THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-TTg | Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, SẢN XUẤT, KINH DOANH HÀNG GIẢ, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG THUỘC NHÓM HÀNG DƯỢC PHẨM, MỸ PHẨM, THỰC PHẨM CHỨC NĂNG, DƯỢC LIỆU VÀ VỊ THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN
Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh trật tự.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.
Tình hình trên đây có nguyên nhân chủ yếu là các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng chưa nhận thức sâu sắc và đề cao trách nhiệm, chưa chủ động, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, có nơi buông lỏng quản lý; hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn chưa đồng bộ, tính khả thi không cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, dược liệu; việc thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời và kiên quyết; công tác tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm, chưa coi trọng cổ vũ động viên những tổ chức, cá nhân làm tốt; chưa phát huy tốt vai trò giám sát, phát hiện và tố giác vi phạm của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Sự bùng nổ của dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng trong đó có rất nhiều thông tin không chính xác về công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, đã kích thích nhu cầu sử dụng các sản phẩm này ngày càng gia tăng mạnh trên thị trường.
Thực tế trên đây là đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Để kịp thời khắc phục tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này. Cụ thể:
1. Bộ Y tế
a) Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi phù hợp những văn bản chưa quy định về chuyên môn kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm tra về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành.
b) Tăng cường quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát đối với nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu, các sản phẩm chăm sóc nâng cao sức khỏe con người; đề xuất thực hiện thống nhất và xã hội hóa công tác giám định, kiểm định; thực hiện kết nối một cửa quốc gia, chủ động chia sẻ thông tin về cấp phép, quản lý đối với sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, phối hợp với các cơ quan liên quan phòng chống hiệu quả buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng thuộc phạm vi quản lý.
c) Chỉ đạo tăng cường thanh tra công vụ đối với hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với lĩnh vực, mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; phối hợp với các cơ quan và các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, hậu kiểm, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nói trên.
2. Bộ Công an
Chỉ đạo Công an các cấp và các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, tập trung điều tra, triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ buôn lậu, kinh doanh, sản xuất hàng giả nghiêm minh theo pháp luật.
3. Bộ Quốc phòng
a) Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới đặc biệt là đường mòn lối mở, khu vực cửa khẩu, các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa ở khu vực biên giới; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại hàng hóa trong đó có dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền; phối hợp các bộ, ngành, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng tuyên truyền vận động cư dân vùng biên không tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
b) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra kiểm soát trên biển, chủ động phối hợp các lực lượng chức năng chia sẻ thông tin, phát hiện, bắt giữ các đối tượng buôn lậu trong đó có hàng hóa là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền qua đường biển.
4. Bộ Công Thương
a) Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên toàn quốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
b) Tăng cường quản lý giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các cơ quan chức năng, các chủ thể quyền, xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng các trang mạng xã hội kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
5. Bộ Tài chính
a) Chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo tuân thủ pháp luật, đặc biệt chú ý các lô hàng theo quy định phải đảm bảo điều kiện kiểm tra chuyên ngành theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới cho thông quan.
b) Chỉ đạo Cơ quan Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào xây dựng cơ chế quản lý đối với các mặt hàng này.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình, báo chí trên môi trường mạng, xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, kịp thời ngăn chặn, gõ bỏ các nội dung quảng cáo, thông tin sai quy định trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền.
b) Chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Công khai thông tin các tổ chức, cá nhân vi phạm, biểu dương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
7. Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế thẩm định và công bố công khai tiêu chuẩn quốc gia về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; quản lý chặt chẽ hoạt động của đại diện chủ sở hữu công nghiệp, quy định sở hữu công nghiệp và các dịch vụ sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp và tranh chấp thương mại liên quan.
b) Tăng cường công tác kiểm tra nhà nước về đo lường chất lượng và ghi nhãn hàng hóa, phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
c) Chỉ đạo các cơ quan giám định chuyên ngành phối hợp các bộ ngành liên quan thực hiện thống nhất công tác giám định; tăng cường quản lý cán bộ, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký và đã được chỉ định.
8. Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ ngành liên quan khẩn trương thẩm định theo thẩm quyền các dự thảo văn bản quy phạm về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật; tăng cường công tác theo dõi việc thi hành pháp luật chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
9. Giao Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia giúp Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương; định kỳ hàng năm sơ kết, tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị; là đầu mối thẩm định, đề xuất thi đua khen thưởng trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; xây dựng kế hoạch đấu tranh cụ thể đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng; phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
11. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Các tổ chức thành viên, hội nghề nghiệp phát huy vai trò giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức cho nhân dân về các nhóm mặt hàng này; tăng cường vai trò tư vấn phản biện xã hội đối với chính sách pháp luật về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Các doanh nghiệp phải thông tin đầy đủ về hàng hóa đến các cơ quan quản lý và người tiêu dùng, phải phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, đẩy mạnh liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
12. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được quy định, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách./.