BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2019/TT-BTC | Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2019 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 01/2018/TT-BTC NGÀY 02 THÁNG 01 NĂM 2018 CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 50/2017/QH14 ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 22/2017/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Thực hiện Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Thông báo số 25/TB-VPCP ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại buổi họp về triển khai giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong thời gian tới;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02/01/2018 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT
1. Điểm a, khoản 1, Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT: Sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác (tờ rơi, áp-phích, pa-nô, khẩu hiệu, băng hình, video clip), tin nhắn qua điện thoại di động và mạng xã hội, tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc thi, bình chọn, triển lãm ảnh, mít tinh và các hình thức, sản phẩm truyền thông khác để tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền về TTATGT, phòng ngừa tai nạn giao thông. Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ truyền thông chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, sản phẩm, nội dung truyền thông và phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện công việc trong phạm vi dự toán được giao theo thẩm quyền, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ”.
2. Điểm b, khoản 1, Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Chi hội nghị sơ kết, tổng kết, hội thảo, tập huấn triển khai nhiệm vụ, công tác bảo đảm TTATGT”;
3. Bổ sung điểm e, g, Khoản 2, Điều 3 như sau:
“e) Chi vận hành số điện thoại đường dây nóng về TTATGT;
g) Chi thực hiện các nhiệm vụ phối hợp tăng cường bảo đảm TTATGT phát sinh đột xuất trong năm với các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc trung ương”.
4. Bổ sung điểm h, i, k, Khoản 4, Điều 3 như sau:
“h) Chi vận hành số điện thoại đường dây nóng về TTATGT;
i) Chi xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác, đảm bảo không trùng lắp với các nguồn kinh phí khác;
k) Chi thực hiện các nhiệm vụ phối hợp tăng cường bảo đảm TTATGT phát sinh đột xuất trong năm với các Sở, ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
5. Điểm c, Khoản 2, Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Đối với địa phương:
- Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban An toàn giao thông các cấp lập dự toán kinh phí đảm bảo TTATGT theo nhiệm vụ được giao gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định. Riêng đối với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập dự toán bao gồm cả kinh phí thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an phường, thị trấn, gửi cơ quan tài chính cùng cấp địa phương, đồng gửi Bộ Công an để theo dõi, quản lý chung lực lượng của ngành Công an.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sử dụng nguồn kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông và nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn; quyết định cụ thể mức hỗ trợ cho lực lượng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên địa bàn theo quy định tại điểm b, khoản 9, Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước; kết quả phân bổ và giao dự toán cho lực lượng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng gửi Bộ Công an để theo dõi, quản lý chung kinh phí đảm bảo TTATGT của ngành Công an.
Riêng năm 2019, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương về ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, ưu tiên cho lực lượng Công an, Thanh tra giao thông vận tải và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
- Kinh phí bố trí để lực lượng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn (bao gồm cả nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu, ngân sách địa phương) được thực hiện bằng hình thức rút dự toán.
Riêng năm 2019, trường hợp địa phương đã cấp kinh phí cho lực lượng Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bằng hình thức lệnh chi tiền trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì được tiếp tục thực hiện chi ngân sách bằng hình thức lệnh chi tiền đối với phần dự toán đã cấp theo quy định. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, dự toán kinh phí năm 2019 còn lại chưa thực hiện cấp bằng hình thức lệnh chi tiền được thực hiện bằng hình thức rút dự toán”.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2019.
2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |