá hàng nhập khẩu.
Như vậy, chỉ thực hiện khai báo chi phí vận tải và các chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên nếu các khoản chi phí này thuộc khoản điều chỉnh cộng quy định tại điểm g khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC Cửa khẩu nhập đầu tiên đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015.
Việc khai báo bổ sung nếu xác định các khoản chi phí thuộc khoản điều chỉnh cộng được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Đề nghị TNHH Yokohama Tyre Việt Nam căn cứ vào hồ sơ thực tế nhập khẩu đối chiếu với các quy định nêu trên để khai báo và tính thuế theo đúng quy định. Trường hợp có vướng mắc thì liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Thuế xuất nhập khẩu thông báo để Công ty TNHH sản xuất và thương mại sắc màu Việt Nam được biết./.
Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, CST (3b). | KT. CỤC TRƯỞNG |