BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 358/TY-KD | Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2019 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan.
Ngày 25/12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hai Thông tư là Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 và Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT ngày 10/11/2017 và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (sau đây gọi tắt là Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT). Theo quy định tại hai Thông tư này, khi lô hàng nhập khẩu đạt yêu cầu kiểm dịch cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu (mẫu 15b) và Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu (mẫu 10TS) trong đó ghi rõ mục đích sử dụng của lô hàng hàng nhập khẩu.
Về nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật trên cạn, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm được quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây gọi là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP). Tại Điều 16 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định 03 phương thức kiểm tra gồm: kiểm tra giảm, kiểm tra thông thường và kiểm tra chặt.
Theo quy định, sản phẩm động vật trên cạn, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm phải đáp ứng theo yêu cầu tại Điều 14 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (trong đó tại điểm b, Điều 14 có nêu: Đối với sản phẩm động vật trên cạn dùng làm thực phẩm, sản phẩm động vật thủy sản dùng làm thực phẩm phải được sản xuất bởi cơ sở sản xuất, kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam). Do vậy, sản phẩm động vật trên cạn, sản phẩm động vật thủy sản dùng làm thực phẩm đáp ứng yêu cầu áp dụng phương thức kiểm tra giảm theo điểm c khoản 1 Điều 17 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (sản phẩm được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương). Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP trường hợp kiểm tra giảm sẽ do cơ quan hải quan thực hiện.
Hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản đông lạnh làm thực phẩm đang gặp vướng mắc khi thông quan hàng hóa do yêu cầu cả Giấy chứng nhận kiểm dịch và Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, Cục Thú y đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cơ quan Hải quan cửa khẩu làm thủ tục thông quan hàng hóa cho các lô hàng đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu (mẫu 15b, mẫu 10TS) quy định tại Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT .
Về khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Nghị định số 15/2018/NĐ-CP: Theo phản ánh của các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, quy định tại Điều 18 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo cả 03 phương thức kiểm tra đều phải có bản tự công bố sản phẩm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản đông lạnh chưa qua chế biến, chưa đóng gói sẵn nhập khẩu không thuộc đối tượng tự công bố sản phẩm. Cục Thú y đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét chủ trì kiến nghị với Chính phủ để sửa đổi nội dung, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Cục Thú y rất mong nhận được sự phối hợp của Tổng cục Hải quan./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |