BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1157/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;
Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư số 274/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng phí hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, Thứ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1157/QĐ-TCHQ ngày 18/4/2019 của Tổng cục trưởng
Tổng cục Hải quan)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1.1. Quy chế quản lý và sử dụng phí hải quan (dưới đây gọi tắt là “Quy chế”) quy định chế độ quản lý, sử dụng phí hải quan.
1.2. Đối tượng áp dụng Quy chế này là Tổng cục Hải quan, các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố.
Điều 2. Quản lý và sử dụng phí hải quan
2.1. Nội dung chi từ phí hải quan
Tổng cục Hải quan được để lại toàn bộ số tiền phí thu được, để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Số tiền phí được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí, bao gồm:
a) Chi thực hiện chế độ tự chủ:
- Chi thanh toán tiền lương làm thêm giờ cho cá nhân thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí theo quy định hiện hành.
- Chi phí phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí như: Văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
- Chi sửa chữa thường xuyên tài sản, máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.
- Chi mua sắm vật tư, ấn chỉ hải quan (niêm phong hải quan, tem, biên lại và các vật tư, ấn chỉ hải quan khác) liên quan đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.
- Các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, bao gồm cả: Chi trả chi phí ủy nhiệm thu phí, lệ phí được trích từ nguồn thu phí hải quan của cơ quan hải quan. Mức phí trả cho bên ủy nhiệm thu theo thỏa thuận giữa Tổng cục Hải quan và bên được ủy nhiệm thu phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng thời kỳ. Việc chi trả kinh phí ủy nhiệm thu phải được thực hiện đúng đối tượng, thanh toán bằng chuyển khoản thông qua tài khoản của bên được ủy nhiệm thu tại tổ chức tín dụng, Kho bạc nhà nước; không thực hiện thanh toán bằng tiền mặt. Cơ quan hải quan phải trả toàn bộ kinh phí cho bên được ủy nhiệm thu trên cơ sở số tiền phí đã thực nộp vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc nhà nước.
b) Chi không thực hiện chế độ tự chủ:
- Chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí;
- Các khoản chi khác có tính chất không thường xuyên liên quan đến việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.
Các nội dung chi quy định nêu trên phải đảm bảo tiết kiệm, đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn và đúng chế độ quy định.
2.2. Quản lý sử dụng phí hải quan
Hàng năm, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện lập dự toán thu, chi phí hải quan gửi Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) để thẩm định và tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm gửi Bộ Tài chính.
Tổng cục Hải quan giao dự toán thu, chi phí hải quan cho các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan trên cơ sở dự toán được Bộ Tài chính giao, số tiền phí hải quan chưa sử dụng hết trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng theo chế độ quy định.
Đối với số phí hải quan thu cao hơn dự toán chi được giao, các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố nộp về Tổng cục Hải quan để điều hành tập trung. Các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố báo cáo kết quả số thu phí hải quan thực tế, số chi phí hải quan trong năm và đề xuất nhu cầu sử dụng (nếu có) đối với số phí vượt thu nêu trên cùng với báo cáo số dư kinh phí cuối năm theo hướng dẫn hàng năm của Tổng cục Hải quan.
Toàn bộ số chi từ phí hải quan được hạch toán theo quy định của Mục lục ngân sách nhà nước. Quyết toán số chi từ phí hải quan hàng năm được lập cùng với báo cáo quyết toán chi ngân sách nhà nước hàng năm gửi Tổng cục Hải quan.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Quy chế này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.
2. Căn cứ Quy chế này, Cục trưởng các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố xây dựng quy chế quản lý, sử dụng phí hải quan của đơn vị phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, gửi Tổng cục Hải quan trong thời gian 15 ngày kể từ ngày ban hành để kiểm tra, rà soát theo đúng quy định.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) để xem xét, giải quyết./.