BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4513/QĐ-BCA-V03 | Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CẢI CÁCH HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT, NHẬP KHẨU VÀ ĐƠN GIẢN HOÁ, CẮT GIẢM ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ CÔNG AN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tại Công văn số 2120/V03-P7 ngày 14 tháng 8 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Căn cứ Phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc trách nhiệm của Bộ Công an nêu trên, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức triển khai soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc nghiên cứu, kiến nghị, trình cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cá nhân, tổ chức có liên quan để đảm bảo việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu và cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, kinh doanh không làm phát sinh thêm các điều kiện khác.
Điều 4. Thủ trưởng các Cục, đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ (để theo dõi); - Các đồng chí Thứ trưởng; - Như Điều 4 (để thực hiện); - Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (để công bố); - Lưu: VT, V03. | BỘ TRƯỞNG |
PHƯƠNG ÁN
CẢI CÁCH HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT, NHẬP KHẨU VÀ ĐƠN GIẢN HÓA, CẮT GIẢM ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ CÔNG AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4513/QĐ-BCA-V03, ngày 15/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an)
I. ĐỐI VỚI SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH XUẤT, NHẬP KHẨU
1. Đối với các sản phẩm, hàng hóa được xác định tại Thông tư số 14/2012/TT-BCA ngày 20/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an
Tổng số có 65 loại sản phẩm, hàng hoá xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.
Bộ Công an loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành: 60 loại sản phẩm, hàng hoá; tỷ lệ cắt giảm đạt 92,31%. Cụ thể như sau:
1.1. Lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy
Tổng số có 60 loại sản phẩm, hàng hoá xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy.
a) Nội dung đơn giản hóa
- Loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành: 48 loại sản phẩm, hàng hóa
- Tỷ lệ cắt giảm đạt: 80%.
(Chi tiết các sản phẩm, hàng hoá loại bỏ khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành tại Phụ lục I kèm theo).
b) Lý do
- Loại bỏ khỏi danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm, hàng hoá chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chưa quy định được trình tự, thời hạn kiểm tra, chưa được gắn mã HS.
- Đối với các sản phẩm, hàng hoá đạt yêu cầu, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh trong lĩnh vực này.
1.2. Lĩnh vực trang thiết bị kỹ thuật
Tổng số có 03 loại sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực trang thiết bị kỹ thuật thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.
Bộ Công an không cắt giảm đối với các sản phẩm, hàng hoá trong lĩnh vực này (tỷ lệ cắt giảm đạt 0%).
1.3. Lĩnh vực vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Tổng số có 12 loại sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.
a) Nội dung đơn giản hoá
- Loại bỏ khỏi danh mục hàng hoá, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm, hàng hoá trong lĩnh vực này.
- Tỷ lệ cắt giảm đạt: 100%.
(Chi tiết các sản phẩm, hàng hoá loại bỏ khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành tại Phụ lục II kèm theo).
b) Lý do
- Thực tế hiện nay, từ khi Bộ Công an ban hành Thông tư số 14/2012/TT-BCA ngày 20/3/2012, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, với chức năng là đơn vị chủ trì tham mưu về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an chưa thực hiện kiểm tra đối với bất cứ sản phẩm, hàng hoá nào thuộc nhóm này.
- Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa hiện nay Bộ Công an chưa có Trung tâm kiểm định mặt hàng có đảm bảo chất lượng hay không; nếu có kiểm tra, chỉ là kiểm tra hồ sơ mà theo quy trình thì doanh nghiệp phải mất thời gian đi lại gửi hồ sơ ít nhất 2 lần, trong khi hàng hoá lưu ở cửa khẩu không đảm bảo an toàn.
- Để tạo thuận lợi cho cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu không cần thiết phải kiểm tra hồ sơ chất lượng hàng hóa trước thông quan, nếu kiểm tra thì kiểm tra sau thông quan (hậu kiểm).
1.4. Phương án thực thi
- Văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung: Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2012/TT-BCA ngày 20/3/2012 của Bộ Công an ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an.
- Đơn vị chủ trì: Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Bộ Công an.
- Đơn vị phối hợp: Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2018.
2. Đối với các sản phẩm, hàng hoá xuất, nhập khẩu khác thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an
a) Thống kê các sản phẩm, hàng hoá xuất, nhập khẩu khác thuộc trách nhiệm của quản lý của Bộ Công an chưa có mã HS
Theo thống kê của Bộ phận Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an còn 01 nhóm sản phẩm chưa có mã HS, cụ thể là:
Mẫu các chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần: được xác định tại Thông tư số 57/2012/TT-BCA ngày 08/9/2012 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành việc nhập khẩu, quản lý, sử dụng, tiêu hủy mẫu các chất ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.
b) Phương án thực thi
- Ban hành văn bản để bổ sung mã HS đối với nhóm sản phẩm, hàng hoá nêu trên theo quy định.
- Đơn vị chủ trì: Viện Khoa học hình sự.
- Đơn vị phối hợp: Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2018.
II. ĐỐI VỚI ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ, KINH DOANH
1. Thống kê số lượng ngành, nghề và điều kiện về an ninh, trật tự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an
Tổng số có 34 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện với 138 điều kiện về an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an được quy định tại các văn bản sau:
- Nghị định số 66/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị (quy định 01 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh với 04 điều kiện về an ninh, trật tự).
- Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện (quy định 24 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh với 97 điều kiện về an ninh, trật tự (trong đó có 03 điều kiện chung đối với 24 ngành, nghề; 01 điều kiện chung đối với 13 ngành, nghề)).
- Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (quy định 05 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh với 18 điều kiện về phòng cháy, chữa cháy).
- Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (quy định 04 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh với 19 điều kiện về an ninh, trật tự).
2. Phương án đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an
2.1. Đối với các điều kiện quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 66/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 và Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ
a) Phương án
- Giữ nguyên các điều kiện về an ninh, trật tự được quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 66/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 và Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ.
- Tỷ lệ cắt giảm: 0%.
b) Lý do
- Đối với điều kiện về an ninh, trật tự được quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, Nghị định số 66/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017: các điều kiện này đã được quy định rất chặt chẽ; tại thời điểm hiện nay các điều kiện này đang phù hợp và rất cần thiết cho công tác quản lý về an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, công tác quản lý việc kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là rất quan trọng, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
- Đối với điều kiện về an ninh, trật tự được quy định tại Nghị định số 79/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Quá trình xây dựng dự án Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Nghị định số 79/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các điều kiện về an ninh, trật tự đã được rà soát, nghiên cứu kỹ, đảm bảo các tiêu chí về tính hợp pháp, tính hợp lý, sự cần thiết và tiết kiệm chi phí tuân thủ cho các đối tượng thực hiện.
2.2. Đối với các điều kiện về an ninh, trật tự và hồ sơ thực hiện được quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành
a) Nội dung đơn giản hóa các điều kiện để kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy
Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị, địa điểm bảo đảm thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy”.
Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị, địa điểm bảo đảm thực hiện tư vấn chuyển giao công nghệ; phương tiện, thiết bị phục vụ huấn luyện, địa điểm tổ chức huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy”.
Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động và cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, máy móc bảo đảm cho việc thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy”.
Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động; có nhà xưởng, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy”.
Điều kiện đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy: Cắt giảm hoặc đơn giản hoá điều kiện “Có địa điểm hoạt động và cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy”.
- Số lượng điều kiện về phòng cháy, chữa cháy được cắt giảm, đơn giản hoá: 05/18 điều kiện đối 05 ngành, nghề kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy.
- Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá: 27,78%.
- Lý do: các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có trách nhiệm tự đảm bảo về địa điểm, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, thiết bị để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở mình. Việc quy định cứng các điều kiện an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy như hiện nay là không cần thiết vì can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay các điều kiện này đang quy định chung chung, chưa có tiêu chí đánh giá cụ thể; nếu cần thì chuyển sang hậu kiểm hoặc quy định tiêu chí chung về địa điểm, phương tiện, thiết bị.
b) Nội dung đơn giản hoá về hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính
- Tại điểm b khoản 1 Điều 48 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP: Bãi bỏ thành phần bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở đối với thủ tục cấp giấy xác nhận điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy.
- Tại khoản 1 Điều 19 Thông tư số 66/2014/TT-BCA: Bỏ thành phần bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sau khi thay đổi đối với trường hợp doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có sự thay đổi về tên gọi, người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi địa điểm, ngành, nghề kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy khi thực hiện thủ tục đổi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy.
- Tại Đơn đề nghị cấp/cấp lại/đổi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC21) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA: Bỏ thông tin về “CMND/Hộ chiếu số:.... do:… cấp ngày.../.../...; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú” và bổ sung số định danh cá nhân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
- Tại mẫu Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy (Mẫu PC22) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA: sửa đổi theo hướng bổ sung danh mục các lĩnh vực mà doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh.
Lý do: tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và ứng dụng công nghệ thông tin chia sẻ, khai thác thông tin có liên quan được thu thập trong các cơ sở dữ liệu.
c) Phương án thực thi
- Văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung:
+ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
+ Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
- Đơn vị phối hợp: Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2018 và năm 2019.
d) Lợi ích của phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 183.432.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 34.915.400 đồng/năm
- Chi phí tiết kiệm: 148.516.600 đồng/năm
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 80,97%.
PHỤ LỤC I:
DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ THUỘC LĨNH VỰC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY LOẠI BỎ KHỎI DANH MỤC KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH
1. Các loại máy bơm chữa cháy: máy bơm khiêng tay, máy bơm rơmoóc, máy bơm nổi.
2. Phương tiện chữa cháy thông dụng:
- Các loại vòi, ống hút chữa cháy;
- Các loại lăng chữa cháy;
- Các loại đầu nối, ba chạc, hai chạc chữa cháy, Ezectơ;
- Các loại trụ nước, cột lấy nước chữa cháy;
- Các loại thang chữa cháy;
3. Các loại bột, khí chữa cháy, chất tạo bọt chữa cháy.
4. Vật liệu và chất chống cháy:
- Sơn chống cháy;
- Vật liệu chống cháy;
- Chất ngâm tẩm chống cháy.
5. Trang phục chữa cháy: Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, kính, thắt lưng, khẩu trang chữa cháy; ủng và găng tay cách điện; quần, áo, mũ, ủng, găng tay chống hóa chất, chống phóng xạ, quần áo cách nhiệt.
6. Phương tiện cứu người: Dây, đệm và ống cứu người.
7. Các hệ thống báo cháy và chữa cháy:
- Hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động (bằng khí, nước, bột, bọt);
- Hệ thống chữa cháy vách tường.
Tổng số: 48 loại sản phẩm, hàng hoá.
PHỤ LỤC II:
DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ LOẠI BỎ KHỎI DANH MỤC KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH
1. Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại.
2. Áo giáp các loại.
3. Lá chắn các loại.
4. Mũ bảo hiểm dùng cho lực lượng Cảnh sát.
5. Các loại chất nổ, vật liệu nổ (kíp nổ, dây cháy chậm…) thuộc phạm vi quản lý, sử dụng của Bộ Công an
6. Các loại súng săn, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ.
7. Các loại súng dùng để bắn đạn điện./.
Tổng số: 12 loại sản phẩm, hàng hoá.