Open navigation

Công văn 105/TB-VPCP Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 105/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ TƯ CỦA ỦY BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ CƠ CHẾ MỘT CỬA ASEAN, CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA VÀ TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI

Ngày 19 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (sau đây gọi tắt là Ủy ban 1899) đã chủ trì Phiên họp của Ủy ban 1899. Sau khi nghe Cơ quan thường trực Ủy ban 1899 báo cáo, ý kiến của các thành viên Ủy ban, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:

1. Đánh giá kết quả thực hiện năm 2018:

1. Năm 2018, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại đã được triển khai bài bản, toàn diện trong phạm vi cả nước dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ủy ban 1899, với quyết tâm cao của các Bộ, ngành, đạt được những kết quả đột phá và tạo ra những thay đổi căn bản. Công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, Quyết định số 2026/QĐ-TTg , Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các Bộ, ngành đã rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết vượt mục tiêu đề ra (tính đến cuối năm 2018 đã cắt giảm được hơn 60% so với mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% của Chính phủ) và cắt giảm các danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành được hoàn thiện để đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp. Cơ quan thường trực đã phát huy tốt vai trò điều phối, đôn đốc, tham mưu cho Ủy ban 1899 trong chỉ đạo, điều hành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành. Những kết quả nêu trên đã góp phần đáng kể trong việc giảm thời gian và chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 đạt 480 tỷ USD.

2. Tuy nhiên, công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại vẫn chưa thực sự đi vào thực chất và có chiều sâu, việc tổ chức thực thi trong thực tế còn có khoảng cách so với quy định tại các văn bản pháp luật, mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, chưa đảm bảo tạo thuận lợi thương mại với chống gian lận thương mại. Cụ thể:

a) Về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia: Đến 30 tháng 01 năm 2019 mới có 173 thủ tục hành chính được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, tăng 126 thủ tục so với cuối năm 2017 (đạt 97% so với mục tiêu triển khai mới 130 thủ tục năm 2018 nêu tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP).

b) Về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn (đến cuối năm 2018, số tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,1%); việc cắt giảm Danh mục hàng hóa quản lý và kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều hạn chế.

c) Về công tác tạo thuận lợi thương mại: Việc phối hợp, kết nối và huy động sự tham gia của Bộ, ngành liên quan trong thực hiện Hiệp định còn hạn chế; chưa có sự đánh giá, rà soát chi tiết năng lực thực hiện các cam kết cụ thể theo Hiệp định, việc đánh giá chủ yếu trên góc độ sự phù hợp của pháp luật trong nước. Nghĩa vụ triển khai đầy đủ các cam kết của Hiệp định theo lộ trình chưa được các bên liên quan nhận thức đầy đủ. Nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối của Ủy ban 1899 trong việc thực thi Hiệp định còn chưa thực sự rõ nét.

d) Việc kết nối, chia sẻ và cung cấp thông tin giữa các Bộ, cơ quan còn nhiều hạn chế.

II. Để tiếp tục thúc đẩy, đạt kết quả tốt hơn trong công tác Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành, các Bộ, ngành tập trung triển khai các mục tiêu năm 2019 như sau:

1. Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN: Năm 2019, hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia (bao gồm 18 thủ tục chuyển từ năm 2018 sang và 43 thủ tục của năm 2019 theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg); chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch động thực vật với các nước ASEAN theo kế hoạch chung của ASEAN; chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai hải quan và C/O điện tử với Liên minh kinh tế Á- Âu và Hàn Quốc.

2. Về công tác kiểm tra chuyên ngành: Quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết 02/2019/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến 2021 và các văn bản liên quan của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

3. Triển khai Hiệp định tạo thuận lợi thương mại một cách thực chất, đầy đủ theo đúng lộ trình cam kết với WTO, đặc biệt tập trung vàviệc rà soát kết quả thực tế thực thi các cam kết nhóm A, rà soát năng lực và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thực thi các cam kết nhóm B và nhóm C.

III. Về giải pháp thực hiện trong năm 2019:

1. Giải pháp triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN:

a) Cơ quan Thường trực tiếp tục phát huy, làm tốt vai trò tham mưu Ủy ban 1899; điều phối, theo dõi, giám sát và đôn đốc các Bộ, ngành trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Cơ quan thường trực trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kiện toàn Ủy ban chỉ đạo 1899 theo hướng bổ sung thêm nhiệm vụ phát triển logistics và nâng cao vai trò, năng lực của Cơ quan thường trực đảm bảo đủ mạnh đảm để điều phối, tổ chức thực thi trong thời kỳ mới.

b) Các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý:

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh theo định hướng: Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ, chứng từ cần phải nộp/xuất trình.

- Xây dựng và công bố bộ dữ liệu quốc gia về biểu mẫu và chứng từ điện tử trong lĩnh vực hành chính và thương mại để áp dụng chung cho tất cả các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

- Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc thuê hoặc sử dụng dịch vụ do bên thứ ba cung cấp trong thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

- Xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

c) Tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin: Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xây dựng và trình Ủy ban 1899 Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung; tổ chức nghiên cứu và thí điểm thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Trước mắt, thuê dịch vụ đối với các vấn đề bao gồm hỗ trợ giải quyết vướng mắc; quản lý, vận hành, nâng cấp hệ thống một cửa quốc gia đặt tại Cơ quan thường trực; và triển khai hệ thống dự phòng dưới hình thức thuê dịch vụ.

d) Xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới.

đ) Thiết lập cơ chế giám sát, báo cáo và đánh giá độc lập: Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về các báo cáo thường niên liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

e) Đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các Bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

2. Giải pháp triển khai công tác cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành

a) Các Bộ, ngành rà soát văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi thương mại nhưng đảm bảo chống gian lận thương mại.

b) Năm 2019 các Bộ, ngành hoàn thành việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành và các danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS, có quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm tra.

c) Các Bộ, ngành khẩn trương giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cụ thể:

- Bộ Công Thương chủ trì, đôn đốc các Bộ ban hành đầy đủ các Thông tư hướng dẫn Nghị định 69/2018/NĐ-CP .

- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, đôn đốc các Bộ ban hành đầy đủ Danh mục hàng hóa nhóm 2, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và biện pháp quản lý đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 2 phù hợp với Nghị định 74/2018/NĐ-CP .

- Bộ Y tế chủ trì, thống nhất với 3 Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính thống nhất triển khai và áp dụng phương thức kiểm tra giảm theo đúng quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP .

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan: Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan, Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoàn thiện Cổng thông tin thương mại quốc gia; xây dựng tiêu chí thành lập, giải thể các địa điểm kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo hoạt động có hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 12167/VPCP-KTTH ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.

đ) Tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp để nắm được những cải cách về công tác kiểm tra chuyên ngành.

e) Các Bộ, ngành khẩn trương tổ chức triển khai Nghị định quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ngay khi được Chính phủ ban hành.

3. Giải pháp về tạo thuận lợi thương mại

a) Kiện toàn, đẩy mạnh vai trò thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại trong Ủy ban 1899.

b) Rà soát, đánh giá năng lực thực thi các cam kết tại Hiệp định (bao gồm cả việc rà soát về mặt pháp luật) để đáp ứng yêu cầu thực thi cam kết của Hiệp định một cách thực chất.

c) Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai Hiệp định.

d) Hoàn thiện, nâng cấp Cổng thông tin thương mại Việt Nam nhằm đáp ứng các nghĩa vụ về công bố và minh bạch thông tin theo Hiệp định.

d) Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong quá trình thực thi Hiệp định.

4. Đối với đề xuất của Cơ quan thường trực:

a) Bộ Tài chính:

- Chủ trì đề xuất và hoàn thiện trình phê duyệt kiện toàn Ủy ban 1899 và Cơ quan thường trực theo hướng tích hợp nhiệm vụ điều phối phát triển logistics đảm bảo mô hình gọn nhẹ, tinh gọn, phát huy vai trò của các Bộ, ngành.

- Sớm phân bổ kinh phí 2019 cho các Bộ, ngành đã được dự toán. Đồng thời dự toán kinh phí tổng thể năm 2019 bao gồm đảm bảo cho kiện toàn hoạt động của Ủy ban 2019 và triển khai Đề án thuê dịch vụ của bên thứ 3, chuyển đổi mô hình hệ thống từ phân tán sang tập trung, xây dựng hệ thống dự phòng; trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án kèm theo kinh phí thực hiện Đề án.

b) Triển khai Đề án đơn giản hóa thực hiện thủ tục hành chính thông qua trao đổi thông tin, chứng từ qua Cơ chế một cửa quốc gia giữa Việt Nam với các đối tác thương mại theo thỏa thuận và điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến tạo thuận lợi thương mại. Trước mắt, trong khuôn khổ hợp tác với các nước ASEAN và Trung Quốc, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đàm phán nhằm mục đích công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng nằm trong danh mục quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Nghiên cứu đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trong khối ASEAN và ngoài ASEAN (tập trung về nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ...).

d) Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành với Cơ quan thường trực. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xây dựng kế hoạch hoạt động của Ủy ban 1899 bao gồm chương trình và lịch làm việc của Chủ tịch Ủy ban 1899 với các Bộ, Cơ quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Quý I và Quý II năm 2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số Hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức trong Quý III năm 2019.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.



Nơi nhận:
- TTg, các PTTgCP;
- Các Bộ: TC, CT, CA, GTVT, KH&ĐT, KH&CN, NG, NN&PTNT, QP, TN&MT, TT&TT, TP, VHTT&DL, XD, Y tế, NV;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Nhà nước;
- Tổng cục Hải quan;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp; TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ: TH, TKBT, KGVX, PL, CN, NN, ĐMDN, QHQT;
 - Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




 Nguyễn Sỹ Hiệp


Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.