TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9609/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 2017 |
Kính gửi: Văn phòng đại diện Astrazeneca Singapore PTE LTD tại Hà Nội
(Địa chỉ: Tầng
6, Phòng 601, Tòa nhà Sao Bắc, 04 Dã Tượng, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội - MST:
0101816531)
Trả lời công văn số 01/TNCN/2016 không ngày của Văn phòng đại diện Astrazeneca Singapore PTE LTD tại Hà Nội (sau đây gọi là VPĐD) hỏi về việc chính sách thuế thu nhập cá nhân, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân hướng dẫn như sau:
+ Tại Điểm g Khoản 2 Điều 2 quy định các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công gồm:
“g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:
g.1) Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.
...g.1.2) Mức hỗ trợ không tính vào thu nhập chịu thuế là số tiền thực tế chi trả theo chứng từ trả tiền viện phí nhưng tối đa không quá số tiền trả viện phí của người lao động và thân nhân người lao động sau khi đã trừ số tiền chi trả của tổ chức bảo hiểm
g.1.3) Người sử dụng lao động chi tiền hỗ trợ có trách nhiệm: lưu giữ bản sao chứng từ trả tiền viện phí có xác nhận của người sử dụng lao động (trong trường hợp người lao động và thân nhân người lao động trả phần còn lại sau khi tổ chức bảo hiểm trả trực tiếp với cơ sở khám chữa bệnh) hoặc bản sao chứng từ trả viện phí; bản sao chứng từ chi bảo hiểm y tế có xác nhận của người sử dụng lao động (trong trường hợp người lao động và thân nhân người lao động trả toàn bộ viện phí, tổ chức bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người lao động và thân nhân người lao động) cùng với chứng từ chi tiền hỗ trợ cho người lao động và thân nhân người lao động mắc bệnh hiểm nghèo.... ”
+ Tại Điều 4 hướng dẫn trường hợp được giảm thuế thực hiện cụ thể như sau:
“Điều 4. Giảm thuế
Theo quy định tại Điều 5 Luật thuế Thu nhập cá nhân, Điều 5 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Cụ thể như sau:
1. Xác định số thuế được giảm
a) Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm tính thuế. Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm tính thuế nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm tính thuế đó.
...d) Số thuế giảm được xác định như sau:
d.1) Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng mức độ thiệt hại.
d.2) Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng số thuế phải nộp.
2. Thủ tục, hồ sơ xét giảm thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp VPĐD hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh hiểm nghèo cho người lao động thì:
Số tiền VPĐD hỗ trợ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động theo mức quy định tại Điểm g.1.2 Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính.
Việc xét giảm thuế TNCN đối với cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo được xác định theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính. Mức độ thiệt hại căn cứ vào số tiền chi phí khám chữa bệnh thực tế trong năm tính thuế trừ đi số tiền được bảo hiểm chi trả và số tiền được VPĐD hỗ trợ.
Cục Thuế TP Hà Nội thông báo Văn phòng đại diện Astrazeneca Singapore PTE LTD tại Hà Nội được biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |