BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG -------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 03/2018/TT-BTTTT | Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2018 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT VỀ SẢN XUẤT CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015; Căn cứ Luật Báo chí ngày 05/4/2016;
Căn cứ Nghị định số 201-CP ngày 26/5/1981 của Hội đồng Chính phủ về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình.
Điều 2. Phạm vi định mức
Định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình ban hành kèm theo Thông tư này quy định các mức hao phí tối đa trực tiếp trong sản xuất chương trình truyền hình, bao gồm: Hao phí về nhân công (chưa bao gồm hao phí về di chuyển ngoài phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà cơ quan sản xuất chương trình truyền hình đóng trụ sở); Hao phí về máy móc thiết bị (bao gồm máy móc, thiết bị dùng chung); Hao phí về vật liệu sử dụng trong sản xuất chương trình truyền hình, đảm bảo chương trình đủ điều kiện phát sóng hoặc đăng tải lên mạng Internet theo quy định của pháp luật về báo chí.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng Định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm:
Các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức sản xuất chương trình truyền hình.
Các cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động truyền hình (sau đây gọi tắt là cơ quan báo hình) được giao dự toán ngân sách nhà nước để sản xuất chương trình truyền hình.
Các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến sản xuất chương trình truyền hình sử dụng ngân sách nhà nước.
Khuyến khích cơ quan, tổ chức không sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất các chương trình truyền hình áp dụng Định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
Thông tư số 30/2010/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức áp dụng tạm thời về hao phí lao động, hao phí thiết bị trong sản xuất các chương trình truyền hình hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Căn cứ định mức hao phí tối đa về sản xuất chương trình truyền hình và hướng dẫn áp dụng ban hành kèm theo Thông tư này, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương quy định các định mức cụ thể sản xuất chương trình truyền hình phù hợp với điều kiện thực tế nhưng không vượt quá mức định mức hao phí tối đa.
Đối với các chương trình truyền hình thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền ở Trung ương ban hành nhưng chưa được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật kèm theo Thông tư này, cơ quan báo hình sản xuất chương trình tổ chức xây dựng định mức và báo cáo cơ quan chủ quản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, ban hành hoặc chấp thuận để cơ quan chủ quản ban hành.
Đối với việc quản lý sản xuất chương trình truyền hình thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do địa phương ban hành (ngoài phạm vi danh mục dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền ở Trung ương ban hành), các địa phương tổ chức xây dựng, xét duyệt và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
Văn phòng Quốc hội;
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Kiểm toán Nhà nước;
Tòa án nhân dân tối cao;
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Cổng TTĐT Bộ;
Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Các cơ quan báo hình;
Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
Lưu: VT, KHTC.