NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2019/TT-NHNN | Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2019 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 03/2015/TT-NHNN NGÀY 20 THÁNG 3 NĂM 2015 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 26/2014/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 4 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THANH TRA, GIÁM SÁT NGÀNH NGÂN HÀNG
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng và Nghị định số 43/2019/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2015/TT-NHNN ngày 20 tháng 3 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2015/TT-NHNN).
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2015/TT-NHNN
1. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 4. Phân công trách nhiệm thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng
1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chịu trách nhiệm thanh tra theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng sau đây:
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước, trừ các đối tượng do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quản lý theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
b) Ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
c) Ngân hàng chính sách;
d) Ngân hàng hợp tác xã;
đ) Ngân hàng liên doanh;
e) Ngân hàng 100% vốn nước ngoài;
g) Một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
h) Ngân hàng thương mại cổ phần;
i) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
k) Tổ chức tài chính vi mô;
l) Một số chương trình, dự án tài chính vi mô theo phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
m) Tổ chức hoạt động thông tin tín dụng;
n) Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;
o) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
p) Nhà máy In tiền Quốc gia;
q) Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam;
r) Công ty con của tổ chức tín dụng quy định tại các Điểm b, d, đ, e, h, i Khoản này mà công ty con này không phải là tổ chức tín dụng nhưng thuộc trách nhiệm thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, trừ đối tượng thuộc trách nhiệm thanh tra của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;
s) Đối tượng thanh tra thuộc trách nhiệm thanh tra của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trong trường hợp thanh tra lại hoặc khi cần thiết và theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
t) Đối tượng khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.
2. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chịu trách nhiệm thanh tra theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng sau đây:
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;
b) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (sau đây gọi tắt là địa bàn tỉnh, thành phố), trừ đối tượng quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều này;
c) Đơn vị trực thuộc của đối tượng thanh tra thuộc trách nhiệm thanh tra của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều này (trừ đối tượng quy định tại các Điểm p, q Khoản 1 Điều này), của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khác mà đơn vị trực thuộc này có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố;
d) Quỹ tín dụng nhân dân có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố;
đ) Chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn tỉnh, thành phố, trừ đối tượng quy định tại Điểm 1 Khoản 1 Điều này;
e) Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố;
g) Tổ chức có hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố, trừ đối tượng quy định tại Điểm q Khoản 1 Điều này;
h) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn tỉnh, thành phố có nghĩa vụ chấp hành các quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước;
i) Đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền ngoài các đối tượng quy định tại các Điểm b, c, d, đ, e, g, h Khoản này;
k) Đối tượng khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.
3. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thực hiện thanh tra đối với đối tượng thanh tra thuộc trách nhiệm thanh tra của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khác theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.”
2. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 5. Phân công trách nhiệm giám sát đối với các đối tượng giám sát ngân hàng
1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chịu trách nhiệm giám sát an toàn vi mô theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng giám sát ngân hàng sau đây:
a) Ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Ngân hàng hợp tác xã;
c) Ngân hàng liên doanh;
d) Ngân hàng 100% vốn nước ngoài;
đ) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 4 Thông tư này;
e) Ngân hàng thương mại cổ phần;
g) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
h) Tổ chức tài chính vi mô;
i) Đối tượng khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.
2. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chịu trách nhiệm giám sát an toàn vi mô theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng giám sát ngân hàng sau đây:
a) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố, trừ đối tượng quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này;
b) Đơn vị trực thuộc của đối tượng giám sát thuộc trách nhiệm giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều này, của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khác mà đơn vị trực thuộc này có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố;
c) Quỹ tín dụng nhân dân có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố;
d) Đối tượng khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.
3. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện giám sát an toàn vĩ mô đối với toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện giám sát theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng sau đây:
a) Ngân hàng chính sách;
b) Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;
c) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
d) Tổ chức hoạt động thông tin tín dụng;
đ) Công ty con của tổ chức tín dụng quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, g Khoản 1 Điều này mà công ty con này không phải là tổ chức tín dụng nhưng thuộc trách nhiệm giám sát của Ngân hàng Nhà nước, trừ đối tượng thuộc trách nhiệm giám sát của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;
e) Đối tượng khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.
5. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thực hiện giám sát theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng sau đây:
a) Đơn vị trực thuộc của đối tượng giám sát thuộc trách nhiệm giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng quy định tại Khoản 4 Điều này mà đơn vị trực thuộc này có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố;
b) Đối tượng khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao.”
3. Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập đối với đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng quy định tại Khoản 1 Điều 4, Khoản 1 và Khoản 4 Điều 5 Thông tư này;
b) Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập đối với đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 4, Khoản 2 và Khoản 5 Điều 5 Thông tư này.”
4. Điểm c Khoản 1 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Về kinh nghiệm: Đã tham gia ít nhất 02 cuộc thanh tra hoặc ít nhất 01 cuộc thanh tra (nếu là Trưởng đoàn thanh tra) và được Trưởng đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra (nếu là Trưởng đoàn thanh tra) đánh giá là hoàn thành chức trách, nhiệm vụ trở lên (tiêu chuẩn này áp dụng đối với ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính).”
5. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 10. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng làm đầu mối tổng hợp, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền về công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng và tội phạm, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật và yêu cầu của cấp có thẩm quyền; tổng hợp, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các mặt công tác của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
2. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tổng hợp, báo cáo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để báo cáo Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng về các mặt công tác của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
3. Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài; tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; tổ chức có hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, thành phố có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu, báo cáo theo định kỳ hoặc khi cần thiết cho Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc yêu cầu của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.”
6. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 11. Mối quan hệ giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
1. Mối quan hệ giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (bao gồm cả Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh):
a) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thanh tra hằng năm của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh;
b) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra, giám sát, quản lý cấp phép, phòng, chống tham nhũng, tội phạm, giải quyết, xử lý khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cử thanh tra viên ngân hàng, công chức khác tham gia đoàn thanh tra;
c) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tiến hành thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc trách nhiệm của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh. Trường hợp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không đồng ý thì Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định thanh tra, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quyết định của mình;
d) Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có dấu hiệu rủi ro đe dọa đến sự an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đề nghị Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra đối với đối tượng thanh tra ngân hàng thuộc trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng;
đ) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đề nghị Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hướng dẫn đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng;
e) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chỉ đạo, hướng dẫn Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về công tác, nghiệp vụ thanh tra, giám sát, cấp phép, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng, phòng chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố;
g) Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng;
h) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cung cấp cho Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh kết quả thanh tra, giám sát có liên quan đến đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
2. Khi có đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về hoạt động quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng liên quan đến đối tượng quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động trên địa bàn để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thực hiện nhiệm vụ đầu mối của Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn trong việc thực hiện nhiệm vụ báo cáo, quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội; báo cáo, trả lời chất vấn theo yêu cầu của cấp ủy, chính quyền địa phương và Đoàn Đại biểu Quốc hội, xử lý kiến nghị về tiền tệ và ngân hàng trên địa bàn.
3. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phối hợp công tác theo quy chế làm việc của Ngân hàng Nhà nước.”
7. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 15. Áp dụng các quy định khác trong hoạt động thanh tra
Hoạt động thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 26/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 43/2019/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng) và Thông tư này. Trường hợp Nghị định số 26/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 43/2019/NĐ-CP) và Thông tư này không quy định thì áp dụng các quy định của pháp luật về thanh tra và quy định có liên quan của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.”
Điều 2. Bãi bỏ Điều 12 Thông tư số 03/2015/TT-NHNN .
Điều 3. Xử lý đối với các cuộc thanh tra do Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng ký Quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra
1. Đối với các cuộc thanh tra do Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hà Nội thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng ký Quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra mà đến hết ngày 04 tháng 7 năm 2019 chưa ban hành kết luận thanh tra thì Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, bao gồm cả việc ký ban hành kết luận thanh tra.
2. Đối với các cuộc thanh tra do Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng ký Quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra mà đến hết ngày 04 tháng 7 năm 2019 chưa ban hành kết luận thanh tra thì Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, bao gồm cả việc ký ban hành kết luận thanh tra.
Điều 4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2019, trừ quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này.
2. Điều 3 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2019.
3. Khoản 4 Điều 1 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2019./
| KT. THỐNG ĐỐC |