Open navigation

Công văn 2296/TCT-DNL Hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 2296/TCT-DNL
V/v: hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2019

 

Kính gửi: Ngân hàng TNHH Indovina

Tổng cục Thuế nhận được công văn số l53/IVB-BOE/2019 ngày 18/04/2019 của Ngân hàng TNHH Indovina kiến nghị về việc thực hiện hóa đơn điện tử. Về nội dung này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về tiêu thức chữ ký điện tử của người mua trên hóa đơn điện tử:

Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nội dung của hóa đơn điện tử:

“Một số trường hợp hóa đơn điện tử không có đầy đủ các nội dung bắt buộc được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.”

Căn cứ công văn số 2402/BTC-TCT ngày 23/2/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử như sau:

“Trường hợp người mua không phải là đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán nếu có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa người bán với người mua như: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu,... thì người bán lập hóa đơn điện tử cho người mua theo quy định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua”.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp người mua không phải là đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán nếu có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa Ngân hàng TNHH Indovina với người mua như: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu,... thì Ngân hàng TNHH Indovina lập hóa đơn điện tử cho người mua theo quy định trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua.

2. Về tiêu thức dấu của người bán trên hóa đơn điện tử chuyển đổi sang giấy:

Căn cứ Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định:

“1. Nguyên tắc chuyển đổi

Người bán hàng hóa được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để Chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và chỉ được chuyển đổi một (01) lần. Hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều này và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người bán, dấu của người bán.

Người mua, người bán được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để phục vụ việc lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy phục vụ lưu trữ chứng từ kế toán phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều này...”

Căn cứ Khoản 2b Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định:

“a) Tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ có thể tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký người mua, dấu của người bán trong trường hợp sau: hóa đơn điện; hóa đơn nước; hóa đơn dịch vụ viễn thông; hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Trường hợp kinh doanh dịch vụ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “đơn vị tính”.

Căn cứ quy định nêu trên, Ngân hàng TNHH Indovina thực hiện chuyển đổi HĐĐT sang hóa đơn giấy theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011, trên HĐĐT chuyển đổi sang giấy của Ngân hàng TNHH Indovina không nhất thiết phải có dấu của người bán. Ngân hàng TNHH Indovina phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chuyển đổi HĐĐT sang hóa đơn giấy.

Khách hàng của Ngân hàng TNHH Indovina được sử dụng HĐĐT chuyển đổi này để kê khai, khấu trừ thuế, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và lưu trữ kế toán theo quy định.

3. Về chữ ký trên văn bản thỏa thuận trong trường hợp phát hiện sai sót:

Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập cho khách hàng sau đó phát hiện sai sót theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì Ngân hàng TNHH Indovina và khách hàng lập văn bản xác nhận sai sót bằng giấy có chữ ký người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định pháp luật về ủy quyền của người mua và người bán. Ngân hàng TNHH Indovina lập hóa đơn điện tử điều chỉnh sai sót theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và Tổng cục Thuế đang xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 119/2018/NĐ-CP nêu trên. Đề nghị Ngân hàng thực hiện theo hướng dẫn tại công văn này cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới.

Tổng cục Thuế thông báo để Ngân hàng TNHH Indovina biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh;
- Vụ PC, CS;
- Website TCT;
 - Lưu: VT, DNL (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




 Đặng Ngọc Minh

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.