BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7427/BCT-PVTM V/v phản ánh về dấu hiệu gian lận, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại | Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2018 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Bộ Công Thương nhận được ý kiến của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (công ty Hoa Sen) phản ánh dấu hiệu về việc một số mặt hàng tôn mạ, tôn màu nhập khẩu có dấu hiệu gian lận, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Liên quan tới vấn đề này, Bộ Công Thương xin trao đổi với quý Bộ như sau:
1. Thông tin chung
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1105/QĐ-BCT ngày 30 tháng 3 năm 2017 (được sửa đổi bởi Quyết định số 2754/QĐ-BCT ngày 20 tháng 7 năm 2017 và được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 539/QĐ-BCT ngày 09 tháng 02 năm 2018) về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu và Quyết định số 1931/QĐ-BCT ngày 31 tháng 5 năm 2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 536/QĐ-BCT ngày 09 tháng 02 năm 2018) về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu. Theo các quyết định này, thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc trong khoảng từ 26,2% đến 38,34%, thuế tự vệ ngoài hạn ngạch đối với tôn màu là 19%.
2. Ý kiến của VSA và công ty Hoa Sen
Tại các văn bản gửi tới Bộ Công Thương, VSA và công ty Hoa Sen cho rằng sau khi các biện pháp PVTM có hiệu lực, lượng nhập khẩu tôn mạ, tôn màu vẫn tiếp tục ở mức rất cao. Bên cạnh đó, VSA và công ty Hoa Sen cho rằng giá bán của tôn mạ, tôn màu nhập khẩu trên thị trường Việt Nam thấp một cách bất thường. Sau khi tính toán sơ bộ giá nhập khẩu nếu nộp đủ các loại thuế (nhập khẩu, phòng vệ thương mại, VAT) và chi phí (nhập khẩu, bán hàng, lợi nhuận hợp lý) thì hàng nhập khẩu không thể có giá thấp như hiện tại. Không loại trừ khả năng doanh nghiệp nhập khẩu kê khai hải quan với mục đích sản xuất hàng xuất khẩu hoặc tạm nhập tái xuất để được miễn thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ (như đối với thuế nhập khẩu) nhưng thực tế lại tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh năng lực sản xuất trong nước (8 triệu tấn/năm) đã vượt quá nhu cầu nội địa (4,5 - 5 triệu tấn/năm), tình trạng nhập khẩu tôn mạ và tôn màu tiếp tục duy trì ở mức cao, với giá bán thấp không hợp lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất thép trong nước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã phải giảm sản xuất, dừng dây chuyền vì không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Trên cơ sở đó, VSA và công ty Hoa Sen đã đưa ra các kiến nghị chi tiết nhằm đảm bảo hiệu quả của các biện pháp PVTM đối với tôn mạ, tôn màu, bảo vệ sản xuất trong nước, ngăn chặn hiện tượng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ.
3. Ý kiến của Bộ Công Thương
Trong thời gian qua, các biện pháp PVTM đã có những hiệu quả nhất định trong việc bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, quá trình thực thi các biện pháp này cũng như các chính sách, quy định liên quan trong Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu cũng cho thấy một số bất cập, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, trong bối cảnh thép và sản phẩm thép (trong đó có tôn mạ, tôn màu) của Trung Quốc đang bị nhiều nước nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU... áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu thì việc theo dõi chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước, tránh nguy cơ các nước áp dụng biện pháp “chống lẩn tránh biện pháp PVTM” đối với sản phẩm tương tự của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, để đảm bảo hiệu quả của các biện pháp PVTM, ngăn chặn gian lận thương mại, Bộ Công Thương trân trọng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp:
1- Tăng cường công tác kiểm tra đối với các lô hàng tạm nhập, tái xuất (đặc biệt là những lô hàng tái xuất sang Cam-pu-chia), các lô hàng kê khai là nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu;
2- Tăng cường hậu kiểm đối với các doanh nghiệp có lượng nhập khẩu tôn mạ, tôn màu gia tăng đột biến;
3- Ngăn chặn tình trạng kê khai sai mã HS để lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại thông qua kiểm tra chuyên ngành, giám định hàng hóa nhập khẩu, kiểm tra thực tế, v.v;
4- Tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa;
5- Rà soát hoạt động nhập khẩu tôn mạ, tôn màu bằng đường tiểu ngạch để ngăn chặn hàng nhập khẩu, hàng kém chất lượng, hàng gian lận nguồn gốc xuất xứ;
6- Xem xét thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan), Bộ Công Thương (Tổng cục quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại), Hiệp hội thép Việt Nam để kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, tạm nhập tái xuất lớn hoặc có kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến;
7- Định kỳ hàng tháng cung cấp cho Bộ Công Thương (Cục PVTM) số liệu nhập khẩu theo các dòng thuế (mã HS) chịu thuế PVTM và các dòng thuế mà sản phẩm chịu thuế PVTM có thể lẩn tránh để kịp thời phát hiện những dòng thuế có lượng nhập khẩu tăng đột biến.
Bộ Công Thương trân trọng cám ơn sự phối hợp của quý Bộ./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng; - Các Cục: QLTT, CN, XNK; - Vụ PC; - Lưu: VT, PVTM (03). | KT. BỘ TRƯỞNG |