BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2018/TT-BCT | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2018 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 31/2015/TT-BCT NGÀY 24 THÁNG 9 NĂM 2015 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG QUY ĐỊNH THỰC HIỆN QUY TẮC XUẤT XỨ TRONG HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP KHU VỰC THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN - ÚC - NIU DI-LÂN
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa;
Thực hiện Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - Niu Di-lân ký ngày 27 tháng 02 năm 2009 tại Hội nghị cấp cao lần thứ 14 tại Thái Lan giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với Úc và Niu Di-lân;
Thực hiện Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - Niu Di-lân ký ngày 26 tháng 8 năm 2014 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 46 tại Mi-an-ma;
Thực hiện Báo cáo phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - Niu Di-lân từ ngày 04 đến ngày 08 tháng 4 năm 2018 tại Đà Nẵng về việc thông qua sửa đổi Phụ lục 2 - Quy tắc cụ thể mặt hàng thuộc Chương 3 - Quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - Niu Di-lân;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2015/TT-BCT ngày 24 tháng 9 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - Niu Di-lân (sau đây gọi là Thông tư số 31/2015/TT-BCT).
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2015/TT-BCT
1. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Thủ tục cấp và kiểm tra C/O mẫu AANZ của Việt Nam thực hiện theo quy định tại:
1. Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
2. Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03 tháng 4 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa.”
2. Phụ lục II - Quy tắc cụ thể mặt hàng được sửa đổi, bổ sung như sau:
Bãi bỏ Phụ lục II - Quy tắc cụ thể mặt hàng ban hành kèm theo Thông tư số 31/2015/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ; - Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Tổng bí thư, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng; - Viện KSND tối cao, Tòa án ND tối cao; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra Văn bản); - Công báo; - Kiểm toán Nhà nước; - Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương; - BQL các KCN và CX Hà Nội; - Sở Công Thương Hải Phòng; - Bộ Công Thương: Bộ trưởng; các Thứ trưởng, các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ; các Phòng QLXNKKV (19); - Lưu: VT, XNK (5). | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
QUY TẮC CỤ THỂ MẶT HÀNG
(ban hành kèm theo Thông tư số 42/2018/TT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2015/TT-BCT)
Giải thích chung
Trong phạm vi Phụ lục này:
1. Quy tắc cụ thể mặt hàng (sau đây gọi là danh mục PSR) được xây dựng trên cơ sở Hệ thống Hài hòa (HS 2017). Trong danh mục PSR, cột đầu tiên gồm có các chương, nhóm hoặc phân nhóm, cột thứ hai là mô tả hàng hóa và cột thứ ba quy định về tiêu chí xuất xứ cho từng mặt hàng cụ thể.
a) Chương là hai số đầu tiên của mã số phân loại hàng hóa theo mã HS;
b) Nhóm là bốn số đầu tiên của mã số phân loại hàng hóa theo mã HS;
c) Phân nhóm là sáu số đầu tiên của mã số phân loại hàng hóa theo mã HS.
2. Khi một nhóm hoặc một phân nhóm HS cụ thể được quy định áp dụng tiêu chí lựa chọn, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong các tiêu chí lựa chọn đó.
3. Trường hợp quy tắc hàm lượng giá trị khu vực được áp dụng, công đoạn sản xuất cuối cùng phải được thực hiện tại một nước thành viên.
4. Yêu cầu chuyển đổi mã số hàng hóa chỉ áp dụng đối với nguyên liệu không có xuất xứ.
5. Trường hợp quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa nhấn mạnh việc không cho phép chuyển đổi từ một mã số hàng hóa khác, việc loại trừ đó áp dụng chỉ đối với nguyên liệu không có xuất xứ.
6. Tại cột thứ ba của danh mục PSR trong phạm vi Phụ lục này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
a) WO nghĩa là hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước thành viên theo định nghĩa tại điểm a khoản 1 Điều 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 31/2015/TT-BCT .
b) RVC (XX) nghĩa là hàng hóa đạt hàm lượng giá trị khu vực không nhỏ hơn XX phần trăm (%) theo công thức tính quy định tại Điều 5 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 31/2015/TT-BCT .
c) CC nghĩa là tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 2 (hai) số (chuyển đổi Chương).
d) CTH nghĩa là tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 4 (bốn) số (chuyển đổi Nhóm).
đ) CTSH nghĩa là tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra hàng hóa phải trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 6 (sáu) số (chuyển đổi Phân nhóm).
7. Chú thích Chương trong phạm vi Phụ lục này áp dụng đối với tất cả các nhóm hoặc phân nhóm thuộc chương được nhắc đến trừ khi có quy định trường hợp ngoại lệ.